Nhỏ Bình thường Lớn

Mỹ-Nhật: Cuộc gặp 2+2 lần đầu tiên công khai chỉ trích Trung Quốc?

TGVN. Mỹ và Nhật Bản sẽ tận dụng cuộc họp Bộ trưởng 2+2 để đặt ra một chương trình nghị sự cho quan hệ đồng minh, thể hiện rõ ràng sự thay đổi nhận thức của cả Washington và Tokyo về Trung Quốc.

Khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Tokyo để hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản theo định dạng 2+2 dự kiến diễn ra vào ngày 16/3, giới chức Nhật Bản kỳ vọng Washington sẽ đưa ra cam kết mạnh mẽ đối với mối quan hệ đồng minh, đồng thời nắm rõ tầm nhìn của tân chính quyền Mỹ đối với khu vực.

Điều này đặc biệt ý nghĩa sau 4 năm đầy xáo trộn dưới chính sách Nước Mỹ trước tiên của người tiền nhiệm Donald Trump.

Nhật Bản - “Chiếc mỏ neo” của Bộ Tứ
Tầm quan trọng địa chính trị ngày càng tăng của Nhật Bản sẽ được thể hiện khi nước này đón Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ngày 15/3. (Nguồn: AP)

Chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc

Mặc dù giới chức Mỹ sẽ không đưa ra một chiến lược hoàn chỉnh về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, song cả hai bên sẽ tận dụng cuộc họp này để đặt ra một chương trình nghị sự cho quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật, thể hiện rõ ràng sự thay đổi nhận thức của cả Washington và Tokyo về Trung Quốc.

Tại cuộc gặp 2+2 nói trên, lần đầu tiên được tổ chức kể từ năm 2019, hai bên sẽ thảo luận hàng loạt vấn đề, trong đó gồm thúc đẩy quan hệ đồng minh, tái khởi động đàm phán về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, xử lý cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar và phối hợp đối phó với đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, chủ đề nổi cộm tại cuộc họp sẽ là những hành động ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh ở xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp ở Biển Hoa Đông.

Tokyo đang tìm cách cân bằng những quan ngại an ninh với những lợi ích kinh tế có sự ràng buộc sâu sắc với Bắc Kinh. Tuy nhiên, một xu hướng ngày càng được ủng hộ mạnh mẽ tại Tokyo là cần đáp trả cứng rắn trước động thái của Bắc Kinh ở khu vực quần đảo này.

Ngoài ra, luật hải cảnh mới của Trung Quốc vốn cho phép sử dụng vũ lực tại những vùng lãnh hải mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền khiến cả Tokyo và Washington hết sức quan ngại.

Theo giới quan sát, cuộc gặp 2+2 tới sẽ là cơ hội để Mỹ-Nhật thể hiện một quan điểm thống nhất về luật này.

Bên cạnh đó, truyền thông dẫn lời giới chức Nhật Bản nói rằng cuộc họp này có thể sẽ chứng kiến Mỹ và Nhật Bản nhất trí ra tuyên bố chung, trong đó lần đầu tiên công khai chỉ trích Trung Quốc về những động thái gần quần đảo tranh chấp cũng như về luật hải cảnh của nước này.

Ông Benoit Hardy-Chartrand, chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Temple ở Tokyo nhận định việc ra tuyên bố chung có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh Nhật Bản vốn vẫn tỏ ra thận trọng trong cách tiếp cận của mình đối với Trung Quốc.

"Mặc dù Tokyo liên tiếp bày tỏ quan ngại về sự quyết đoán của Trung Quốc, đặc biệt ở Biển Hoa Đông, song vẫn nhấn mạnh sự cần thiết cải thiện quan hệ với quốc gia láng giềng này và cũng lo ngại khi bị coi là đang hình thành một liên minh chống Bắc Kinh", ông Benoit cho biết.

Chỉ dấu quan trọng

Giới chức Tokyo cũng hy vọng Mỹ sẽ đưa ra cam kết mới về nỗ lực của Nhật Bản triển khai ý tưởng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) nhằm đối phó với điều mà đồng minh cho là những nỗ lực đơn phương của Bắc Kinh hòng "sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép để thay đổi hiện trạng".

