Dầu khí là động lực quan trọng thúc đẩy chính quyền Mỹ đàm phán với Venezuela - Ảnh: Một cơ sở khai thác và lọc dầu của Công ty Dầu khí Venezuela (PDVSA). (Nguồn: Reuters) |
Ngày 5/3, một phái đoàn Mỹ, gồm cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng về Mỹ Latin Juan Gonzalez và Đại sứ James Story, đã hội đàm với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và Phó Tổng thống Delcy Rodriguez tại thủ đô Caracas (Venezuela).
Đây là cuộc đàm phán cấp cao hiếm hoi giữa hai nước trong nhiều năm liền. Đồng thời, nó cũng đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của quan chức Nhà Trắng tới Venezuela kể từ những năm 1990.
Truyền thông Mỹ đánh giá đây là cơ hội để xem liệu Venezuela, đồng minh thân cận hàng đầu của Nga tại Mỹ Latin, có đứng ngoài hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine hay không.
Washington cũng muốn xác định các nguồn cung cấp dầu thay thế cho khoảng trống một khi phương Tây tẩy chay ngành năng lượng của Moscow, với Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga ngày 8/3.
Khi ấy, Venezuela có thể là nguồn thay thế quan trọng, song chỉ khi Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, đây sẽ là nhiệm vụ không dễ dàng với cả hai phía.
Thay đổi cần thiết
Nói về chuyến thăm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, ưu tiên của quan chức Mỹ là “sự tự do của các công dân Mỹ và…đề cao tinh thần dân chủ của người dân Venezuela”, song không đề cập vấn đề năng lượng.
Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định gỡ bỏ cấm vận với Venezuela “cần đi cùng với các hành động thực chất từ phía chính phủ của ông Maduro”.
Tuy nhiên, việc chính phủ Venezuela “bất ngờ” trả tự do cho hai người Mỹ chỉ ba ngày sau chuyến thăm cho thấy cuộc hội đàm song phương đã có kết quả, và dường như không chỉ dừng lại số phận của các công dân xứ cờ hoa. Bởi lẽ, ngày 13/3, trả lời hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ), Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Felix Plasencia cũng khẳng định rằng nối lại xuất khẩu năng lượng từ nước này tới Mỹ sẽ “tốt cho tất cả mọi người”.
Nhận định về cuộc hội đàm, ông Jose R. Cardenas, cựu quan chức Mỹ và chuyên gia về Mỹ Latin, cho rằng từ lâu, chính quyền ông Joe Biden đã “tìm một lý do để cải thiện quan hệ Mỹ-Venezuela và xung đột ở Ukraine là một lý do như thế.”
Tương tự, ông Chris Sabatini, chuyên gia về Mỹ Latin tại Viện Chatham (Anh), cho rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine đã giúp chính quyền Mỹ của ông Joe Biden “có cân nhắc địa chính trị phù hợp để đưa ra các thay đổi chính sách cần thiết” với Venezuela.
Rào cản lớn
Tuy nhiên, với những gì quan hệ Mỹ-Venezuela từng trải qua trong quá khứ, rào cản để hai nước đàm phán và nối lại hoạt động thương mại, dù chỉ giới hạn ở lĩnh vực dầu khí, cũng không dễ vượt qua.
Trước hết, động thái của chính quyền ông Joe Biden đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ lưỡng đảng, dù là Thượng Nghị sĩ Marco Rubio của đảng Cộng hoà với lập trường cứng rắn, hay Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện, Thượng Nghị sĩ Bob Menedez của đảng Dân chủ. Hai chính trị gia kỳ cựu này cho rằng Nhà Trắng đang đánh đổi các giá trị Mỹ, đi ngược lại với tuyên bố ủng hộ lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaido để tìm kiếm lợi ích năng lượng từ Venezuela.
Tuy nhiên, với những gì quan hệ Mỹ-Venezuela từng trải qua trong quá khứ, rào cản để hai nước đàm phán và nối lại hoạt động thương mại, dù chỉ giới hạn ở lĩnh vực dầu khí, cũng không dễ vượt qua. |
Ngoài ra, một số chuyên gia nhận định Mỹ đã quá lạc quan khi nghĩ rằng nguồn dầu Venezuela có thể lập tức thay thế cho Nga. Quốc gia Nam Mỹ có trữ lượng dầu lớn, song cơ sở hạ tầng của nước này được cho là đã ít nhiều xuống cấp và hiện Venezuela chỉ chiếm chưa đầy 1% thị phần ngành năng lượng thế giới.
Hơn nữa, Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Felix Plasencia cũng khẳng định sẽ chỉ xuất khẩu năng lượng sang Mỹ khi Washington “tôn trọng chủ quyền” Caracas và thừa nhận ông Nicolas Maduro là nhà lãnh đạo hợp pháp, duy nhất của đất nước Nam Mỹ. Đây sẽ là rào cản lớn nhất với chính quyền ông Joe Biden trong nỗ lực tìm kiếm lợi ích từ thương mại dầu khí với người đồng cấp Maduro.
Vì thế, phía trước Mỹ và Venezuela còn một chặng đường dài để nối lại hợp tác, từng bước hàn gắn và xây dựng lại mối quan hệ trắc trở đã kéo dài hàng thập kỷ.
| Venezuela 'chìa cành ô liu' với EU Venezuela tái khẳng định với Liên minh châu Âu (EU) về sự sẵn sàng đối thoại hòa bình và yêu cầu dỡ bỏ các biện ... |
| Venezuela khẳng định có đủ dầu, đặt điều kiện về việc cung cấp cho Mỹ và châu Âu Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Dầu mỏ của Quốc hội Venezuela cho biết nước này có thể nối lại nguồn cung dầu khí ... |