📞

Mỹ triển khai tên lửa mang đầu đạn hạt nhân công suất thấp mới trên tàu ngầm  

BQT 16:08 | 31/01/2020
TGVN. Theo báo cáo của các chuyên gia Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ (FAS), Mỹ bắt đầu triển khai các đầu đạn hạt nhân công suất thấp mới trên tên lửa Trident dành cho tàu ngầm.
Quân đội Mỹ diễn tập phóng tên lửa từ tàu ngầm Tennessee. (Nguồn: Sputnik)

Theo đó, tàu ngầm Tennessee được trang bị tên lửa Trident lần đầu tiên rời căn cứ hạm đội Mỹ ở Georgia hồi cuối năm 2019 để đi tuần tra Đại Tây Dương.

Theo đánh giá của FAS, trong số 20 tên lửa trên tàu ngầm Tennessee, có 1-2 tên lửa mang đầu đạn W76-2. Mỗi đầu đạn này có sức chứa 5 kiloton, trên mỗi tên lửa có thể mang một số đầu đạn.

Quân đội Mỹ cho rằng, Nga đã áp dụng học thuyết "leo thang để xuống thang" và vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể được Nga sử dụng nếu họ thất bại trong cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường. Do đó, đầu đạn W76-2 là "cần thiết để đối phó với quan niệm sai lầm rằng, Mỹ không đủ khả năng răn đe khu vực", quân đội Mỹ khẳng định.

Đồng thời, các chuyên gia FAS cho biết, chưa chứng minh được thông tin Moscow có thể đưa ra quyết định về một cuộc tấn công hạt nhân. Họ muốn nhắc nhở rằng, Mỹ sở hữu số lượng lớn các đầu đạn tên lửa hạt nhân năng lượng thấp - theo đánh giá của FAS, lên tới 1.000 chiếc. Những đầu đạn này có thể lắp vào tên lửa hành trình gắn trên máy bay ném bom B-52.

“Giờ đây, đầu đạn W76-2 công suất thấp mới mang lại cho Mỹ một loại vũ khí tốt hơn và hiệu quả hơn với tư cách là một vũ khí đánh chặn”, các tác giả bản báo cáo cho biết.

Họ cũng đưa ra lưu ý, việc phóng tên lửa Trident với đầu đạn hạt nhân công suất thấp khác với việc phóng tên lửa có đầu đạn chiến lược.

Các tác giả còn cho rằng, trên thực tế, đầu đạn hạt nhân công suất thấp cũng có thể được sử dụng như một phương tiện chủ động tấn công Triều Tiên hoặc Iran. Theo Chiến lược hạt nhân của Mỹ, nước này dự định sẽ “mở rộng tiềm năng để đối phó với các cuộc tấn công chiến lược hạt nhân hoặc phi hạt nhân”, mở đường cho một cuộc tấn công hạt nhân chủ động.

(theo Sputnik)