Cuộc họp 2+2 được kỳ vọng sẽ là dịp để củng cố hơn nữa những kết quả của hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên của nhóm Bộ Tứ mới diễn ra gần đây.

Hậu Thượng đỉnh Bộ tứ: Những điểm nhấn chưa được gọi tên

Hậu Thượng đỉnh Bộ tứ: Những điểm nhấn chưa được gọi tên

Đối với quan hệ song phương Mỹ-Nhật, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Tokyo đánh giá cao quyết định của chính quyền Biden khi chọn Nhật Bản là quốc gia cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của giới chức cấp cao Mỹ, coi đây là "chỉ dấu cho thấy Washington hết sức coi trọng quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ".

Theo bà Yuki Tatsumi, đồng chủ nhiệm chương trình nghiên cứu Đông Á tại Trung tâm Stimson ở Washington, Mỹ đang hy vọng gạt bỏ bất kỳ quan ngại nào còn tồn đọng tại Nhật Bản cho rằng chính quyền Biden có thể sẽ trở lại chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc như thời chính quyền tiền nhiệm Barack Obama với phiên bản "Obama 2.0”.

Hiện chính quyền mới của Mỹ vẫn tiến hành đánh giá cách tiếp cận của mình với Trung Quốc, song đã thể hiện động thái cho thấy quan điểm cứng rắn hơn khi Ngoại trưởng Blinken coi sự trỗi dậy của cường quốc châu Á này là "thách thức địa chính trị lớn nhất của thế kỷ XXI".

Chuyên gia Tatsumi cũng cho rằng thời điểm diễn ra cuộc họp 2+2 tới này có ý nghĩa quan trọng bởi hiếm khi một chính quyền mới nào của Mỹ lại chấp nhận tổ chức một cuộc hợp theo định dạng này khi mới chỉ lên nắm quyền trong vòng chưa đầy hai tháng.

Không "xuôi chèo mát mái"

Tuy nhiên, chương trình nghị sự của 2 vị Bộ trưởng Mỹ tại Tokyo sẽ không hoàn toàn "xuôi chèo mát mái".

Hai quan chức này có kế hoạch thăm Hàn Quốc, một đồng minh khác của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á, từ ngày 17-18/3. Lý do là cả hai ông sẽ phải tìm cách xử lý mối quan hệ căng thẳng giữa Tokyo và Seoul liên quan vấn đề lịch sử và thương mại vốn đe dọa hủy hoại mối quan hệ ba bên Mỹ-Nhật-Hàn.

Quan hệ giữa Tokyo và Seoul đã rơi xuống mức thấp nhất trong hàng chục năm qua sau khi phán quyết hồi năm 2018 của Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho Hàn Quốc vì sử dụng lao động cưỡng ép trong thời kỳ Nhật Bản cai trị thực dân trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, trong một tín hiệu tích cực đối với cả hai bên, Washington tuyên bố cam kết giúp cải thiện quan hệ Hàn-Nhật. Bản thân Ngoại trưởng Blinken đã rất thành công khi làm việc với cả hai đồng minh này khi ông còn là "nhân vật số 2" của Bộ Ngoại giao Mỹ thời chính quyền Obama.

undefined
Từ trái sang: Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Akitaka Saiki (Nhật Bản), Lim Sung-nam (Hàn Quốc) tại cuộc gặp ba bên tại Tokyo hồi tháng 1/2016. (Ảnh: Reuters)

Tại một buổi họp báo trước thềm cuộc họp 2+2, ông Sung Kim, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, khẳng định "mối quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc đóng vai trò hết sức quan trọng đối với an ninh và ổn định của Mỹ".

Chuyến công du của ông Blinken và ông Austin đến Hàn Quốc và Nhật Bản cũng diễn ra vào thời điểm chính quyền Biden chuẩn bị hoàn tất quá trình đánh giá chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên, dự kiến sẽ kết thúc trong "vài tuần tới".

Phía Mỹ kỳ vọng đây sẽ cuộc "trao đổi thuận lợi" về cách thức mà ba bên có thể hợp tác về vấn đề Triều Tiên.

