Mới đây, Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung (USCC) đã đề nghị Quốc hội Mỹ nên có biện pháp giám sát chặt chẽ hơn các khoản đầu tư hoặc những thương vụ tiếp quản doanh nghiệp của các công ty Trung Quốc và ngăn chặn các đơn vị kinh tế Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước hoặc chịu sự kiểm soát của nhà nước mua lại tài sản của Mỹ.
Mạnh tay với đầu tư Trung Quốc
Báo cáo của USCC cho rằng, Trung Quốc đang lợi dụng những khoảng trống trong quá trình xét duyệt đầu tư để mua lại các doanh nghiệp Mỹ. Những khoản đầu tư này dẫn đến việc chuyển giao tài sản, sở hữu trí tuệ và các công nghệ có giá trị của Mỹ. Đây là những mối hiểm họa tiềm ẩn đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia, Báo cáo nhấn mạnh, Nhà Trắng cần thận trọng khi Trung Quốc mở rộng đầu tư vào các ngành công nghệ và công nghiệp mới trên thế giới.
Đầu tư Trung Quốc vào các ngành then chốt của Mỹ đã đạt mức kỷ lục 46,2 tỷ USD trong năm 2016, gấp 10 lần so với con số 4,6 tỷ USD năm 2010. (Nguồn: AP) |
Trên thực tế, các khoản đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ đã tăng lên đáng kể trong nửa thập niên vừa qua. Theo công bố của Rhodium Group và Ủy ban quốc gia về quan hệ Trung - Mỹ, số tiền đầu tư của Trung Quốc vào các ngành then chốt Mỹ đã đạt mức kỷ lục 46,2 tỷ USD trong năm 2016, gấp ba lần so với năm trước và gấp 10 lần so với con số 4,6 tỷ USD vào năm 2010. Nhiều khoản đầu tư được cho là do các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thực hiện.
Trong Báo cáo, USCC nêu rõ, "Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc đang nhắm đến các ngành công nghiệp được coi là chiến lược của chính phủ nước này, bao gồm công nghệ thông tin và truyền thông, nông nghiệp và công nghệ sinh học. Những khoản đầu tư này đều dẫn đến việc chuyển giao tài sản, sở hữu trí tuệ và công nghệ có giá trị của Mỹ cho Trung Quốc, có thể gây nên những rủi ro tiềm ẩn đối với các lợi ích an ninh và kinh tế quan trọng của nước Mỹ".
Đó là lý do mà Ủy ban này cho rằng, Quốc hội Mỹ cần phải sửa đổi luật kiểm soát đầu tư nước ngoài để ngăn chặn các công ty nhà nước hoặc doanh nghiệp do nhà nước Trung Quốc kiểm soát mua lại các công ty Mỹ, đồng thời đề xuất Chính phủ tiến hành những cuộc điều tra bắt buộc đối với mọi giao dịch có thể cho phép một công ty Trung Quốc kiểm soát tài sản của Mỹ, cấm các thương vụ hoặc khoản đầu tư có khả năng trao quyền kiểm soát công nghệ hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng cho Trung Quốc. Các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc khi muốn mua tài sản cũng phải tuân thủ những tiêu chí đánh giá tài sản đối với an ninh quốc gia Mỹ.
Báo cáo USCC cũng đề nghị các cơ quan Chính phủ Mỹ, bao gồm các Bộ An ninh nội địa, Bộ Thương mại và Bộ Quốc phòng Mỹ cần theo dõi và liên tục cập nhật danh sách các cơ sở hạ tầng và công nghệ quan trọng, tránh để các đơn vị kinh tế Trung Quốc mua lại hay đầu tư.
Cây gậy hay củ cà rốt
Nói về đề nghị kiểm soát đầu tư từ doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, Chủ tịch USCC Carolyn Bartholomew khẳng định, không thể xem đây là hành động của “chủ nghĩa bảo hộ”. Nhưng nội dung bản báo cáo mà USCC gửi lên Quốc hội Mỹ cũng không quên cảnh báo, Trung Quốc đang ngày càng đóng cửa nền kinh tế của mình đối với đầu tư nước ngoài và tích cực thúc đẩy việc tiếp cận các nền kinh tế mở khác và các thị trường Mỹ.
Có hay không sự đối đầu trong mỗi động thái của Mỹ?. Giới quan sát cho rằng, đang tồn tại nguy cơ chiến tranh thương mại, khi Mỹ liên tiếp tung “đòn”. Cùng lúc các nhà lập pháp Mỹ đang thúc đẩy giám sát chặt chẽ hơn đối với các thương vụ đầu tư từ Trung Quốc, thì đồng thời, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng bắt đầu tiến hành nhiều cuộc điều tra liên quan tới quốc gia này.
Luật sửa đổi siết quản lý đầu tư nước ngoài do thượng nghị sĩ John Cornyn của đảng Cộng hoà và Dianne Feinstein từ đảng Dân chủ đã nhận được sự ủng hộ đông đảo từ Quốc hội. Nếu được phê duyệt, Ủy ban Đầu tư Quốc tế Mỹ (CFIUS) sẽ được trao toàn quyền xét duyệt tất cả các khoản đầu tư từ nước ngoài, đình chỉ các giao dịch chờ phê duyệt và đặt ra các điều kiện mới cho các giao dịch đã được thực hiện.
Trong khi đó, ngoài vấn đề thép và nhôm Trung Quốc đang bị điều tra bán phá giá gây thiệt hại nặng nề cho ngành thép Mỹ, lại thêm một nguy cơ hiện hữu khác đối với quan hệ kinh tế Mỹ - Trung là cuộc điều tra theo điều 301 Bộ Luật Thương mại Mỹ 1974, nhằm vào các quy định của Bắc Kinh buộc nhiều doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ cho các đối tác kinh doanh địa phương .
Được biết, tháng 1/2018, lưỡng viện Quốc hội Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu thông qua dự luật siết quản lý đầu tư nước ngoài. Theo Chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc - Derek Scissors thuộc Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ (AEI), dự luật hiện không nêu rõ mục tiêu chính là Trung Quốc. Nghị sĩ John Cornyn cũng cho biết, Mỹ không muốn làm nản lòng các nhà đầu tư Trung Quốc, nhưng muốn quản lý chặt chẽ các đầu tư nước ngoài có ý đồ nhắm vào những vụ chuyển giao công nghệ và bí quyết kinh doanh, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Còn Trưởng nhóm vấn đề kinh tế tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington - Li Bin cho rằng, bản chất của vấn đề chưa được sáng tỏ. Mọi sự hiểu lầm chỉ có thể được thông tỏ khi Mỹ - Trung ngồi vào bàn đối thoại. Nhưng kể từ sau cuộc công du châu Á của Tổng thống Mỹ Trump, vẫn chưa có bất kì nỗ lực tiến hành xoa dịu nào giữa hai bên.
Trong khi đó, nhiều nhà lập pháp Mỹ lại cho rằng, chính sách “củ cà rốt” không hiệu quả khi áp dụng trong hợp tác kinh tế cùng Trung Quốc. Đã đến lúc Mỹ cần đưa ra “cây gậy”.