📞

Mỹ chấm dứt ưu đãi thương mại đặc biệt dành cho Ấn Độ: “Chỉnh trang” quan hệ đồng minh

11:31 | 07/06/2019
Kể từ 5/6, Mỹ chính thức chấm dứt ưu đãi thương mại đặc biệt dành cho Ấn Độ theo chương trình Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP), loại bỏ việc miễn thuế hàng tỷ USD hàng hóa của nước Ấn Độ nhập vào Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: Mumbailive)

Kể từ 5/6, Mỹ chính thức chấm dứt ưu đãi thương mại đặc biệt dành cho Ấn Độ trong khuôn khổ chương trình Hệ thống ưu đãi phổ cập (Generalized Systems of Prefrences - GSP), loại bỏ tình trạng miễn thuế hàng tỷ USD hàng hóa của nước này nhập khẩu vào Mỹ.

Mục tiêu tiếp theo của Washington?

Quyết định của Tổng thống Trump có thể gây ra thêm một trận chiến thương mại mới, nối dài danh sách những quốc gia có căng thẳng thương mại với Mỹ? Và Mỹ có nguy cơ mất đi một đồng minh chủ chốt?

Không hẳn là vậy, có thể đây chỉ là “bất hòa ngắn hạn” đang tồn tại trong quan hệ, mà cả Mỹ và Ấn Độ đều cần nhanh chóng giải quyết. Vì Ấn – Mỹ vẫn cần có nhau.

Dù rằng, quyết định của Washington bị coi là cú sốc đối với Ấn Độ, sau khi nước này có một nhượng bộ trước áp lực từ phía Mỹ bằng việc không mua dầu thô từ Iran. Quyết định cách ly Ấn Độ khỏi GSP lại rơi vào đúng thời điểm nhạy cảm, khi Thủ tướng Narendra Modi vừa tái đắc cử và phải ứng phó với một nền kinh tế đang giảm tốc, trong đó, khu vực xuất khẩu còn yếu là một nguyên nhân và việc xúc tiến đưa hàng hóa ra nước ngoài được xem là nhiệm vụ khẩn cấp của chính phủ mới.

Trên thực tế, việc mất GSP từ Mỹ sẽ khiến Ấn Độ thiệt hại khoảng 190 triệu USD/năm. Nhưng Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Ấn Độ, sau Trung Quốc, với kim ngạch song phương lên tới hơn 140 tỷ USD, không dễ dàng từ bỏ.

Ngược lại, dù chỉ là bạn hàng lớn thứ 9 của Washington, nhưng New Delhi lại có thị trường đông dân thứ hai thế giới, với nhiều cơ hội kinh doanh béo bở. Vài năm gần đây, Ấn Độ là địa chỉ đỏ với các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ từ Amazon, Walmart, Google, Apple,… Nơi đây thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư từ Mỹ, một nguồn cung nhân lực công nghệ thông tin dồi dào và một thị trường 1,3 tỷ dân với khoảng 600 triệu người dùng Internet.

Ngoài ra, vị thế của New Delhi lúc này chắc chắn còn phải được tính đến trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và Mexico đang diễn biến phức tạp.

GSP và Đồng minh

GSP được đề ra nhằm giúp những nước đang phát triển xóa đói, giảm nghèo thông qua thương mại, nhờ vào việc miễn thuế một số sản phẩm được nhập khẩu vào Mỹ. Ngược lại, nước hưởng GSP phải cho phép Mỹ tiếp cận thị trường một cách công bằng và thỏa đáng. Nhưng hàng hóa Mỹ đã không nhận được quyền tiếp cận công bằng và phù hợp từ New Delhi, đó là lý do đã được đưa trong tuyên bố chấm dứt ưu đãi GSP dành cho Ấn Độ, do Nhà Trắng ban hành.

Việc được Mỹ coi là một quốc gia đang phát triển hưởng lợi từ GSP, đã giúp Ấn Độ trở thành đối tác được hưởng lợi nhiều nhất từ cơ chế này, trong suốt vài thập kỷ.

Theo dữ liệu của Mỹ, GSP đã tạo điều kiện cho 121 quốc gia đang phát triển có cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ dễ dàng hơn. Cụ thể, năm 2018, trong 54 tỷ USD hàng hóa Ấn Độ xuất khẩu sang Mỹ có khoảng 6 tỷ USD hàng hóa được miễn thuế nhờ GSP. Trong khi đó, số lượng hàng mà New Delhi mua của Mỹ chỉ trị giá khoảng 33 tỷ USD.

Thâm hụt thương mại Mỹ - Ấn đã lên tới 26,7 tỷ USD trong năm qua. Và quyết định gây sốc đối với Ấn Độ chỉ là thêm một nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ trên toàn cầu.

Ngoài ra, GSP không phải là nguồn cơn duy nhất dẫn đến căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa hai quốc gia này. Bất đồng New Delhi - Washington gia tăng trong những năm gần đây khởi nguồn từ chiến lược “Mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ” của Tổng thống Trump mâu thuẫn với chiến dịch “Sản xuất tại Ấn Độ” của Thủ tướng Modi. Chính sách thắt chặt thị thực lao động H-1B của Nhà Trắng áp vào ngành công nghiệp công nghệ Mỹ, khiến phần lớn trong số đó là công nhân Ấn Độ bị ảnh hưởng. Cuộc "đàn áp" về công nghệ còn tác động đến hàng loạt doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Ấn Độ, vốn là một động lực lớn khác trong thương mại song phương Mỹ - Ấn.

Ấn Độ là một trong những nước chịu ảnh hưởng từ thuế nhôm và thép của Mỹ năm ngoái. Để đáp trả, Ấn Độ tuyên bố sẽ áp thuế lên 240 triệu USD hàng hóa Mỹ, nhưng đã tự kiềm chế và chưa thực sự áp dụng mức thuế này. Còn Tổng thống Trump cũng không phải đến tận bây giờ mới ra mặt chỉ trích mặt bằng thuế rất cao của Ấn Độ đối với hàng hóa Mỹ, từ mức thuế 150% đối với rượu whiskey cho đến xe máy… Bởi vậy, quyết định cứng rắn lần này có thể được Washington kỳ vọng tạo sức ép cần thiết, nhằm giúp hàng hóa Mỹ tiếp cận thuận lợi hơn với thị trường khổng lồ của quốc gia Nam Á.

Giới doanh nghiệp Mỹ - Ấn đã lên tiếng phản đối quyết định của Washington và kêu gọi hai bên giải quyết vấn đề thông qua đối thoại, bởi lý do GSP không chỉ mang lại lợi ích cho riêng Ấn Độ.

Hiện tại New Delhi tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu với khoảng 20 loại hàng hóa Mỹ để trả đũa. Tuy nhiên, ngày 1/6, Chính phủ Ấn Độ đã lên tiếng cho rằng, việc Mỹ chấm dứt GSP đối với New Delhi chỉ là "không may" và cho biết sẽ tiếp tục cố gắng vực dậy quan hệ song phương.

Trong khi đó, một trong những mục tiêu của Tổng thống Trump khi tiến hành các cuộc chiến tranh thương mại là cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, điều Mỹ đang phải ứng phó là sự ăn miếng, trả miếng từ các đối tác và trên thực tế, những người chịu ảnh hưởng trước tiên chính là người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ.

Bởi những "lợi, hại" mà hai bên có thể phải gánh chịu sau mỗi cú ra đòn của bên kia, căng thẳng Mỹ - Ấn được giới quan sát cho rằng, sẽ không bị đẩy đi quá xa.