Tuy nhiên, việc xác định những vấn đề mà ba bên có cùng quan điểm sẽ khó thực hiện hơn khi ngồi vào bàn thảo luận hơn là khi kỳ vọng.

Nhật Bản muốn duy trì sức ép đối với chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, trong khi Hàn Quốc lại muốn tìm cách gỡ bỏ trừng phạt để đưa quốc gia cô lập này hòa nhập hơn với cộng đồng quốc tế.

Mặc dù vậy, Mỹ vẫn hy vọng rằng ít nhất nước này có thể thuyết phục Seoul và Tokyo đồng ý cùng Washington tăng cường biện pháp ngăn chặn và răn đe đối với mối đe dọa mà Triều Tiên gây ra đối với cả ba đồng minh và coi đây là bước đi đầu tiên trong việc củng cố hơn nữa quan hệ đồng minh ba nước.

"Ê-kíp của Biden hiểu rằng cả Nhật Bản và Hàn Quốc cần trước hết tập trung vào những biện pháp mà ba đồng minh sẽ tiến hành đối với Triều Tiên". (Bà Sheila Smith, chuyên gia về Nhật Bản tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại)

Ngoại giao "cân bằng động"

Theo giới quan sát, tuyên bố chung của cuộc họp 2+2 sẽ đóng vai trò là một công cụ phát đi thông điệp chiến lược và là một lộ trình để giới chức Mỹ-Nhật triển khai hợp tác trong những lĩnh vực quốc phòng và đối ngoại.

Tuyên bố chung này sẽ là một chỉ dấu cho biết Washington và Tokyo sẽ tìm cách thúc đẩy quan hệ đồng minh ở những lĩnh vực nào trong những năm tới. Tài liệu này cũng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc định hình tương lai quan hệ Mỹ-Trung và Nhật-Trung.

Tuyên bố chung sẽ là cơ sở để Mỹ và Nhật Bản vạch ra chính sách phối hợp khi đối phó với Bắc Kinh, đồng thời thể hiện sức mạnh liên minh trước thềm chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Suga Yoshihide dự kiến vào đầu tháng 4 tới.

Nếu chuyến thăm này được triển khai theo kế hoạch, thì ông Suga sẽ là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp tân 5ổng thống Mỹ kể từ khi lên nắm quyền hôm 20/1.

Chuyên gia Hardy-Chartrand thuộc Đại học Temple đánh giá: "Mặc dù Tokyo có cảm nhận tích cực về đường hướng mà chính quyền Biden sẽ thực hiện để đối phó với Trung Quốc, song vẫn còn nhiều vấn đề cần thảo luận về chính sách của Washington đối với tình hình an ninh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, quan hệ thương mại với Trung Quốc, an ninh hàng hải, thậm chí vấn đề nhân quyền ở Tân Cương".

Sau chuyến công du đến Tokyo và Seoul, ông Blinken và Cố vấn An ninh Nhà Trắng Jake Sullivan sẽ có cuộc gặp với những quan chức cấp cao của Trung Quốc tại Alaska vào ngày 18/3.

Nếu được thực hiện, đây sẽ là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa quan chức Mỹ và Trung Quốc dưới thời chính quyền Biden.

Tại buổi họp báo tuần trước, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết cuộc gặp này sẽ là cơ hội để giải quyết hàng loạt vấn đề, bao gồm những vấn đề gây bất đồng sâu sắc giữa Bắc Kinh và Washington.

* Bài viết của nhà báo Jesse Johnson đăng trên Japan Times ngày 14/3.

Hậu Thượng đỉnh Bộ tứ: Những điểm nhấn chưa được gọi tên
'Xuất tướng' đến châu Á, Tổng thống Biden gửi gắm thông điệp gì?
Thượng đỉnh Bộ tứ: Những lý do không được tuyên bố
Hội nghị Thượng đỉnh Bộ tứ: Trung Quốc cảnh báo, tuyên bố chung 'Tinh thần Bộ tứ' có gì?
Tự tin chiến lược và tham vọng ngoại giao của Nhật Bản qua 'ứng xử' với Bộ tứ
TIN LIÊN QUAN

(theo Japan Times)