📞

Mỹ - Iran: Tín hiệu trái chiều hay điều cần thiết?

Thanh Minh 11:00 | 01/08/2019
TGVN. Mỹ gia hạn miễn trừ trừng phạt Iran. Động thái này khiến nhiều người bất ngờ bởi ở thời điểm hiện tại, quan hệ Mỹ-Iran tiếp tục “căng như dây đàn”. Đâu là nguyên nhân khiến ông Trump đưa ra quyết định như vậy?
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã thuyết phục thành công Tổng thống Donald Trump gia hạn lệnh miễn trừng phạt hạt nhân Iran. (Nguồn: Getty Images)

Trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ủng hộ ý tưởng của Bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin về việc gia hạn miễn trừ trừng phạt với 5 chương trình hạt nhân của Iran, bất chấp sự phản đối của Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton.

Trước đó, 5 lệnh miễn trừ trừng phạt theo Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) được ông Pompeo gia hạn vào hôm 3/5 và sẽ hết hạn vào ngày 31/7. Một khi được gia hạn, sẽ cho phép các quốc gia P5+1 được tiếp tục chương trình hạt nhân dân sự với Iran tại nhà máy điện hạt nhân Bush Bushehr, cơ sở làm giàu Fordow, tổ hợp hạt nhân Arak và lò phản ứng nghiên cứu Tehran.

Thái độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến nhiều người bất ngờ bởi ở thời điểm hiện tại, quan hệ Washington – Tehran đang tiếp tục “căng như dây đàn”. Đâu là nguyên nhân khiến ông Trump đưa ra quyết định như vậy?

“Diều hâu” lộ mình

Đầu tiên, thông tin về cuộc họp của Nhà Trắng đã phần nào tiết lộ thêm đấu tranh nội bộ giữa chính quyền Mỹ nói chung và bản thân Tổng thống nói riêng. Ngày 10/7, chính ông Trump đã khẳng định trên Twitter rằng “Các lệnh trừng phạt sẽ sớm được tăng cường đáng kể!”. Trong cuộc họp vài tuần trước, ông từng chỉ đạo loại bỏ các lệnh miễn trừ. Sự thay đổi quyết định 180 độ này cho thấy Tổng thống là người dễ thay đổi và quyết định của ông dễ chịu tác động bởi các quan chức dưới quyền, nổi bật là Ngoại trưởng Mike Pompeo, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin.

Loại bỏ các lệnh miễn trừ trừng phạt, gia tăng áp lực lên Iran là mục tiêu của phe “diều hâu”, bao gồm nhiều chính trị gia của đảng Cộng hoà với đại diện là Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton. Trước đó, ngày 17/7, 50 chính trị gia Mỹ, đứng đầu là Hạ Nghị sỹ Liz Cheney đã gửi thư kêu gọi ông Trump huỷ bỏ các lệnh miễn trừ trừng phạt với Iran “một lần và mãi mãi”, cho rằng chúng đã hợp pháp hoá cơ sở hạt nhân và dự án bất hợp pháp của Iran. Chiến dịch “áp lực tối đa” rõ ràng chịu ảnh hưởng không nhỏ đến từ thế lực này.

“Bồ câu” thắng thế

Tuy nhiên, trong cuộc họp vừa qua, người chiến thắng lại là nhân vật phe “bồ câu”, Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin. Ông đã thành công khi thuyết phục ông Trump gia hạn các lệnh miễn trừ trừng phạt. Xuất thân là nhà đầu tư phố Wall và nhiều năm lăn lộn thương trường như ông Trump, ông Mnuchin có tiếng nói trong chính quyền Mỹ.

Đương kim Tổng thống là người luôn đề cao vấn đề lợi ích và mọi thay đổi chính sách cần phải mang lại kết quả cụ thể, tích cực. Điều này càng quan trọng hơn khi chỉ còn hơn một năm nữa là tới bầu cử Tổng thống Mỹ và ông Donald Trump đang tích cực tìm kiếm những thành tích, xây dựng hình ảnh thành công. Do đó, chiến thuật của ông Mnuchin nhấn mạnh vào uy tín và ảnh hưởng Mỹ có thể giành được nếu tiếp tục duy trì lệnh miễn trừ trừng phạt đã thuyết phục được ông Trump.

Ông Mnuchin cho rằng đây là điều cần làm để tránh trừng phạt các công ty Nga, Trung Quốc và châu Âu hiện đang tham gia nhiều dự án ở Iran theo JCPOA. Về lâu dài, Bộ Tài chính Mỹ vẫn hướng tới chấm dứt miễn trừ trừng phạt Iran, song trước mắt, họ cần thêm thời gian để đánh giá ảnh hưởng đối với các công ty Nga, Trung Quốc và châu Âu làm ăn với Iran.

Cách tiếp cận đã khác?

Đáng chú ý, gia hạn các lệnh miễn trừ trừng phạt có thể làm tiền đề để Washington thay đổi cách tiếp cận trong vấn đề Tehran. Ngày 25/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định sẵn sàng tới Iran để thảo luận về căng thẳng song phương, nhưng nhấn mạnh về sự tham dự của Nhật Bản và Anh để thành lập đội tuần tra hàng hải trên Eo biển Hormuz. Thậm chí, người đứng đầu ngành Ngoại giao xứ cờ hoa để ngỏ khả năng xuất hiện và trả lời phỏng vấn trên truyền hình nhà nước của Iran, dù Tehran không hào hứng về khả năng này.

Thêm vào đó, một số chuyên gia cho rằng tiếp tục miễn trừng phạt hạt nhân không ảnh hưởng đến chiến lược “áp lực tối đa”. Việc Tehran tập trung tiềm lực cho chương trình hạt nhân, vốn vẫn chịu nhiều giới hạn, thậm chí còn khiến nền kinh tế của quốc gia này kiệt quệ, khiến sức mạnh tổng thể suy yếu.

Ngược lại, một bộ phận khác lại cho rằng động thái gia hạn các lệnh miễn trừng phạt này có thể phản tác dụng khi Iran có thể xem đây là động thái nhượng bộ, củng cố niềm tin của các chính trị gia theo đường lối cứng rắn ở Tehran, đặc biệt là Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) và Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei.

Tuy nhiên, điều mà các quan chức, chính giới và giới ngoại giao Mỹ lo ngại hơn cả là liệu ông Trump và chính quyền có thể theo đuổi chính sách Iran đơn phương, chủ động và khác xa so với người tiền nhiệm này hay không. Khi ấy, động thái lùi bước của Tổng thống Mỹ có thể gửi đến một tín hiệu không mong muốn. Trong bối cảnh đó, phản ứng của Iran, và nhóm P5+1 còn lại như Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức trước tín hiệu này ra sao sẽ là điều đáng theo dõi.