📞

Mười lăm năm xuôi ngược…

09:14 | 07/03/2014
Ông bất ngờ ngã bệnh vào năm 1998 nhưng vẫn đau đáu lo toan viết sách. Mười lăm năm chăm sóc ông, bà Trần Thị Vượng, người vợ tần tảo của nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ đã nếm trải nhiều nỗi gian truân. Được sự đồng ý của bà, TG&VN xin trích đăng một số đoạn trong tự truyện nhan đề Vợ chồng tôi mà bà viết như lời tâm sự với những người thân…
Cuốn sách Ngược dòng thời gian.

Hai vợ chồng tôi ở hai lĩnh vực khác nhau: kẻ làm chính trị, người về kinh tế. Cả hai đều đã có cơ hội để ngắm nhìn đây đó trong thế giới đó đây. Nhưng hai vợ chồng tôi đều cho rằng, cái sự “ngắm nhìn” đó nó bị ràng buộc trong khuôn khổ bởi cái gọi là “nhiệm vụ” của cộng đồng giao phó. Nhiệm vụ đó nặng, nhẹ còn phụ thuộc vào khả năng và trách nhiệm đối với từng người. Nó khác nhau về công việc và mục đích xuất ngoại. Nhưng lại cùng giống nhau ở chỗ “chẳng có tự do và rất đau đầu”…

Bởi vậy, nguyện vọng của tôi được đi du lịch cùng chồng khi trở về già, chẳng có gì gọi là quá đáng... Các con tôi đều đã trưởng thành và biết dùng học vấn của mình để dấn tới ngưỡng cửa thành đạt. Hơn ai hết, chúng luôn muốn bố mẹ chúng sớm được toại nguyện…

Người tính không bằng trời tính

Nhưng rồi lại phải dùng tới câu “người tính không bằng trời tính”. Đùng một cái, chồng tôi đang ngồi viết thì gục xuống bởi tai biến mạch máu não. Rồi lập tức nhập viện… Hai tháng sau, tôi làm đơn xin cho chồng ra viện…

Trước hết, tôi đưa ông đi châm cứu liền một tháng, do Giáo sư Nguyễn Tài Thu thực hiện… Sau đó, tôi cho đóng một chiếc khung bằng cây quế trúc dài chừng 3m, để hàng ngày chồng tôi tập đi, bằng cách bám hai tay vào hai gióng vịn, rồi lần đi từng bước giống như một đứa trẻ mới chập chững tập đi…

Mỗi buổi tối, khi cơm nước đã xong, tôi lại cùng ông đi xa hơn một chút ở bên ngoài. Ông chống gậy có tôi khoác tay dìu bên cạnh. Chúng tôi đi vòng quanh khu tập thể Nam Thành Công, trên quãng đường dài 200-300m. Lúc này là lúc ông vận động chân tay được nhiều nhất. Đồng thời cũng là thời gian để vợ chồng tôi “thủ thỉ” bên nhau, giúp ông quên đi những nỗi sầu của cả một ngày dài đằng đẵng…

Những ngày đầu xem ra cũng vất vả. Trời đã sang thu và màn đêm se lạnh, thế mà cả người ông vẫn vã mồ hôi. Thật khổ cho ông! Tôi thấy thương chồng…

Sở dĩ, tôi chỉ có thể cùng ông tập vào buổi tối, vì ban ngày tôi phải đi làm… Những năm 1990, sau khi nghỉ hưu, tôi đã tự mình thành lập công ty riêng, có tên gọi “Công ty TNHH Sản xuất Nông lâm sản xuất khẩu”… Việc phải ra công ty riêng đối với tôi cũng là “cực chẳng đã”, vì sau khi về hưu, tôi thật là nghèo. Ngoài số tiền lương hưu ít ỏi, tôi chẳng biết trông vào nguồn thu nhập nào khác...

