Quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật Bản được củng cố thông qua chuyến công du của Tổng thống Joe Biden. (Nguồn: Japan Times) |
Biển Hoa Đông, Biển Đông, Triều Tiên và... hơn nữa
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa qua đã có chuyến công du Nhật Bản và hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, tham dự Hội nghị thượng đỉnh nBộ tứ (bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia).
Trong tuyên bố chung Mỹ-Nhật Bản, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh vai trò quan trọng của đoàn kết quốc tế trong vấn đề Ukraine và phản ứng với Nga thông qua các biện pháp trừng phạt, bao gồm trừng phạt về tài chính, quản lý xuất khẩu và các biện pháp khác.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định cam kết hành động nhằm thúc đẩy tầm nhìn chung về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, coi trọng tính thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, nhấn mạnh nỗ lực quan trọng của liên minh AUKUS (gồm Australia, Anh và Mỹ) và các diễn đàn đa phương khác. Tổng thống Biden cam kết sự can dự không thay đổi của Mỹ đối với khu vực nói chung và Nhật Bản nói riêng.
Đối với các vấn đề khu vực, hai nhà lãnh đạo yêu cầu Trung Quốc bày tỏ rõ lập trường đối với hành động của Nga tại Ukraine, lưu ý đến sự gia tăng năng lực hạt nhân của Trung Quốc và yêu cầu nước này đóng góp cho việc giảm các rủi ro hạt nhân như giảm bớt vũ khí, nâng cao tính minh bạch.
Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida nhất trí hợp tác nhằm tăng cường năng lực ngăn chặn để duy trì hòa bình và ổn định của khu vực, phản đối mạnh mẽ mọi hành động đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực tại Biển Hoa Đông cũng như những chủ trương bất hợp pháp của Trung Quốc liên quan đến vấn đề biển đảo, hoạt động quân sự hóa như san lấp, hành vi mang tính đe dọa tại Biển Đông, đồng thời khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với tự do hàng hải, hàng không.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và yêu cầu Triều Tiên thực hiện nghĩa vụ theo nghị quyết này. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ ủng hộ cách tiếp cận mang tính ngoại giao, thực hiện can dự để Triều Tiên đối thoại một cách nghiêm túc và lâu dài.
Thủ tướng Kishida bày tỏ sự ủng hộ đối với Khuôn khổ kinh tế mới tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) và hoan nghênh các cuộc thảo luận đối tác trong tương lai.
Trong chuyến thăm Nhật Bản, Tổng thống Biden công bố khởi động thảo luận hướng tới thành lập IPEF, với sự hưởng ứng của 13 quốc gia, tương đương 40% GDP thế giới.
Theo Tổng thống Biden, IPEF có vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tính bền vững cho các quốc gia, mục tiêu là hợp tác, phồn vinh và hòa bình của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida khẳng định Mỹ và Nhật Bản sẽ đóng vai trò chủ đạo về mặt ngoại giao, đảm bảo an ninh và kinh tế nhằm đối phó với hoạt động của Nga và việc Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự tại khu vực châu Á.
Năng lực quân sự được "cân bằng"
Thủ tướng Kishida đề cập việc đảm bảo gia tăng ngân sách quốc phòng một cách phù hợp nhằm tăng cường một cách cơ bản năng lực phòng vệ và nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Biden.
Việc sử dụng cụm từ “khoản tăng phù hợp” đối với ngân sách quốc phòng trong tuyên bố chung được đánh giá là điểm quan trọng nhất trong cuộc hội đàm Mỹ-Nhật Bản lần này.
Mặc dù không thông tin cụ thể đến khoản gia tăng, song việc phía Nhật Bản truyền tải thông điệp cho phía Mỹ về việc tăng kinh phí quốc phòng là khá đặc biệt.
Hiện tại, trong nội bộ chính phủ Nhật Bản cũng có ý kiến bày tỏ thận trọng về việc gia tăng ngân sách quốc phòng, với lý do làm gia tăng áp lực tài chính và ảnh hưởng tiêu cực có thể mang lại khi cuộc bầu cử Thượng viện đang đến gần.
Tuy nhiên, việc Thủ tướng Kishida vẫn đề cập việc gia tăng kinh phí quốc phòng xuất phát từ việc Trung Quốc gia tăng mở rộng hoạt động quân sự và sự thay đổi cán cân quân sự giữa Bắc Kinh và Washington tại khu vực Đông Á.
Thực tế, số lượng tàu chiến, máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã vượt qua Mỹ và Bắc Kinh cũng đang phát triển vũ khí siêu vượt âm, tên lửa đất đối hạm có khả năng nhắm tới các tàu sân bay của Mỹ.
Trước quyết tâm của Nhật Bản về việc gia tăng kinh phí quốc phòng, Tổng thống Biden bày tỏ hoan nghênh với nhận định rằng nếu chỉ riêng Mỹ sẽ khó vượt qua được năng lực quân sự của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong cuộc hội đàm lần này, cùng với vấn đề tăng cường năng lực phòng vệ, việc tăng cường liên kết Nhật Bản-Mỹ trong vấn đề đảm bảo an ninh kinh tế cũng được coi là vấn đề quan trọng nhất.
Phát biểu sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Kishida cho biết, hai bên đã đạt được nhất trí về việc hợp tác trong lĩnh vực an ninh kinh tế, bao gồm hợp tác phát triển chất bán dẫn thế hệ mới. Tổng thống Biden cũng tuyên bố về việc tăng cường mạng lưới cung ứng chất bán dẫn, pin nhiên liệu, phổ cập mạng thông tin dung lượng cao an toàn (5G).
Việc Mỹ và Nhật Bản nỗ lực hợp tác trong vấn đề này nhằm mục đích đối phó với sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Chính quyền Tổng thống Biden cũng lo ngại về khả năng kiểm soát của Trung Quốc khi mạng 5G thuộc quyền quản lý của các công ty viễn thông lớn của Trung Quốc.