Hầu hết các khó khăn kinh tế của Trung Quốc đều liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản. Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images) |
Ngày 9/8, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố số liệu cho thấy, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2023 của nước này giảm 0,3%, lần đầu tiên sau hai năm, chỉ tốt hơn một chút so với ước tính trung bình về mức giảm 0,4%. Như vậy, nền kinh tế lớn số 2 thế giới chính thức rơi vào giảm phát.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hiện đang phải đối mặt vấn đề ngược lại với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ngân hàng Trung ương Mỹ đã thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ trong 18 tháng nhằm kiềm chế giá cả tăng vọt gây ra tình trạng lạm phát. Giảm phát - xu hướng giá cả giảm trong toàn bộ nền kinh tế - thể hiện một quỹ đạo đặc biệt khó khăn đối với Trung Quốc, quốc gia đang gánh khoản nợ không nhỏ.
Ông David Dollar, thành viên cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc của Viện Brookings, nói: "Giảm phát có nghĩa là giá trị thực của khoản nợ tăng lên. Lạm phát cao, vốn không thực sự tích cực, nhưng theo thời gian, nó giúp quản lý gánh nặng nợ nần. Giảm phát thì ngược lại”.
Bloomberg ước tính, tổng nợ hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ tại Trung Quốc vào khoảng 282% sản lượng kinh tế hằng năm.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của quốc gia Đông Bắc Á giảm 5% so với năm ngoái, trong khi nhập khẩu giảm 7,6%. Xuất khẩu tháng 7 giảm với tốc độ mạnh nhất trong 3 năm, ở mức 14,5%.
Các số liệu mới nhất làm tăng thêm mối lo lắng về chiều hướng tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm. Các chiến lược gia của ngân hàng JPMorgan cảnh báo, Trung Quốc có nguy cơ "Nhật Bản hóa" theo kiểu những năm 1990 nếu các nhà hoạch định chính sách không giải quyết các vấn đề như thị trường nhà ở, mất cân bằng tài chính và dân số già.
Chuyên gia Dollar nói: “Trước đại dịch, Trung Quốc tăng trưởng khoảng 6% và giờ nền kinh tế số 1 châu Á đang phải vật lộn để phục hồi. Tiêu dùng thực sự không theo kịp sau khi dỡ bỏ chính sách Zero Covid. Các thành phần chính của GDP về phía cầu, như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu ròng... đều đang gặp vấn đề".
Xuất khẩu gặp khó
Các đối tác thương mại phương Tây của Trung Quốc ngày càng chuyển sang hướng khác. Nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa Trung Quốc hạ nhiệt, ngay cả khi Nga tăng cường thương mại với quốc gia châu Á trong bối cảnh xung đột ở Ukraine.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, trong nửa đầu năm 2023, nước này đã nhập khẩu khoảng 203 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 6/2023, nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm xuống còn 33,5 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Nền kinh tế lớn nhất châu Á hiện chỉ là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ ba cho Mỹ, sau Mexico và Canada.
Hơn 10 năm qua, Bắc Kinh đã luôn là nhà cung cấp hàng hóa hàng đầu cho Washington. Tuy nhiên, nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ đối với các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất như điện thoại và quần áo đang dần hạ nhiệt.
Điều đó phản ánh cả "nỗ lực giảm thiểu rủi ro" của chính quyền ông Biden, cũng như việc cắt giảm chi tiêu chung khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất.
Ngoài ra, xu hướng “gần bờ” (tăng cường giao thương với các nền kinh tế gần gũi về địa lý) cũng tăng lên kể từ sau đại dịch. Kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Mexico hoặc Canada là một minh chứng.
Ông Dexter Roberts, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, nói: “Rất nhiều công ty hiện cảm thấy Trung Quốc không phải là thị trường của tương lai".
Đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế lớn số 2 thế giới giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 25 năm trong quý II vừa qua.
Bất động sản chao đảo
Hầu hết các khó khăn kinh tế của Trung Quốc đều liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản.
Nước này đã vượt qua giảm phát trong năm 2009 và 2012 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng thị trường nhà ở hiện đang làm phức tạp thêm căng thẳng của các nhà hoạch định chính sách.
