📞

Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân Iran: Canh bạc rủi ro

07:00 | 12/05/2018
Việc Washington từ chối tiếp tục tham dự vào Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) sẽ đẩy Liên minh châu Âu (EU) vào thế khó, đồng thời khiến quan hệ Mỹ - Iran ngày một căng thẳng.

Nỗ lực ngoại giao không biết mệt mỏi đến từ Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay lời đe dọa tái khởi động chương trình hạt nhân của Iran đã không thể ngăn Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi JCPOA rạng sáng ngày 9/5.

Động thái này đồng nghĩa với việc Washington sẽ tái áp đặt các lệnh cấm vận Tehran, vốn từng được dỡ bỏ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, tăng cường trừng phạt tài chính Iran, trong khi các Chính phủ cùng doanh nghiệp chỉ có vỏn vẹn sáu tháng để dừng mọi giao dịch với quốc gia Trung Đông. Quan trọng hơn, việc Mỹ rút khỏi JCPOA nhiều khả năng sẽ khiến Iran có bước đi tương tự, tái khởi động chương trình hạt nhân, khiến thỏa thuận lịch sử đạt được năm 2015 này trở nên vô nghĩa.

Theo ông Trump, việc Washington rút khỏi “thỏa thuận tồi tệ nhất” sẽ khiến “nước Mỹ trở nên an toàn hơn”. Ông chủ Nhà Trắng tin rằng trừng phạt kinh tế gắt gao và liên tục sẽ khiến Iran nản chí và buông bỏ mọi hoạt động “thù địch”, từ phát triển vũ khí hạt nhân, ủng hộ chủ nghĩa khủng bố hay mở rộng ảnh hưởng qua những cuộc chiến ủy nhiệm đẫm máu tại Trung Đông.

Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran rạng sáng ngày 9/5. (Nguồn: AP)

Quan trọng hơn, ông Trump muốn bảo toàn chữ tín của mình trước các cử tri, khi ngay trong chiến dịch tranh cử, ông đã nhiều lần khẳng định sẽ rút Mỹ ra khỏi JCPOA. Cuối cùng, song song với hủy bỏ thỏa thuận này, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông “sẵn sàng và mong muốn” đàm phán, ký kết lại thỏa thuận “mới và dài lâu” về vấn đề hạt nhân Iran, nhằm thể hiện tài thương thuyết của mình.

Ông Trump từng nói mình là người không thích đánh bạc, song việc rút Mỹ ra khỏi JCPOA sẽ là canh bạc mạo hiểm nhất mà ông từng chơi, đánh cược tương lai quan hệ Washington - Tehran, liên minh truyền thống giữa Mỹ và EU sau nhiều thập kỷ, cũng như vị thế quốc tế của xứ cờ hoa.

Chỉ vài giờ sau tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng, Thủ tướng Đức Angela Mer-kel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Theresa May đã đồng loạt thuyết phục Iran tiếp tục theo đuổi cam kết như trước. Với việc không thể giữ Mỹ trong một thỏa thuận mà EU đã dày công xây dựng, vị thế ngoại giao của Brussels đã chịu tổn hại nghiêm trọng và kêu gọi Tehran duy trì JCPOA chỉ là bước đi bất đắc dĩ nhằm cứu vãn tình huống.

Tuy nhiên, ngay cả tuyên bố “còn nước còn tát” này của EU cũng sẽ trở nên vô nghĩa, khi Iran dường như chắc chắn sẽ rời bỏ JCPOA theo chân Mỹ. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định: “Với việc Tổng thống Mỹ liên tục vi phạm và đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, theo chỉ đạo của Tổng thống Rouhani, chúng tôi sẽ tiến hành nhận định xem liệu sự tham dự của các bên còn lại trong JCPOA có thể đảm bảo được lợi ích toàn diện cho Tehran. Iran sẽ đưa ra quyết định sau khi có kết quả chính thức”.

Cuối cùng, việc ông Trump rút Washington ra khỏi JCPOA sẽ khiến uy tín của Mỹ bị suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là sau khi báo cáo mới nhất của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 1/5 cho biết “không tìm được bất kỳ bằng chứng cụ thể nào về hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân” sau năm 2009 và năm 2015. Thông tin này là trái ngược với bài thuyết trình của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hồi tháng Tư về tài liệu cho thấy Iran phát triển vũ khí hạt nhân trong những thời điểm nêu trên. Dù sao chăng nữa, Tel Aviv cũng đã đạt được mục đích, khi Washington rút ra khỏi JCPOA, đưa Mỹ một lần nữa quay trở lại thế đối đầu với Iran, “kẻ thù truyền kiếp” của Israel.

Rõ ràng, ở thời điểm hiện tại, nước đi của Tổng thống Donald Trump đã đưa Mỹ vào thế bất lợi trong canh bạc mạo hiểm, đánh cược không chỉ quan hệ giữa Washington với Brussels và Tehran, mà còn khiến vị thế của Nhà Trắng tiếp tục lung lay.