Màn tái hiện hình ảnh đoàn quân tiến về tiếp quản Hà Nội trong thời khắc lịch sử ngày 10/10/1954. (Nguồn: VGP) |
Chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô diễn ra hôm 6/10 với điểm nhấn là màn thực cảnh tái hiện thời khắc lịch sử trọng đại của Thủ đô và đất nước ngày 10/10/1954, khi đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô. Ngày hội tái hiện những hình ảnh quen thuộc như Cầu Long Biên, nơi đoàn quân tiến vào; Cột cờ Hà Nội, nơi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong lễ chào cờ đầu tiên.
Sân khấu chính của sự kiện, được dàn dựng công phu, tái hiện các di tích lịch sử và địa điểm nổi tiếng gắn liền với Thủ đô như năm cửa ô, cổng Đoan Môn, cầu Long Biên và Cột cờ Hà Nội.
Rảo bước quanh Bờ Hồ hôm ấy, tôi chợt nhớ về một buổi tuyển chọn đầu vào Khoa Phát thanh truyền hình của một trường báo chí nọ. Nhận được câu hỏi: "Kể tên năm cửa ô của Hà Nội", cô sinh viên lớn lên ở quận Hai Bà Trưng hồn nhiên liệt kê: Cửa Đông, cửa Tây, cửa Nam, cửa Bắc. Khi giám khảo hỏi về cửa ô còn lại. Cô chỉ cười chữa ngượng. Giá chương trình này được tổ chức sớm hơn, cô sinh viên nọ đã không rơi vào cảnh khó xử như thế.
Quả thực, những bài học lịch sử trước kia chủ yếu thông qua giảng dạy trên trường lớp. Nói là Sử nhưng nội dung lại là Toán vì có quá nhiều con số: ngày tháng, quân số, khí tài, thương vong... Phương pháp dạy và học chưa giúp học sinh có được cảm nhận của riêng mình về sự kiện lịch sử.
Suốt một thời gian dài, giới trẻ bị "mang tiếng" là ghét lịch sử, không hiểu biết về tiền nhân. Những video kiểu "Quang Trung - Nguyễn Huệ là hai anh em" càng khiến định kiến ấy bị hằn sâu. Phải đến những năm gần đây, thế hệ GenZ cùng mạng xã hội đã "giải mối oan thế hệ". Nếu như trước kia những bài học lịch sử chủ yếu thông qua giảng dạy trên trường lớp, sách vở thì hiện nay, các bạn có vô vàn cách thức để tiếp cận với lịch sử nhanh chóng, chính xác.
“Những content lịch sử” cũng lên xu hướng, tương tự như các bài hát, câu nói của giới trẻ. Các Tiktoker, Youtuber không chỉ là người kể chuyện mà còn là nhà sáng tạo nghệ thuật, biến những sự kiện lịch sử trở nên sống động và gần gũi hơn bao giờ hết. Họ “thấu hiểu” từ ngôn ngữ, sở thích và hành vi của các bạn đồng trang lứa, từ đó tạo ra nội dung lịch sử phù hợp và gần gũi với người xem. Những cụm tiếng lóng, những mẫu câu viral khéo léo kể các câu chuyện lịch sử.
Thật tuyệt vời khi Thành ủy Hà Nội đã bắt kịp xu thế và thấu hiểu giới trẻ! Không phát biểu dài dòng, không hát hò cũ kỹ… chương trình giúp người tham dự sống lại không khí của những ngày cờ hoa rợp trời cách đây 70 năm, chiêm ngưỡng những đoàn binh oai hùng trở về tiếp quản Thủ đô, hiểu hơn về các công trình biểu tượng đã đi vào thơ ca. Lên Bờ Hồ xem diễu hành bỗng trở thành "trend", dù cho các bạn trẻ phải rất dậy rất sớm mới chiếm được một vị trí đẹp.
Nhờ sáng tạo trong cách tổ chức mà “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà còn giúp cho người tham dự khắc sâu hơn những ký ức lịch sử về Thủ đô, tạo cảm hứng để họ tìm hiểu và khám phá. Hòa chung không khí hân hoan của Thủ đô, chương trình giúp nhiều người trẻ ở Hà Nội có cơ hội thêm hiểu, thêm yêu thành phố mình đang sống, trân quý công lao của thế hệ đi trước, và khơi dậy trong họ niềm tự hào sâu sắc về quê hương, đất nước.