📞

Mỹ-Trung Quốc: Ông Trump dọa 'cấp vũ khí mới' cho cuộc chiến thương mại dang dở, nhưng Bắc Kinh nay đã khác rồi?

Minh Anh 18:00 | 15/11/2024
Chiến thắng quyết định của ông Donald Trump trong cuộc Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 báo hiệu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ tiếp tục leo thang?
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc chưa bao giờ kết thúc, nó vẫn đang diễn ra vừa sôi sục, vừa âm ỉ. (Nguồn: University of Rochester illustration)

Kể từ lúc ông Trump rời nhà Trắng đã ngót ngét 4 năm và đến nay, khi ông trở lại, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc vẫn chưa bao giờ nguội đi, và chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Joe Biden cũng không có ý định chấm dứt những căng thẳng đang diễn ra vừa sôi sục, vừa âm ỉ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc mới?

Phải khẳng định lại rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc chưa bao giờ kết thúc, kể từ khi nó bắt đầu vào năm 2018, khi vị Tổng thống Mỹ thứ 45 - Donald Trump đưa ra một loạt thuế quan nhắm vào hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, viện dẫn những gì ông gọi là chính sách thương mại không công bằng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ.

Ông Trump, người từng tự gọi mình là "Tariff Man" và mô tả thuế quan là "từ đẹp nhất trong từ điển". Trước khi bước vào Nhà Trắng lần thứ hai, ông tiếp tục đe dọa sẽ áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu hoặc cao hơn và lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc nói riêng.

Các biện pháp bổ sung này có thể được thực hiện theo Mục 301 của Đạo luật thương mại Mỹ năm 1974, cho phép nước này điều tra và ứng phó với các hoạt động thương mại nước ngoài bị coi là không công bằng hoặc gây tổn hại đến lợi ích của quốc gia.

Khi được hỏi, Bắc Kinh có thể phản ứng thế nào trước khả năng áp thuế toàn diện của ông Trump, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã nói với các phóng viên rằng, bà sẽ "không trả lời các câu hỏi giả định", nhưng nói thêm rằng "không có bên nào chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại và thế giới cũng sẽ không được hưởng lợi từ nó".

Bonnie Glaser, Giám đốc điều hành Chương trình Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Quỹ Marshall Đức của Mỹ, từng nói với tờ Newsweek rằng, mặc dù bà hy vọng Tổng thống Mỹ đắc cử sẽ thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình, nhưng "vẫn chưa thể khẳng định liệu họ có thể mạnh tay sử dụng một chiến lược rộng lớn hơn, nhằm giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc hay không".

Trong khi đó, chuyên gia Wu Xinbo, Hiệu trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, cũng đã lặp lại quan điểm này và chỉ ra tính không thực tế của việc Mỹ áp dụng mức thuế tăng mạnh trên diện rộng. Ông cho rằng, "việc thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc có lên tới 60% hay không còn phụ thuộc vào các loại hàng hóa cụ thể mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra, mức thuế mà Mỹ áp dụng có thể không quá cao".

Tờ Newsweek đưa tin, đề xuất của Trump có thể tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp của chính ông, vì nhiều sản phẩm của ông được sản xuất ở các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc. Trump đã thúc đẩy thuế quan như một phương tiện để giảm thuế và trả hết nợ quốc gia.

Ông Trump được cho là muốn thúc đẩy thuế quan như một phương tiện để giảm thuế và trả hết nợ quốc gia.

Tuy nhiên, một phân tích gần đây của Trung tâm chính sách thuế Urban-Brookings có trụ sở tại Washington, D.C. cho thấy, nếu áp dụng mức thuế quan theo đề xuất của ông Trump có thể mang lại khoảng 3,7 nghìn tỷ USD tổng thuế quan gộp, thì mức tăng thực tế trong thuế liên bang sẽ là gần 2,8 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới, vì thuế quan có thể làm giảm các khoản thuế khác.

