📞

Mỹ - Iran: Chưa thể cùng hội cùng thuyền

10:00 | 22/01/2016
Ngày 17/1, Mỹ và các nước phương Tây tuyên bố dỡ bỏ một loạt lệnh cấm vận quốc tế đối với Iran, sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận Iran đã tuân thủ các cam kết theo thoả thuận hạt nhân lịch sử ký ngày 14/7 năm ngoái. Tiếp đó, Iran cũng đã công bố trả tự do cho năm công dân Mỹ. Đổi lại, Mỹ cũng phóng thích bảy công dân Iran và giảm án cho 14 công dân Iran khác.

Hiện vẫn còn nhiều bất đồng sâu sắc giữa Mỹ với Iran. (Nguồn: CNN)

Mặc dù những sự kiện liên tiếp trên cho thấy chiều hướng tốt đẹp rõ ràng trong quan hệ hai nước nhưng ở thời điểm hiện tại, một số chuyên gia nhận định Mỹ và Iran vẫn chưa thể cùng hội cùng thuyền.

Thứ nhất, khả năng Mỹ lựa chọn thay đổi các liên minh ở Trung Đông, bỏ rơi Israel và các vương quốc vùng Vịnh theo dòng Hồi giáo Sunni để bắt tay với nước Iran Hồi giáo Shiite là rất khó bởi chỉ cách đây vài năm, Mỹ còn xếp Iran vào "Trục ma quỷ".

Thứ hai, hiện vẫn còn nhiều bất đồng sâu sắc giữa Mỹ với Iran, đặc biệt là trong các hồ sơ nhân quyền, vấn đề tên lửa đạn đạo và khủng bố. Cho tới nay, đối với Mỹ, Iran vẫn nằm trong danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố. Điều này được bộc lộ chỉ một ngày sau khi lệnh trừng phạt nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran được dỡ bỏ, Mỹ đã công bố lệnh trừng phạt mới đối với Tehran liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo.

Vậy thì sắp tới, quan hệ Mỹ - Iran sẽ đi theo hướng nào? Theo AFP, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết: "Chúng tôi sẽ xem xét tìm cách mở rộng hợp tác hay ít ra là duy trì đối thoại xây dựng về những vấn đề khác". Còn ông Joseph Bahout, nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Carnegie, nhận định chính quyền Obama trong thâm tâm vẫn coi

Iran là một "đối tác tự nhiên" trong tương lai.

Theo các chuyên gia, chính quyền Obama hy vọng có thể "tái cân bằng" chiến lược của Mỹ ở Trung Đông theo hướng nghiêng về phía Iran nhiều hơn, chứ không dựa chủ yếu vào đồng minh Saudi Arabia nữa, nhằm mục tiêu chấm dứt các xung đột không chỉ ở Syria, mà còn ở Yemen và Lebanon. Đó là những nơi mà dòng Hồi giáo Shiite, đứng đầu là Iran, đối đầu với dòng Sunni dưới sự lãnh đạo của Saudi Arabia.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Tổng thống Obama chỉ còn một năm nhiệm kỳ, khoảng thời gian ngắn ngủi đó sẽ không đủ để làm nên những bước đột phá trong quan hệ hai bên.

Có thể nói, tương lai quan hệ Mỹ - Iran đi đến đâu còn tùy thuộc phần lớn vào kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay. Bởi ngược lại với đảng Dân chủ, các ứng cử viên Cộng hòa như Donald Trump hay Ted Cruz có thái độ cứng rắn hơn với Tehran. Theo đó, nếu đảng Dân chủ tiếp tục cầm quyền thì có thể mối quan hệ  Mỹ - Iran sẽ có nhiều cơ hội hòa giải. Còn nếu đảng Cộng hòa giành thắng lợi thì cánh cửa bình thường hóa giữa hai bên nhiều khả năng sẽ càng khép lại.

(tổng hợp)