📞

Mỹ phẩm trôi nổi: Cả tin là "chết"!

14:06 | 30/10/2008
Ghi nhận từ BV Da liễu TPHCM, có khoảng 1/3 bệnh nhân đến khám tại đây mắc những bệnh về da ở vùng mặt như chàm, nám, mụn, viêm nang lông, dị ứng da... Trong đó, đa số là nạn nhân của việc tự ý dùng mỹ phẩm, từ những loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

Làm đẹp theo lời rỉ tai

BS Phạm Thị Kim Anh, Khoa Khám bệnh, BV Da liễu, cho biết: “Những vụ tai biến thông thường do xài mỹ phẩm theo kiểu “thích là mua” ngày càng xuất hiện nhiều tại BV Da liễu. Nhiều bệnh nhân tới BV trong tình trạng gương mặt biến dạng do bị viêm da tiếp xúc cấp với các triệu chứng phát ra rầm rộ, ồ ạt.

Những vùng da tiếp xúc mỹ phẩm có thể nổi vài mụn nước nhỏ, sẩn đỏ, có khi sưng cả một vùng da lớn, nổi nhiều mụn nước dày đặc và tiết ra một chất dịch rất ngứa. Những tai biến này thường xuất hiện sau khoảng vài tháng đến nhiều năm tùy sự nhạy cảm của làn da mỗi người. Làn da trở nên rất dễ bị dị ứng và các tổn thương da có thể kéo dài nhiều năm sau đó.

Các hũ kem dưỡng da trôi nổi trên thị trường được ưa chuộng vì rẻ tiền, dễ mua, kiểu dáng bao bì bắt mắt. Theo BS Kim Anh, những loại kem làm trắng da thường có chất tẩy, vốn làm mỏng da rất nhanh. Ban đầu, da trắng đẹp vì lớp da bên ngoài bị lột đi để lộ lớp da non bên trong nhưng da non bị tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá sớm, đặc biệt là nắng gắt ở xứ nhiệt đới nên dễ dẫn đến tình trạng da bị sạm đen và nổi mụn.

BS Phạm Thị Kim Anh cho biết hầu hết phụ nữ dùng mỹ phẩm thường chỉ nghe theo lời bạn bè hoặc nghe quảng cáo hay thấy người khác hiệu quả thì xin nhãn hiệu đi mua.

Thói quen tự ý dùng mỹ phẩm và tự ý thay đổi nhãn hiệu, chủng loại hay pha trộn nhiều thứ đã làm nhiều chị em đánh mất đi làn da đẹp ban đầu.

Đa số mỹ phẩm bày bán ở chợ hoặc trong các tiệm uốn tóc, các tiệm chăm sóc da có nguồn gốc không rõ ràng. Chúng có thể là hàng nhái của các thương hiệu có tiếng hoặc hàng tự chế biến do pha trộn những chất được cho là có lợi cho da, dù ở bất kỳ dạng chế phẩm nào và không đủ tiêu chuẩn vệ sinh.

Nguy hiểm khó lường

Không chỉ có bệnh nhân nữ mà còn có cả nam giới cũng bị mang họa do tự ý sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Những loại kem này thường rẻ tiền và công hiệu nhanh nên nhiều người rất thích dùng, tuy nhiên tác dụng này chỉ là tạm thời. Theo ThS. BS Lê Thái Vân Thanh, giảng viên ĐH Y Dược TPHCM, khi bước vào tuổi dậy thì, các em có xu hướng dùng mỹ phẩm “truyền miệng”. Đa số sản phẩm bôi da như vậy đều có chứa chất corticoid. Đây là một chất giống nội tiết tố trong cơ thể.

Chất này sẽ có tác dụng phụ là gây teo mỏng da, dãn mạch máu dưới da, làm mất sắc tố da. Do đó, ngay sau khi được bôi trên da, chúng ta sẽ có cảm giác da trở nên láng mịn và trắng hồng do lớp thượng bì lẫn lớp bì đã bị teo mỏng, da mất dần sắc tố và các mạch máu dưới da dãn to. Đây là hiệu ứng giả tạo tức thời, làm người sử dụng những loại kem trộn hoặc kem không rõ nguồn gốc rất thích ngay sau khi dùng. Sau khi ngừng bôi hoặc tiếp tục bôi trong thời gian dài thì tự nhiên da sẽ phản ứng, nổi lên nhiều mụn đỏ, tăng bài tiết chất nhờn, ngứa nhiều ở vùng đã bôi thuốc.

Ngoài corticoid, kem trộn còn có hại do tá dược (giúp ổn định thể chất thành phẩm, làm dược chất ngấm vào da dễ dàng hơn). Mỗi thành phẩm có tá dược riêng, nếu đem trộn chúng lại thì có thể sinh ra những chất độc. Một số trường hợp có thể bị nám vĩnh viễn.

Có một tác dụng phụ khác rất nguy hiểm thường xảy ra, đó là tình trạng lệ thuộc corticoid, tức là sau khi sử dụng kem trộn có corticoid thì làn da rất khó thích ứng với sản phẩm nào khác. Cho đến khi da mặt bệnh nhân xuất hiện các biến chứng nguy hiểm. Lúc này, việc điều trị để giúp hồi phục làn da ban đầu rất khó khăn. Do đó, bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân phải kiên nhẫn nhưng ít có ai theo được việc điều trị của các bác sĩ da liễu. Vì chi phí nhiều do việc điều trị kéo dài và quan trọng hơn là không ai biết được cuộc hành trình từ da sạm đen sang trắng như ban đầu kéo dài cho đến khi nào.

Nếu bệnh nhân phát hiện biến chứng kịp thời, ngưng ngay việc sử dụng mỹ phẩm, kể cả sữa rửa mặt và đi bác sĩ sớm thì có thể sẽ giúp làn da hồi phục như trước đây nhưng cũng cần phải kiên nhẫn. Nếu không kiêng nắng sẽ bị nám vĩnh viễn hoặc nặng hơn có thể gây ung thư da. Việc giải quyết hậu quả cần có thời gian và sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa. Do đó, trong những trường hợp như vậy, bệnh nhân cần có nghệ thuật “cai nghiện” loại kem bôi này từ phía bác sĩ điều trị, đồng thời có sự kiên nhẫn từ phía bệnh nhân để thực hiện đúng chỉ định của thầy thuốc. Theo Người Lao Động