Con người tôi là thế đấy! Với khách nước ngoài, tôi mang chức danh là Tổng giám đốc, cũng phong độ, đàng hoàng chẳng kém gì ai. Rồi khi ở Công ty, tôi cũng là một công nhân thực thụ, thậm chí còn vượt trội hơn cả công nhân…

Lúc này, tôi cũng đã qua tuổi 60, sức khỏe xem ra vẫn còn nhanh nhẹn, nhưng các dấu hiệu đau xương, nhức cốt của tuổi già, thì ai cũng như ai… Tôi chẳng chữa bệnh mà cũng ít khi uống thuốc, vẫn cố làm phăm phăm như ở tuổi 20. Bởi chồng tôi đang nằm đó. Tôi chẳng cho phép mình dù chỉ vài phút nghỉ ngơi. Tôi phải tranh thủ làm cả phần chồng…

Năm 1999, tôi thấy mình không có lựa chọn nào khác, là phải nghỉ việc ở Công ty để trở về trông nom hai ông cháu ở nhà. Cháu Khôi của chúng tôi bị bệnh bẩm sinh.

Các con tôi đều giục dã tôi phải tìm người, để giúp cơm nước và dọn dẹp nhà cửa… Tôi lại cho rằng những việc đó chỉ là việc phụ. Điều quan trọng là việc chữa trị của hai ông cháu, cùng ăn uống kèm theo cũng phải được tiến hành theo chuẩn mực riêng. Những việc đó tôi phải tự làm tất cả. Chỉ có tôi và cũng chỉ một mình tôi. Đúng là sức khỏe của tôi không thể đọ với 2-3 người. Nhưng tình yêu thương của tôi dành cho hai ông cháu, thì cả người giúp việc và các con cháu cộng thêm vào cũng chẳng “nặng” bằng tôi. Thế là tôi trở nên nổi tiếng, là một bà già khó tính cực kỳ…

Còn với ông mới thật là nan giải. Đang luyện tập bình thường, ông bỗng tạt ngang. Ông cho rằng chỉ một buổi chiều viết sách là không đủ. Cứ tập hoài mất cả buổi sáng là lãng phí thời gian. Với lại, bản thảo của ông đã chất đống trên bàn… Ông tuyên bố không tập nữa. Ông phải tập trung để viết sách cho xong. Mọi lời khuyên nhủ của tôi trở nên vô ích. Ông nhất định khăng khăng làm theo ý của mình…

Tâm nguyện viết sách Ngoại giao

Thế là suốt ngày ông đắm mình với công việc, và quên đi rất nhanh tình trạng sức khỏe của bản thân. Ông đã làm việc ở ngành Ngoại giao trên 40 năm (từ 1954 đến 1998). Dù ở đâu và làm việc gì, ông vẫn luôn hướng về nơi đó – Bộ Ngoại giao – cái tên thân thiết của ông…

Năm 1998, sau khi nghỉ hưu, tâm huyết của ông vẫn là như vậy. Ông muốn dành trọn thời gian của đời mình để viết sách về Ngoại giao. Ông giống như con tằm đã đến lúc nhả tơ. Muốn dốc hết những kinh nghiệm về hoạt động Ngoại giao thành điều có ích, để trao truyền cho thế hệ trẻ nối tiếp ông có được tài liệu tham khảo khi cần. Ông nguyện làm một trong nhiều bậc thang, để giúp họ vươn nhanh tới đích.

