Các doanh nghiệp Việt Nam và tỉnh Tứ Xuyên đang trao đổi tìm kiếm cơ hội hợp tác. |
Cơ hội ở trong nước và láng giềng
Khác hẳn với giai đoạn "hoàng kim" khi bắt đầu tiến hành năm 1991 và nhiều năm sau đó, Expo từng có sự tham gia đông đảo của hàng hóa đến từ các nước châu Âu, Mỹ, Nhật... Lần thứ 19 này, hội chợ diễn ra trước thực trạng khó khăn tài chính của doanh nghiệp toàn cầu nên đã không thu hút được nhiều doanh nghiệp và hàng hóa của các nước phát triển.
Tuy nhiên, hội chợ vẫn nhận được chú ý và quan tâm của số lượng khá lớn không chỉ doanh nghiệp trong nước mà còn cả doanh nghiệp các nước láng giềng.
Tổng số gian hàng của doanh nghiệp trong nước là hơn 300 trong tổng số 520, trưng bày các sản phẩm về nông, lâm, thuỷ sản, lương thực và thực phẩm; đồ gỗ, nội thất và thủ công mỹ nghệ; may mặc thời trang và da giày; công nghiệp điện, điện tử, máy móc thiết bị và cơ khí; vật tư xây dựng và trang trí nội thất.
Tổng số gian hàng nước ngoài tại Vietnam Expo 2009 là khoảng 220 đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Belarus, Malaysia, Hàn Quốc, Myanmar, Đài Loan, Cuba, Lào, Campuchia…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, thương vụ Việt Nam tại 55 nước đã và đang hỗ trợ tối đa thông tin để các bạn bè quốc tế được biết đến. Điều này không chỉ giúp phát triển thị trường xuất khẩu mà còn là cầu nối để doanh nghiệp các nước phát triển thương mại, kinh doanh và đầu tư. Ngoài ra còn khắc phục, tháo gỡ khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Kỳ vọng của Tứ Xuyên
Với 120 gian hàng, chiếm 50% số lượng gian hàng nước ngoài có mặt tại Vietnam Expo 2009, giới doanh nghiệp tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã xúc tiến quy mô và rầm rộ. Họ chọn đây làm "bàn đạp" để thâm nhập thị trường Việt Nam.
Chỉ sau ít phút mở đầu cuộc tọa đàm Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Tứ Xuyên chiều 8/4, gần 50 doanh nghiệp Tứ Xuyên và Việt Nam đã nhanh chóng ngồi lại với nhau trao đổi thông tin và bàn bạc kế hoạch.
Cơ hội tìm đối tác khá đa dạng. Chiếm số lượng lớn nhất với 18/46 là các doanh nghiệp trong lĩnh vực máy móc - điện tử - thiết bị điện, tiếp đó là thực phẩm - nước giải khát, y dược, hóa chất, giày da…
Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam lại trở thành "điểm xuất ngoại quy mô đầu tiên" của giới doanh nhân Tứ Xuyên sau trận động đất kinh hoàng tháng 5 năm ngoái. Các doanh nhân Tứ Xuyên mang kỳ vọng rất lớn vào sức tiêu thụ hàng hóa và các khả năng đầu tư của thị trường Việt Nam.
Ông Giả Tráng Miêu, Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Tứ Xuyên cho biết năm 2008, các doanh nghiệp tỉnh này đã xuất khẩu sang Việt Nam 330 triệu USD hàng hóa với tốc độ tăng trưởng lên tới 60%. Các mặt hàng chủ yếu là may mặc, vali, túi xách, gang thép, các mặt hàng cơ điện, sản phẩm vi điện tử.
Việt Nam cũng là điểm đến của những nhà đầu tư Tứ Xuyên. Tại Hải Phòng, dự án tổng bao thầu công trình nhiệt điện của Công ty liên hợp thiết bị điện lực Đông Phương Tứ Xuyên có giá trị 1,15 tỉ USD đang triển khai thuận lợi.
Có thể nhận thấy con mắt rất thực tế của các nhà xúc tiến thương mại - đầu tư Tứ Xuyên khi chọn Việt Nam là "đầu ra" cho nhiều sản phẩm xuất khẩu khi các thị trường xa như Mỹ, EU, Nhật đang gặp khó. Có lẽ câu thành ngữ của người Việt “Bán họ hàng xa, mua láng giềng gần” thật hợp với hoàn cảnh hiện nay.
Cúc Liên