📞

Mỹ thuật Việt Nam: Chuyên nghiệp hóa để phát triển bền vững

12:00 | 08/11/2015
Mỹ thuật Việt Nam có cả vạn năm phát triển kể từ văn hóa Hòa Bình và hiện đã khẳng định được vị trí của mình trên bản đồ thế giới. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, thiết nghĩ, yếu tố chuyên nghiệp có lẽ là điều mà nền mỹ thuật Việt Nam còn thiếu.

Trong 70 năm (1945-2015), mỹ thuật hiện đại Việt Nam đã gặt hái thành công nhất định với nhiều tài năng tỏa sáng ở cả trong nước lẫn quốc tế. Nền mỹ thuật nước nhà đã có tiếng nói riêng và vị trí trên bản đồ thế giới.

Vị thế riêng

Mốc son đầu tiên của mỹ thuật Việt Nam hiện đại là trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - do người Pháp thành lập năm 1924, nay là trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Đây là nơi đã sản sinh ra những nghệ sỹ tài ba, được đào tạo theo phong cách châu Âu. Những thế hệ đầu tiên của nhà trường như bộ tứ họa sĩ lừng danh "Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn" (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân và Trần Văn Cẩn) hay Nguyễn Phan Chánh, Bùi Xuân Phái… đã tạo dựng nền mỹ thuật hiện đại giai đoạn 1945-1975, ghi dấu ấn trên trường quốc tế.

Họa sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương cho biết: “Đó là thế hệ vàng của Trường. Họ được tôi luyện trong chiến tranh và đã làm nên những thành tựu hội họa hiện đại, đi lên cùng đất nước. Nhờ những hạt nhân phát triển ấy, khi đất nước thống nhất, mỹ thuật được quan tâm hơn, chú trọng hơn, mở ra một hướng đi mạnh mẽ”.

Nhiều cuộc triển lãm lớn của cá nhân, của nhóm được tổ chức, đặc biệt là sự kiện triển lãm mỹ thuật toàn quốc tổ chức đều đặn năm năm một lần.

Từ vài chục sinh viên trong một trường mỹ thuật duy nhất, đến năm 2013, Việt Nam đã có khoảng 100 trường mỹ thuật và các trường có khoa mỹ thuật, đào tạo khoảng 10.000 học sinh, sinh viên...

Như Giáo sư Nora A. Taylor (Trường Mỹ thuật thuộc Viện Nghiên cứu Chicago) nhận xét: “Giờ đây, sau hơn gần 30 năm Việt Nam đổi mới, không những có nhiều phòng trưng bày các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam trên toàn thế giới mà còn có một nhận định chung là chính sách kinh tế “Đổi mới” và mỹ thuật đã cùng nhau đồng hành trên con đường phát triển đất nước… Mỗi tác phẩm đều có tính cách riêng, độc lập và luôn rạng ngời trong bất cứ một cuộc trưng bày nào về mỹ thuật đương đại”.

Họa sỹ Phạm Luận, người đã thành công tại nhiều cuộc triển lãm chung và triển lãm cá nhân tại nhiều nước, chia sẻ: “Khi thể hiện, các họa sĩ phải có bản sắc riêng, phải có sự mới mẻ bằng cách nuôi dưỡng cảm xúc cá nhân. Khi sáng tạo nghệ thuật, hãy tạm quên đi những thành công đã đạt được, vượt qua chính mình để tạo ra cho được những tác phẩm đẹp hơn trước”.

Mỹ thuật Việt Nam đã có những nét điển hình hơn, một nền văn hóa truyền thống thanh bình và tĩnh lặng… với những bản sắc riêng, ngày càng hấp dẫn và có khả năng hòa đồng được với nền mỹ thuật thế giới.

Thiếu chuyên nghiệp

Đến nay, một số di sản mỹ thuật truyền thống có nguy cơ mai một đã được nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống đương đại. Các doanh nghiệp mỹ thuật, phòng trưng bày phát triển đã từng bước góp phần hình thành nên thị trường mỹ thuật. Nhờ đó, mỹ thuật Việt Nam được công chúng trong nước và quốc tế biết đến, vị trí và uy tín trên trường quốc tế qua đó cũng được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, mỹ thuật Việt Nam bộc lộ khá nhiều hạn chế, đặc biệt là trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Đó là việc hành lang pháp lý còn thiếu đồng bộ nên chưa tạo điều kiện cho nền mỹ thuật phát triển hết khả năng. Ngoài ra, công tác nghiên cứu lý luận, phê bình còn chưa theo kịp với thực tế phát triển và những vấn đề mới đặt ra. Vấn đề giáo dục mỹ thuật trong các trường phổ thông và xã hội còn nhiều bất cập.

Đặc biệt là nạn sao chép tác phẩm, vi phạm bản quyền tác giả đã gây ra bức xúc trong dư luận, làm giảm uy tín của mỹ thuật Việt Nam cũng như sự chuyên tâm của nghệ sỹ. Bên cạnh đó, sự phát triển của mỹ thuật chưa đi kèm với bảo tồn và còn thiếu tính chuyên nghiệp.

Xin chỉ nói thêm về tính thiếu chuyên nghiệp. Mỹ thuật Việt Nam sở hữu hàng nghìn tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Trong số đó có không ít tác phẩm của các danh họa được thế giới đánh giá cao. Tuy sở hữu khối tài sản lớn như vậy nhưng phương thức bảo quản tranh, đặc biệt là việc phục chế tranh tại Việt Nam lại rất sơ sài và thiếu chuyên nghiệp.

Ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bức tranh “Em Thúy” của họa sĩ nổi tiếng Trần Văn Cẩn - một bảo vật quốc gia đã có thể bị hư hại nếu như không có một tổ chức đến từ Australia hỗ trợ phục chế. Hiện nay, còn hàng trăm bức tranh quý giá, trong đó có cả một bộ sưu tập tranh lụa của danh họa Nguyễn Phan Chánh đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn chưa có được phương án bảo tồn, phục dựng để có thể trở lại như xưa.

Dòng chảy 70 năm mỹ thuật Việt Nam đã làm nên những thành công nhất định, ghi dấu ấn trên bản đồ mỹ thuật thế giới. Con đường chuyên nghiệp hóa nền mỹ thuật Việt Nam cần có sự chung tay góp sức của cả Nhà nước, nghệ sỹ, người thụ hưởng cũng như người kinh doanh nghệ thuật.

Chỉ khi điều đó trở thành hiện thực, nền mỹ thuật Việt Nam mới có thể phát triển bền vững và tiếp tục có những đóng góp xứng đáng làm giàu cho đời sống văn hóa, xã hội của nước nhà.

Minh Hòa