Cuối năm 2014, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố sáng kiến “Chiến lược bồi dưỡng kỹ thuật lần thứ ba” nhằm nâng cao năng lực quân sự công nghệ cao trong cuộc chiến với các tổ chức phi nhà nước quy mô nhỏ. Sau một năm điều tra, phân loại và thảo luận, Lầu Năm Góc đã đặt mục tiêu xây dựng những chương trình vũ khí thế hệ mới như robot tự động, máy bay không người lái,… giúp quân đội Mỹ duy trì lợi thế cạnh tranh hàng đầu với các đối thủ trong dài hạn.
Là đồng minh thân cận của Mỹ, Nhật Bản thực sự có lợi khi sáng kiến này thành công. Hẳn thế giới vẫn chưa quên chú robot ASIMO của hãng Honda - một thành tựu tự động hóa đáng tự hào của xứ sở Hoa anh đào được đánh giá là robot hình người tiên tiến nhất thế giới lúc bấy giờ. Chính vì lẽ đó, sự hợp tác giữa hai cường quốc khoa học hàng đầu thế giới này là điều tất yếu và nổi bật trong quan hệ song phương, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong mối quan hệ đồng minh giữa hai nước.
Rõ ràng, muốn đẩy mạnh quá trình cải tiến đồng bộ trên quy mô lớn này, chính phủ cần chủ động khai thác nguồn “chất xám” từ các công ty công nghệ cao. Với những tiến bộ gần đây ở Thung lũng Silicon - nơi tập trung các tập đoàn công nghệ tư nhân hàng đầu của Mỹ đang chạy đua phát triển công nghệ xe tự hành và nhiều tiện ích tự động khác, chương trình này chắc chắn sẽ đạt được nhiều tiến bộ đáng kể hơn nếu có sự hợp tác công - tư.
Lưỡng nan về danh tiếng
Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân vẫn quan ngại việc thiết lập “quan hệ quá gần gũi” với các chương trình quân sự vì có thể ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh của họ đối với những người tiêu dùng dân sự.
Bộ Quốc phòng Mỹ từ lâu đã tạo điều kiện hợp tác với các đối tác Nhật Bản để phát triển ứng dụng robot trong công tác hỗ trợ nhân đạo và khắc phục thảm họa. Tuy nhiên, Đại học Tokyo lại cấm một số nhà robot học hàng đầu của mình tham gia toàn bộ các nghiên cứu quốc phòng.
Mặc dù vậy, sức hút của lĩnh vực tự động hóa phòng thủ quốc gia đã khiến hai chuyên gia nghiên cứu tự động hóa của Nhật Bản đã xin thôi việc để thành lập một công ty riêng là Schaft Inc. để tham gia vào các nghiên cứu quốc phòng của chính phủ.
Nhưng chỉ một thời gian sau, khi Google mua lại Schaft và một số công ty tương tự, tập đoàn hàng đầu thế giới Google lập tức rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” khi muốn giữ danh tiếng của mình do họ từ lâu đã tuyên bố sẽ không theo đuổi các hợp đồng quân sự.
Và đương nhiên, Google liền rút Schaft ra khỏi các nghiên cứu quân sự và chứng minh rằng sự “hạn chế vướng mắc với quân sự” là vấn đề không chỉ riêng ở Nhật Bản.
Cách tiếp cận mới
Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác công - tư, không ảnh hưởng đến các nguyên tắc tự do, trung lập của các doanh nghiệp hay cá nhân dân sự.
Cụ thể, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lập ra đơn vị Vệ binh Quốc gia mới tên là Nhóm Tác chiến Không gian mạng (COG) với nhiệm vụ đánh giá những mối đe dọa cho an ninh mạng nước Mỹ. Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng bắt đầu triển khai sáng kiến Dịch vụ Phòng vệ Kỹ thuật số (DDS) để thu hút các nhân tài lập trình từ khu vực tư nhân làm việc cho các dự án quốc phòng ngắn hạn.
Bên cạnh đó, Washington cũng đầu tư cho một Đơn vị Đổi mới Quốc phòng chuyên nghiên cứu thử nghiệm công nghệ mới cũng như phát triển các mối quan hệ đối với những công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon. Và nằm trong Hội đồng Tư vấn Cải tiến Quốc phòng cho Bộ trưởng Carter không ai khác chính là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Google Eric Schmidt.
Về phía Nhật Bản, chương trình Viện Nghiên cứu Toyota đã hình thành và dẫn dắt các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển các chương trình tự động hóa với tính phổ quát cao. Chính phủ Nhật Bản cũng chuyển hướng tương tự như Bộ Quốc phòng Mỹ nhưng với tốc độ chậm hơn.
Tháng 12/2015, Tokyo tiến hành Kế hoạch Cơ bản về Khoa học và Công nghệ lần thứ 5, đánh dấu những kết nối mở rộng hơn bao giờ hết giữa sức mạnh kỹ thuật và an ninh quốc gia. Những tiến bộ này sẽ mở đường cho hợp tác mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển quốc phòng ở các trường đại học và công ty tư nhân.
Hiện Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang hợp tác với Đại học Tokyo Denki trong việc kiểm soát máy bay không người lái, hợp tác với Panasonic trong ứng dụng công nghệ truyền tải điện không dây dưới biển cũng như với Viện Công nghệ Kanagawa trong việc nâng cao chất lượng sợi carbon siêu bền.
Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản đang đẩy mạnh cơ chế hợp tác song phương lâu dài là Diễn đàn Hệ thống và Công nghệ để tương tác và nghiên cứu thêm các ứng dụng tự động hóa. Trong Phương hướng Hợp tác Quốc phòng 2015, Mỹ - Nhật đã nhấn mạnh các thiết bị và công nghệ quốc phòng là mối quan tâm chính và cả hai quốc gia cần nỗ lực để tăng cường quan hệ với khu vực tư nhân để phát triển và đẩy mạnh.
Theo các chuyên gia, hợp tác tự động hóa giữa Mỹ và Nhật Bản vẫn còn nhiều không gian phát triển, hứa hẹn những bước tiến mới trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến gợi ý hai đồng minh này nên thực hiện các chương trình ngoại giao khoa học với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Mục tiêu chính là tăng số lượng các nhà sản xuất và người sử dụng công nghệ tự động hóa trên toàn thế giới cũng như khẳng định, củng cố vị thế cường quốc công nghệ của Mỹ - Nhật. Mặt khác, thúc đẩy đầu tư xuyên biên giới và hợp tác kỹ thuật - công nghệ cao sẽ tạo ra một cuộc cách mạng mới khi công nghệ tự động hóa được ứng dụng mạnh mẽ và hiệu quả trong các hoạt động dân sự và quân sự.