Hơn 150 quan chức và đại diện lĩnh vực tư nhân tham gia cuộc thảo luận bàn tròn này. Cuộc đối thoại là một phần trong Đối thoại Kinh tế Mỹ - Nhật.
Theo tuyên bố chung sau cuộc đối thoại, trong cuộc thảo luận này, các cơ quan chính phủ và công ty hai nước đã vạch ra một loạt lĩnh vực có thể mở rộng hợp tác nhằm trợ giúp những nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như các khu vực khác đảm bảo "cơ sở hạ tầng chất lượng và giải pháp giá trị tốt nhất", đáp ứng các mục tiêu kinh tế và xã hội bền vững của các nước trên.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu ra các hoạt động cụ thể trong đó có hợp tác thương mại, tài chính, giảm nhẹ rủi ro, tư vấn chính sách, xây dựng năng lực cũng như thảo luận cơ hội hợp tác hiệu quả hơn trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải và nước - hệ thống xử lý nước và viễn thông.
Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài khóa Nhật Bản Toshimitsu Motegi. (Nguồn: Asia Times) |
Trong một diễn biến liên quan, ngày 24/4, Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài khóa Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết, nước này và Mỹ có thể sẽ tiến hành vòng đối thoại đầu tiên về thương mại và đầu tư song phương sớm nhất là vào giữa tháng Sáu tới.
Phát biểu với báo giới, ông Motegi cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã thông báo cho phía Mỹ về thời điểm nước này có thể tham gia vòng đàm phán đầu tiên. Nội dung chi tiết vòng đàm phán sẽ sớm được sắp xếp.
Thông tin trên được công bố sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp thượng đỉnh tại khu nghỉ dưỡng MaraLago, bang Florida (Mỹ) hồi tuần trước, nhất trí tiến hành các cuộc tham vấn cấp bộ trưởng, với mục tiêu đạt được một thỏa thuận thương mại "tự do, công bằng và tương trợ".
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ là đối tác của Bộ trưởng Motegi trong các cuộc tham vấn này.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Motegi nhấn mạnh, Tokyo không chấp nhận kế hoạch của Mỹ xúc tiến một thỏa thuận thương mại song phương, bởi Nhật Bản cho đến nay vẫn hi vọng có thể thuyết phục Mỹ quay trở lại tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nay là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).