📞

Mỹ-Iran: ‘Khoe’ UAV bám tàu Mỹ, Iran nhắn gửi thông điệp

Lưu Huỳnh 18:16 | 22/04/2021
Giữa lúc quan hệ Mỹ-Iran vẫn tiếp tục căng thẳng bất chấp hòa đàm ở Vienna, Iran công bố hình ảnh từ máy bay không người lái (UAV) bám sát tàu sân bay Mỹ là cách nhắn gửi thông điệp tới các người chơi khác nhau, cả ở trong và ngoài khu vực vịnh Ba Tư. Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam.

Ngày 22/4, kênh Press TV (Iran) đã đăng tải trên Twitter video từ 4 chiếc máy bay không người lái (UAV) được Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) triển khai, cho thấy nhiều máy bay chiến đấu, trực thăng và khí tài quân sự trên các tàu sân bay Mỹ tại vịnh Ba Tư. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu UAV của Iran áp sát và chụp hoạt động tàu sân bay Mỹ. Tháng 9/2020, các UAV cũng đã chụp nhiều bức ảnh về cụm tàu sân bay Mỹ hoạt động gần eo biển Hormuz. Hãy thử đi tìm lý do cho động thái này?

Các UAV của Iran trong một bài kiểm tra quy mô lớn tại thành phố Semnan, Iran tháng 1/2021. (Nguồn: TTXVN/AFP)

Thứ nhất, đây là cách Iran bảo toàn ưu thế với Mỹ trong bối cảnh đàm phán về Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) không chính thức đang diễn ra tại Vienna.

Một điểm mạnh của lực lượng tàu sân bay Mỹ là khả năng sử dụng ưu thế về không quân để tấn công chính xác và chớp nhoáng vào mục tiêu đã được định sẵn. Chiến dịch không kích chớp nhoáng tại Syria tháng 4/2017 của chính quyền Donald Trump và chiến dịch tương tự tháng 2/2021 của chính quyền Joe Biden là minh chứng rõ nhất cho phương châm tác chiến đó.

Vì thế, công bố hình ảnh trên là cách Tehran khẳng định sẽ không bị bất ngờ trước bất kỳ hành động quân sự nào của Washington nhằm tìm kiếm lợi thế trên thực địa và bàn đàm phán. Điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, Tướng Franken Mackenzie của Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (USCENTcom) từng khẳng định các UAV cỡ vừa và nhỏ của Iran làm giảm ưu thế của Không quân Mỹ. Trong bối cảnh chính quyền ông Joe Biden cam kết đưa Mỹ trở lại JCPOA, mất ưu thế này đồng nghĩa rằng Washington khó ra điều kiện với Tehran để đạt một thỏa thuận có lợi.

Thứ hai, đây là cách Iran thể hiện năng lực quân sự với Israel. Thời gian qua, sử dụng ưu thế về không quân, Tel Aviv đã nhiều lần thực hiện các vụ tấn công chính xác nhắm vào lực lượng được Tehran bào trợ tại Syria. Với việc công bố những hình ảnh nêu trên, Iran cho thấy bước tiến đáng kể trong lĩnh vực phòng không, không quân và Israel khó có thể muốn làm gì thì làm như trước.

Thứ ba, Iran muốn chen chân vào thị trường UAV đang nở rộ. Sau khi chứng minh hiệu quả trong xung đột Nagorno-Karabakh, UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ đang được săn đón tại Ukraine khi Kiev cần củng cố năng lực do thám, tấn công trước ưu thế không quân của Moscow.

Công bố những hình ảnh của UAV là cách Tehran khẳng định sẽ không bị bất ngờ trước bất kỳ hành động quân sự nào của Washington nhằm tìm kiếm lợi thế trên thực địa và bàn đàm phán.

Về phần mình, hồi tháng 2, Iran đã công bố UAV Kaman-22 có nhiều điểm giống lạ dòng UAV MQ-9 Reaper của Mỹ nổi tiếng. Khách hàng tiềm năng của dòng UAV này có thể là Triều Tiên.

Trong Đại hội VIII của đảng Lao động Triều Tiên tháng 1/2021, Bình Nhưỡng đã hé lộ kế hoạch hiện đại hóa quốc phòng, trong đó có trọng tâm sở hữu các UAV. Dù đã sản xuất tên lửa đạn đạo, hệ thống liên lạc, phòng không tầm xa, song Bình Nhưỡng chưa thể thực sự sản xuất máy bay chiến đấu cao cấp nào, trừ trong khuôn khổ sản xuất theo bằng sáng chế từ Nga.

Tuy nhiên, UAV có giá thành, yêu cầu công nghệ thấp hơn máy bay tiêm kích và chiến đấu, với chi phí vận hành và bảo dưỡng hợp lý. Với quan hệ hợp tác truyền thống, mục tiêu chung và công nghệ UAV phát triển, Tehran nổi lên như đối tác hàng đầu của Bình Nhưỡng trong lĩnh vực này.

Trên thực địa, UAV của Tehran đã chứng minh hiệu quả. Tháng 2/2018, UAV Saegheh của Iran đã xâm nhập thành công không phận Israel và chỉ bị bắn hạ bởi hỏa lực tầm gần. Hai mẫu UAV mới hơn, Shahed 181 và 191 còn có thể sử dụng vũ khí dẫn đường. Thể hiện năng lực theo dõi hoạt động tàu sân bay Mỹ rõ ràng là một màn chào hàng thành công nữa của Iran với Triều Tiên.

Vì thế, công bố hình ảnh UAV của Iran bám sát hoạt động tàu sân bay Mỹ là cách Tehran nhắn gửi thông điệp tới những người chơi khác nhau, dù cho đó là đối thủ hay đối tác.