📞

Mỹ nỗ lực 'làm lành' với khu vực Mỹ Latinh

Phan Quân 15:52 | 06/10/2022
Việc Ngoại trưởng Mỹ lựa chọn thăm ba nước này là cách Washington khẳng định sẵn sàng hợp tác với bất cứ quốc gia nào, dù cánh tả hay cánh hữu.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thử ruana, trang phục truyền thống của người Colombia do Tổng thống Gustavo Petro tặng. (Nguồn: Twitter)

Tại điểm dừng chân đầu tiên ở Colombia, ngày 3–4/10, ông Blinken đã gặp Ngoại trưởng Alvaro Leyva và hội kiến Tổng thống Gustavo Petro, Phó Tổng thống Francia Marquez. Hai bên đã thảo luận về củng cố thể chế dân chủ, tôn trọng nhân quyền và cam kết hợp tác toàn diện về người di cư. Ông Blinken đã thăm Trung tâm Di cư hội nhập, nhấn mạnh sự ủng hộ chính sách tiếp nhận của nước sở tại.

Trong ngày 5/10, ông Blinken đã gặp người đồng cấp Chile Antonio Urrejola và hội kiến Tổng thống Chile Gabriel Boric ở Santiago, đồng thời thăm Dự án điều phối điện toàn quốc của Chile có sự đóng góp của các công ty Mỹ.

Ngày 6/10, ông tới Lima, Peru dự cuộc Đại hội đồng Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS). Tại đây, ông khẳng định cam kết của xứ cờ hoa với khẩu hiệu “Cùng chống lại bất bình đẳng và phân biệt đối xử” và thảo luận về triển khai nội dung Thượng đỉnh lần thứ chín. Ngoại trưởng Blinken cũng sẽ gặp người đồng cấp Peru Cesar Landa và hội kiến Tổng thống Pedro Castillo trước khi trở về Mỹ.

Tả - hữu bất phân

Chuyến thăm của ông Blinken diễn ra trong bối cảnh xu hướng cánh tả đang chiếm ưu thế tại Mỹ Latinh. Cả Colombia, Chile và Peru đều có lãnh đạo cánh tả mới được bổ nhiệm trong chưa đầy một năm. Tại Brazil, một chính trị gia cánh tả khác, ông Lula da Silva đang đứng trước cơ hội trở thành Tổng thống lần hai.

Ngoài ra, quan hệ giữa Mỹ với hai nước cánh tả truyền thống khác tại Mỹ Latinh là Cuba và Venezuela gần đây cũng tiến triển tích cực. Mỹ đã nối lại quá trình cấp thị thực hoàn toàn cho người dân Cuba. Đổi lại, ngày 3/10, La Havana xác nhận đã liên lạc với Washington để trao đổi thông tin, chung tay giải quyết hậu quả của cơn bão Ian đã tàn phá Cuba và bang Florida (Mỹ).

Trong khi đó, ngày 1/10, sau quá trình đàm phán, Mỹ và Venezuela đã trao đổi tù nhân, vốn là một vấn đề quan trọng giữa hai nước. Mới đây, Caracas đã bắt giữ Leonard Francis, nhà thầu quốc phòng gây thất thoát 35 triệu USD của Hải quân Mỹ khi nhân vật này định trốn từ Venezuela sang Nga. Phát biểu tại phiên Thảo luận chung Khóa 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc cuối tháng Chín, Ngoại trưởng Venezuela Carlos Faria nhấn mạnh nước này sẵn sàng đối thoại với Mỹ.

Việc ông Blinken lựa chọn thăm ba nước này là cách Washington khẳng định sẵn sàng hợp tác với bất cứ quốc gia nào, dù cánh tả hay cánh hữu, chừng nào lợi ích của nước Mỹ vẫn được đảm bảo.

Ngoại trưởng Chile Antonia Urrejolavà người đồng cấp Mỹ Antony Blinken tại Santiago Martin ngày 5/10. (Nguồn: AFP)

Mong muốn “làm lành”

Chuyến thăm cũng có thể là cơ hội để Mỹ khẳng định cam kết đối với Mỹ Latinh. Điều này là cần thiết với Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực. Thương mại giữa Trung Quốc và các nước Mỹ Latinh năm 2021 lên tới 450 tỷ USD, bất chấp tác động từ đại dịch Covid-19 toàn cầu. Chính quyền Bắc Kinh đầu tư nhiều tỷ USD vào các dự án hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng lớn với nhiều nước trong khu vực.

Việc Mỹ từ chối mời Cuba, Venezuela và Nicaragua tới dự Thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ chín và hội nghị không ra được tuyên bố chung đã khiến nhiều nước “nhíu mày”. Do đó, sự hiện diện của ông Blinken tại cuộc họp Đại hội đồng OAS ở Lima và đóng góp của Mỹ trong các vấn đề chung còn thể hiện mong muốn “làm lành”, củng cố quan hệ với Mỹ Latinh.

Vì người, vì mình

Thông qua hợp tác song phương và đa phương, Washington mong muốn thúc đẩy giải quyết tình trạng người di cư bất hợp pháp và buôn bán ma túy xuyên quốc gia, vấn đề nhức nhối với nước này nói riêng và châu lục nói chung.

Điều này đã thể hiện rõ trong điểm dừng chân đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ, Colombia. Ngày 4/10, ông Antony Blinken và Tổng thống Gustavo Petro đã thảo luận về Thỏa thuận Hòa bình năm 2016 với Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC), buôn bán ma túy, di cư bất hợp pháp và đảm bảo an ninh – kinh tế để nông dân Colombia từ bỏ trồng cây thuốc phiện.

Trong vấn đề then chốt là dẫn độ tội phạm, hai bên vẫn chưa đạt được nhất trí chung. Tuy nhiên, cả Mỹ và Colombia đều khẳng định quan hệ hợp tác đã “tiến vào một giai đoạn mới”, dựa trên “liên kết lịch sử bền chặt và ưu tiên chung”.

Câu chuyện về chống buôn bán ma túy và vấn đề người di cư chắc chắn còn xuất hiện xuyên suốt trong chuyến đi của ông Blinken, và cả sau này.

Tại Bogota, ông Blinken nhấn mạnh Mỹ và Colombia “chia sẻ cam kết chung rằng một nền hòa bình bền vững phải là một nền hòa bình toàn diện”. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, xứ cờ hoa cần duy trì mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với tất cả các nước ở khu vực dựa trên cam kết thực chất và hành động cụ thể.

Chuyến thăm Mỹ Latinh của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken là một nỗ lực như thế.