Ngày 3/3,Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và thực thể của Nga liên quan đến cáo buộc đầu độc thủ lĩnh chính trị đối lập của Nga Alexei Navalny. (Nguồn: EPA) |
Ngày 3/3, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và thực thể của Nga để đáp trả việc Moscow được cho là đầu độc và sau đó bắt giữ thủ lĩnh chính trị đối lập của Nga Alexei Navalny.
Thái độ cứng rắn ngay từ đầu
Thông qua lệnh trừng phạt này, các quan chức chính quyền Mỹ lưu ý rằng đây là làn sóng phản ứng đầu tiên của Mỹ đối với hoạt động được cho là “xấu xa” của Nga và chính quyền Washington có thể công bố các biện pháp tiếp theo trong những tuần tới.
Mặc dù vậy, đội ngũ của Tổng thống Biden cũng đang tìm kiếm các cơ hội hợp tác với Nga trong những lĩnh vực cùng quan tâm mặc dù trước đó tuyên bố rõ ràng Mỹ sẽ không nỗ lực để cài đặt lại quan hệ với Moscow. Các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với Nga do chính quyền ông Biden đưa ra có thể được coi là một sự thỏa hiệp thỏa đáng.
Cũng như các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt với một số quan chức Saudi Arabia liên quan đến cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi, các biện pháp trừng phạt Nga nằm trong nỗ lực cân bằng những lợi ích mâu thuẫn và cạnh tranh của Mỹ.
Ngay từ ngày đầu tiên, chính quyền Biden đã muốn có sự khác biệt trong cách tiếp cận của mình đối với Nga, đặc biệt là khác biệt so với người tiền nhiệm Donald Trump, người được cho là quá thân mật đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Các biện pháp này nhằm tạo ra dấu hiệu cho thấy chính quyền Biden sẽ không ngần ngại "đẩy lùi" các hành động của Nga mà Washington thấy "chướng tai gai mắt".
Thủ tướng Đức Angela Merkel không hoàn toàn hài lòng với phương hướng chính sách của nước Nga dưới thời Tổng thống Putin, song cũng không 'theo gót' chính quyền Mỹ của ông Joe Biden. (Nguồn: Getty Images) |
Đức không 'theo gót', cơ hội cho Trung Quốc
Sau lệnh trừng phạt, một câu hỏi khác đang đặt ra là hành động của Mỹ đối với Moscow ảnh hưởng như thế nào đến hai mối quan hệ quan trọng hơn đối với Washington: Đó là quan hệ với Berlin và Bắc Kinh.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và chính phủ của bà không hoàn toàn hài lòng với phương hướng chính sách của nước Nga dưới thời Putin, song bà Merkel cũng đã báo hiệu rõ ràng với Washington rằng Berlin sẽ không "theo gót" Mỹ trong vấn đề này và rằng Đức (mở rộng là cả châu Âu) có những lợi ích trong quan hệ với Nga mà họ không muốn Mỹ phớt lờ.
Có lẽ điều quan trọng là, ít nhất liên quan đến vấn đề Navalny, chính quyền ông Biden cần chọn những biện pháp tương xứng chứ không vượt quá các biện pháp mà Liên minh châu Âu đã thực hiện.
Như một số người trong bộ máy an ninh quốc gia của ông Biden đề xuất, cạnh tranh chiến lược cuối cùng của Mỹ là với Trung Quốc, thì nảy sinh mối quan ngại rằng việc tập trung quá nhiều vào Nga trong ngắn hạn sẽ cho phép Trung Quốc tiếp tục củng cố vị thế của mình.
Hơn nữa, khi các cán cân quyền lực tiếp tục nghiêng nhiều hơn theo hướng có lợi cho Bắc Kinh, điều này có thể tạo cơ hội khuyến khích Moscow xem xét lại chiều sâu của quan hệ đối tác chiến lược của họ với Trung Quốc.
Vì vậy, bất kỳ biện pháp nào áp đặt đối với Nga cần có những “đường tắt” rõ ràng có thể mang lại cơ hội bình thường hóa quan hệ với Moscow. Đây là những cách tiếp cận mà chính quyền tiền nhiệm của Barack Obama đã áp dụng với Nga.
Khi chính quyền Biden cố gắng tạo ra một sự đồng thuận mạnh mẽ xuyên Đại Tây Dương về Trung Quốc, điều này có thể đòi hỏi Mỹ sẽ phải thỏa hiệp với Đức về chính sách đối với Nga để đạt được cam kết của Berlin tham gia những nỗ lực mạnh mẽ hơn của Washington.
Tổng thống Mỹ Biden có thể tuyên bố một cách chính đáng rằng ông đã đáp lại các hành động của Nga và đề cao các giá trị của Mỹ bằng cách áp đặt trừng phạt đối với chính quyền ông Putin. Thế nhưng, những người chỉ trích ông sẽ chỉ ra rằng các lệnh trừng phạt hiện tại phần lớn chỉ là hành động mang tính biểu tượng và mang tính thủ tục.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đáp trả các hành động của Mỹ bằng cách đe dọa trả đũa và cảnh báo rằng quan hệ Mỹ-Nga sẽ còn xấu đi mặc dù các đòn trừng phạt của Washington không gây thiệt hại nặng nề nào đối với bất kỳ ưu tiên quan trọng nào của Nga.
Những tuyên bố đao to búa lớn và thực tế hành động không hoàn toàn trùng lặp, song chúng ta sẽ cần đánh giá chiều hướng chính sách của đội ngũ Biden đối với Nga trong những tháng tới.