TIN LIÊN QUAN | |
Yêu cầu công ty Mỹ rời bỏ Trung Quốc: Thẩm quyền của ông Trump hay quyết định của doanh nghiệp? | |
Trung Quốc lo lắng khi ông Trump muốn doanh nghiệp Mỹ ‘trở về nhà’? |
Các lệnh trừng phạt của Washington khó có thể cản những bước tiến công nghệ của Bắc Kinh. |
Tranh luận chính trị thường được đề cập đến tính nguyên tắc. Nhưng lập luận thuyết phục nhất nhằm phản đối cuộc chiến công nghệ mà Mỹ nhằm vào Trung Quốc không phải là phân tích việc đó đúng hay là sai, mà chỉ có thể nói đến những thiệt hại của Mỹ. Bởi vì, các lệnh trừng phạt của Washington dù có thế nào vẫn khó có thể cản những bước tiến công nghệ của Bắc Kinh.
Mưu mẹo tuyệt vọng?
Washington chắc chắn có lý do để phẫn nộ. Bởi ngay từ đầu những năm 1990, họ đã có một số thỏa thuận song phương với Bắc Kinh nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ của Mỹ ở Trung Quốc, nhưng ngay sau đó đã bị qua mặt một cách ngoạn mục.
Trong nhiều thập kỷ, từ giày Nike giả… đến iPhone giả ngang nhiên giao dịch ngay giữa các trung tâm mua sắm sầm uất của Bắc Kinh. Nhiều thương hiệu Mỹ bị xé toạc, cùng với không ít bí mật thương mại bị đánh cắp. Ủy ban về Đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ ước tính, chỉ riêng trong năm 2015, thiệt hại của Mỹ liên quan đến thất thoát tài sản trí tuệ đã lên tới 540 tỷ USD - nhiều hơn toàn bộ thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
Tuy nhiên, một sự phẫn nộ dù có chính đáng không phải là một chiến lược có thể nắm chắc phần thắng. Tổng thống Trump mới đây đã từng tuyên bố rằng, Chiến tranh thương mại càng kéo dài, Trung Quốc càng yếu đi và chúng ta càng có được sức mạnh. Nhưng nếu nhìn từ bên ngoài, “cuộc ly thân” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sau gần 40 năm gắn bó chắc chắn sẽ khiến các tập đoàn hàng đầu của Mỹ chịu nhiều đau đớn.
Các đòn trừng phạt mà Mỹ nhằm vào ngành công nghệ Trung Quốc đã nhanh chóng bị coi như đòn “ghen ăn tức ở” do lo sợ rằng, Bắc Kinh sẽ trở thành nhà lãnh đạo công nghệ của thế giới. Một phản ứng dữ dội từ bên trong Trung Quốc đã bắt đầu. Cisco, nhà sản xuất thiết bị mạng của Mỹ cho biết, các công ty nhà nước Trung Quốc đã đóng cửa hoàn toàn trước mặt họ, họ thậm chí còn không được mời tham gia vào các gói thầu. Hàng loạt các “ông lớn” công nghệ khác của Mỹ từ Qualcomm, Micron, Qorvo and Broadcom… cũng đều chung cảnh ngộ chịu những cơn gió ngược.
“Chúng tôi biết, công nghệ của Mỹ thường là tốt nhất và chúng tôi thực sự muốn sử dụng nó. Tuy nhiên, khi nguồn cung từ Mỹ không đáng tin cậy và mang tính chính trị, chúng tôi buộc phải tìm giải pháp thay thế”, một nhà điều hành hãng công nghệ của Trung Quốc chia sẻ.
Tình thế của Bắc Kinh được củng cố hơn bởi lực lượng người tiêu dùng khổng lồ trong nước. Doanh số điện thoại thông minh của Huawei vẫn tăng vọt sau khi bị liệt vào danh sách đen của Nhà Trắng. Trong khi đó, doanh số iPhone tại Trung Quốc thì xuống dốc chưa từng có.
Từ quan điểm của người Trung Quốc, cách tiếp cận của Mỹ đang là tự làm tổn thương chính mình để giành lợi thế trước một kẻ thù. Trong văn hóa dân gian Trung Quốc, đấy là một mưu mẹo tuyệt vọng và nó chỉ có tác dụng nếu kết thúc gây thương tích lớn hơn cho đối thủ.
Còn Bắc Kinh, cho đến nay, họ dường như đang “hấp thụ nỗi đau”. Số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc cho thấy, thặng dư thương mại với Mỹ vẫn tăng đều trong năm nay, bất chấp thuế quan thương mại ăn miếng trả miếng. Dù một số công ty công nghệ Mỹ, như HP, Dell, Microsoft, Amazon và Apple, đều đang xem xét chuyển một phần công xưởng ra khỏi Trung Quốc. Nhưng kể cả làn sóng này, cũng như danh sách đen của Mỹ đều không thể quyết định được những bước tiến trong công nghệ của Trung Quốc.
