Mỹ sẽ không đưa ra biện pháp hạn chế thương mại với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. (Nguồn: moit.gov.vn) |
Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, USTR đã chính thức ban hành kết luận của vụ việc điều tra theo Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974 về các hành vi, chính sách và thực tiễn áp dụng của Việt Nam liên quan đến vấn đề định giá thấp tiền tệ.
Theo đó, trên cơ sở những giải pháp thỏa đáng, đáp ứng được mục tiêu của cuộc điều tra như đã nêu tại Thỏa thuận đạt được ngày 19/7/2021 giữa Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, USTR sẽ không ban hành bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Bộ Công Thương đánh giá: "Quyết định này có ý nghĩa tích cực với quan hệ kinh tế thương mại song phương, hướng tới quan hệ ổn định và bền vững, có lợi cho cả hai nước trên tinh thần Đối tác toàn diện".
Bộ trên khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động hợp tác với Mỹ để giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Mỹ với Việt Nam, nhằm duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, hai bên cùng có lợi.
Trước đó, báo cáo tháng 12/2020 của Bộ Tài chính Mỹ xác định Việt Nam và Thụy Sĩ đáp ứng ba tiêu chí bị gắn nhãn "thao túng tiền tệ" theo Đạo luật Xúc tiến và Tăng cường Thương mại năm 2015. Nhưng tại báo cáo hồi tháng 4 năm nay, Bộ Tài chính Mỹ đã đánh giá không đủ bằng chứng để xác định Việt Nam thao túng tiền tệ.
Tại cuộc làm việc mới nhất với Bộ trưởng Thương mại Mỹ ngày 19/7, Ngân hàng Nhà nước luôn khẳng định chính sách tỷ giá của Việt Nam, trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung, hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng.
6 tháng đầu năm nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt trên 45 tỷ USD, tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ khoảng 7,8 tỷ USD, tăng gần 11%.