Nhưng có một điều ông chưa hề nghĩ tới. Đó là bệnh tật! Bệnh đột nhiên ập tới, và đã đánh gục ông ngay từ những trang viết đầu tiên. Thế là “lực bất tòng tâm”, ông đành gác bút để vào bệnh viện…

Nhưng tâm trí ông vẫn không rời viết sách. Cũng bởi vậy trong cả chục năm trời, lúc nằm trên giường bệnh đến cả chuỗi thời gian dài phải tập luyện… rồi chữa trị theo các hướng Đông, Tây y… ông vẫn dành thời gian để viết. Ông đã phác ra từng phần với các tiêu đề: Suy ngẫm; Theo dòng thời cuộc; Thế giới đó đây... Ông tự đánh máy và in ra thành từng tập. Cũng không dày mà chỉ ba, bốn chục trang. Rồi ông in và gửi tới những người cần đến nó. Số lượng không nhiều, chỉ vài chục tập ở dạng đánh máy sơ sài. Bởi tay ông yếu nên chỉ làm được đến thế…

Lúc này giữa tôi và ông đã xuất hiện hai dòng suy nghĩ khác nhau: Ông thiên về viết sách. Còn tôi lại thiên về chữa bệnh cho ông. Tôi muốn ông tập luyện đều đặn, và khát khao được thấy một ngày nào đó, ông sẽ đứng vững và bước đi bằng chính đôi chân của mình…

Rồi tôi gợi ý muốn được chung tay để ông sớm hoàn thành tác phẩm. Bởi trong đầu tôi cái ý nghĩ: phải tập đi! cũng bức xúc như ông: phải viết sách.

Ông đồng ý để tôi xem qua bản thảo. Sau đó trình ông để ông tự sửa lại những chữ gọi là sai… Rồi ông cho gửi đi lần đầu chỉ dăm chục tập. Nhưng sau khi đến tay người nhận, lập tức được chuyển tay nhau và photo lại lên đến hàng trăm…

Thế rồi chiếc điện thoại trên bàn làm việc của ông, liên tục đổ chuông bởi những người hâm mộ. Rồi giới báo chí, truyền thông cũng đăng ký tới tấp, muốn gặp ông để phỏng vấn về mọi vấn đề… Tiếp sau đó là rất nhiều những cuộc gặp gỡ. Đứng bên ngoài tôi biết là ông rất mệt. Nhưng nể tình nên ông chẳng nỡ chối từ. Bởi ông luôn là người như thế.

(…)

Sau 10 năm ở Yên Phụ, năm 2011, vợ chồng tôi cùng cháu Khôi đã chuyển về nhà con gái tôi ở ngõ 647, phường Xuân La, đường Lạc Long Quân vẫn thuộc quận Tây Hồ. Tôi lấy cớ là về đây để được gần hai đứa con trai.

Nhưng nói thật là tôi muốn đưa ông chạy trốn. Bởi lúc này sức khỏe của ông đã giảm sút quá nhiều. Thị lực của ông giảm nhanh chóng và chân tay ông đã trở nên nặng nề hơn. Ông chẳng thể ngồi lâu bên máy tính. Rồi nguồn vui được tiếp khách cũng chẳng còn… Do vậy mà tính tình ông trở nên cáu kỉnh. Mọi bực bội ông đổ hết lên đầu tôi, coi tôi là thủ phạm.

Tôi biết rõ là tác phẩm của ông đang còn dang dở. Nếu chưa xong tôi sẽ lĩnh đủ phiền hà. Bởi vậy, tôi đã khuyên ông nên tổng hợp các tiểu phẩm nhỏ thành Hồi kí gồm nhiều chương. Và tôi hứa sẽ giúp ông sắp xếp để in thành sách. Ông cũng thấy chẳng còn cách nào khác, vì thời gian đã muộn mất rồi… Ông đồng ý!

Thế là tôi và ông hối hả cùng làm… Cuốn sách tổng hợp từ các tiểu đề: Suy ngẫm; Thế giới đó đây, dày gần 200 trang và mang cái tên là Ngược dòng thời gian.

Và lại một lần nữa, ông được chúc mừng nồng nhiệt, cùng những lời cảm ơn của các bạn gần xa. Số sách ông gửi biếu bạn bè chỉ là số ít. Mà chủ ý của ông là dành hết cho Bộ Ngoại giao, nơi ông đã cống hiến gần trọn đời mình.

Trần Thị Vượng