Thật vậy, trong một số lĩnh vực, công nghệ Trung Quốc đang được đánh giá là đã bước trước. Đường sắt tốc độ cao, đường dây cao thế, năng lượng tái tạo, phương tiện năng lượng mới, thanh toán kỹ thuật số và viễn thông 5G đều là các ngành công nghiệp mà các doanh nghiệp Trung Quốc hiện được coi là đối tác hàng đầu của Mỹ. Và Trung Quốc cũng đang được coi là nơi có văn hóa khởi nghiệp sôi động hơn.
Và đến nay, rất nhiều nguồn dữ liệu đều “đồng ý” rằng, Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp Mỹ, ngay cả trong các lĩnh vực nền tảng, như trí tuệ nhân tạo. Mặc dù, theo như đánh giá mới đây của Quỹ Đổi mới và Công nghệ thông tin có trụ sở tại Mỹ, Washington dẫn đầu tuyệt đối thì Bắc Kinh nổi trội với các sáng kiến AI táo bạo. Nhưng tất cả có thể thay đổi trong những năm tới, vì Trung Quốc dường như đang đạt được sự tiến bộ nhanh hơn cả Mỹ, hoặc Liên minh châu Âu.
Cách đàm phán của ông Trump
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lại vừa lần lượt tuyên bố các đòn thuế quan mới làm leo thang cuộc chiến thương mại. Hiện tại, không bên nào sẵn sàng nhường bên nào dù chỉ một phân. Nhiều khả năng, Tổng thống Trump sẽ tiếp tục đưa các doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách đen. Và bước tiếp theo có thể bao gồm các giới hạn mới trong việc xuất khẩu các loại công nghệ của Mỹ...
“Phải có một người nào đó dám đối đầu với Bắc Kinh. Tôi là người được chọn để giải quyết vấn đề mất cân bằng thương mại với Trung Quốc”, Tổng thống Mỹ mới đây đã phát biểu như vậy trước giới truyền thông, dù ông thừa nhận rằng, cuộc thương chiến với Bắc Kinh có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ. Nhưng bởi vì, Bắc Kinh đã lừa dối Washington trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Tuy nhiên, vấn đề đối với Washington lúc này chính là các bước như vậy thực sự có thể gây ảnh hưởng xấu cho nước Mỹ, trong ngắn hạn và cả về lâu dài nữa. Căng thẳng diễn ra, hai nền kinh tế đều chịu thiệt hại, nhưng những mất mát của các công ty Mỹ và các chi nhánh của họ tại Trung Quốc sẽ lớn gấp nhiều lần so với các đối tác Trung Quốc tại Mỹ. Khi hai siêu cường vốn đang sống cộng sinh bị tách rời, Mỹ có nhiều thứ để mất hơn.
Cuối tuần trước, trên trang cá nhân, Tổng thống Trump đề nghị các doanh nghiệp Mỹ lập tức tìm phương án thay thế Trung Quốc và yêu cầu đưa công ty về quê hương, sản xuất tại Mỹ. Chưa rõ các doanh nghiệp Mỹ sẽ tuân thủ thế nào với yêu cầu của Tổng thống, nhưng có thể thấy nếu rút về, cùng với việc bỏ lại thị trường màu mỡ ở Trung Quốc, doanh nghiệp Mỹ xem như đã “khuyến mại” thêm cơ hội tăng trưởng toàn cầu quy mô lớn cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
Tuy nhiên, với phong cách đàm phán của Tổng thống Trump, chẳng biết ngày mai ông ấy sẽ lại có quyết định thế nào. Bởi vì, “Đó là cách tôi đàm phán. Đối với tôi thì nó rất hiệu quả từ nhiều năm nay và thậm chí cách này đang tỏ ra hiệu quả hơn nữa đối với nước Mỹ”, ông Trump đã nói như vậy khi rời hội nghị G7.
| Học giả Mỹ: Mỹ - Trung nên đối thoại chân thành Theo đó, Mỹ nên duy trì sự đồng thuận đạt được với Trung Quốc tại Thượng đỉnh các Nền kinh tế phát triển và mới ... |
| ASEAN vượt bão như thế nào giữa thương chiến Mỹ - Trung? TGVN. Nhận định trên tờ The Straits Times (Singapore), các chuyên gia kinh tế cho rằng, không chỉ ảnh hưởng đến hai nền kinh tế ... |
| Ăn miếng trả miếng như… trò đùa, triển vọng giải quyết căng thẳng Mỹ - Trung thành không tưởng TGVN. Ngày 23/8, ngay sau quyết định tăng thuế của Trung Quốc đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump ... |