Bất chấp sự giảm giá gần đây, giá trị bất động sản đã tăng đáng kể từ năm 2009, trong khi các biện pháp kích thích tài chính có thể không có tác động như trước. Bắc Kinh cho phép phát triển ngành xây dựng quá mức khiến tình trạng dư thừa hàng tồn kho đã làm tê liệt các doanh nghiệp lớn.
Tuần đầu tháng 8, Country Garden Holdings - từng là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh thu - đã không thực hiện được khoản thanh toán trái phiếu trị giá hàng triệu USD và dự đoán sẽ báo cáo khoản lỗ khổng lồ trong nửa đầu năm 2023 này.
Tương tự, vào tháng 7, nhà phát triển bất động sản Evergrande, công ty gây chú ý vào năm 2021 với khoản nợ lớn không trả được, đã ghi nhận khoản lỗ 81 tỷ USD trong hai năm vừa qua.
Bất động sản, chiếm khoảng 1/5 nền kinh tế của đất nước, hiện đang gặp những trở ngại không nhỏ, bao gồm khoản nợ khổng lồ và nhu cầu yếu từ người mua nhà. Theo một khảo sát của Viện nghiên cứu Beike, tháng 6/2023, khối lượng giao dịch mua nhà tại 330 thành phố ở Trung Quốc đã giảm 19,2%, giá trị giảm 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II/2023 của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cao hơn mức tăng 4,5% của quý I/2023 nhưng thấp hơn nhiều so với dự báo tăng 7,3% được các chuyên gia phân tích đưa ra trước đó.
Ông Roberts nhận định: "Giá nhà đang giảm, rất nhiều tài sản của người dân gắn liền với lĩnh vực bất động sản. Khi họ thấy giá trị đi xuống, họ quyết định tiết kiệm cho tương lai và không chi tiêu”.
GDP quý II/2023 của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự đoán. Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters) |
Hệ quả của chính sách một con
Theo giới phân tích, chính sách một con trong nhiều năm của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế trong nhiều thập niên.
Năm 2022, dân số nước này giảm lần đầu tiên kể từ năm 1961. Theo công ty tư vấn Terry Group, quốc gia Đông Bắc Á đang trên đà giảm gần một nửa dân số vào năm 2100.
Nhưng không chỉ sự suy giảm dân số làm suy yếu Trung Quốc. Tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng cũng gây khó cho nền kinh tế.
Terry Group thông tin, năm 1990, 5% người Trung Quốc từ 65 tuổi trở lên. Hiện nay, con số đó đạt 14% và có thể tăng lên 30% vào năm 2050. Quốc gia này có thể giảm trung bình 7 triệu người trưởng thành trong độ tuổi lao động mỗi năm trong thập niên tới.
Hiện tại, các cặp vợ chồng trong độ tuổi lao động phải hỗ trợ cha mẹ già, trong khi chi phí giáo dục cho con cái ngày càng tăng và niềm tin vào nền kinh tế thấp.
Để có thể cải thiện các điều kiện nhân khẩu học, các chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh sẽ phải dỡ bỏ hệ thống đăng ký hộ khẩu. Chính sách này, có từ những năm 1950, khiến việc di cư từ nông thôn ra thành thị trở nên bất lợi và khó khăn, vì nó gắn các lợi ích phúc lợi xã hội với nơi mọi người sinh ra.
Khoảng một phần tư dân số Trung Quốc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp - cao hơn nhiều so với mức 3% ở Mỹ - và điều đó thể hiện những hạn chế về năng suất của quốc gia châu Á này.
Danh sách dài các vấn đề của Trung Quốc chỉ ra một thập niên "gập ghềnh" sắp tới. Từ một thị trường bất động sản không ổn định, nợ nần đến các vấn đề nhân khẩu học, Bắc Kinh có rất nhiều việc phải giải quyết nếu muốn đạt được tốc độ tăng trưởng như những thập niên trước.
Các rào cản địa chính trị liên quan đến Mỹ, Nga và các đối tác thương mại khác khiến chính phủ thêm đau đầu, nhưng các chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh nên tập trung vào các vấn đề trong nước.
Chuyên gia Dollar kỳ vọng Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng 5% trong năm nay, nhưng nếu không có cải cách tài chính hoặc nhân khẩu học, mức tăng trưởng có thể dao động gần 3% trong thập niên tới.