Ngoài ra, "thuế quan của ông Trump sẽ làm tăng đáng kể giá hàng hóa nhập khẩu vì chúng chủ yếu được chuyển cho người tiêu dùng. Điều đó sẽ làm giảm cả thu nhập trong nước được điều chỉnh theo lạm phát và doanh thu thuế thu nhập", nghiên cứu của Urban-Brookings cho biết.

Đầu năm nay, chính quyền Tổng thống Biden đã chọn duy trì thuế quan từ thời nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump đối với khoảng 300 tỷ USD sản phẩm của Trung Quốc, khiến Đại sứ quán Trung Quốc lên án là "chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ".

Theo đó, thuế quan đối với pin mặt trời, chất bán dẫn và vật tư y tế do Trung Quốc sản xuất—như khẩu trang và găng tay phẫu thuật—đã tăng lên 50% từ mức 25% ban đầu. Thuế đối với pin lithium-ion tăng từ 7,5% lên 25% và thuế đối với xe điện của Trung Quốc - một lĩnh vực mà Bắc Kinh đang nắm giữ vị thế thống lĩnh, nhưng lại chiếm ít thị phần tại Mỹ, đã tăng gấp 4 lần từ 25% lên 100%.

Trung Quốc đã thay đổi?

Về phía Trung Quốc, ngay cả khi Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhanh chóng gửi lời chúc mừng tới Tổng thống đắc cử Mỹ, các nhà phân tích vẫn cảnh báo về mối quan hệ đối đầu căng thẳng hơn giữa hai siêu cường, nguy cơ mở ra một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa cạnh tranh ở Washington.

"Nhiều người ở Trung Quốc đang chuẩn bị cho một số biến động hoặc bão tố, nhưng không ai biết chúng là gì", Giáo sư quan hệ quốc tế Tang Shiping, tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải cho biết.

Mặc dù, Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden vẫn duy trì nhiều chính sách trong nhiệm kỳ thứ nhất của ông Trump đối với Bắc Kinh, trong đó có cả các biện pháp thuế quan đối với hàng Trung Quốc, nhưng Washington có phần đã giảm bớt giọng điệu gay gắt với Bắc Kinh và nỗ lực khởi động lại các kênh liên lạc song phương.

Tuy nhiên, những hứa hẹn của ông Trump với cử tri trong chiến dịch tranh cử rằng sẽ tăng cường các chính sách kinh tế khắc nghiệt mà ông từng theo đuổi trong nhiệm kỳ đầu tiên, khiến giới quan sát tin rằng, quan hệ Mỹ-Trung Quốc khó lòng có một khởi đầu suôn sẻ.

Tất nhiên, khi dự đoán về nguy cơ một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung mới, khắc nghiệt hơn và rộng lớn hơn, có người đã rất lo ngại rằng - một cuộc chiến thương mại mới không thể đến vào thời điểm tồi tệ hơn với Bắc Kinh, trong những điềm báo tiềm ẩn về tình trạng kinh tế trì trệ lâu dài. Nền kinh tế thứ hai hiện đang chật vật phục hồi sau đại dịch và khó đạt mục tiêu tăng trưởng 5%. Ngành bất động sản rơi vào khủng hoảng, tổn thất không thể tính toán được trong hệ thống ngân hàng, cuộc khủng hoảng nợ của chính quyền địa phương và tỷ lệ thất nghiệp đã tăng vọt, đặc biệt là trong nhóm dân số trẻ.

"Với tình hình kinh tế Trung Quốc như hiện tại, một cuộc chiến thương mại mới hoặc những nỗ lực toàn diện hơn nhằm cô lập họ sẽ tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng hơn nhiều đối với khả năng cạnh tranh kinh tế của nước này", Chuyên gia cấp cao Tong Zhao của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington lo ngại.

Nhưng cũng không ít người không đồng quan điểm trên, họ cho rằng, Bắc Kinh nay đã có sự chuẩn bị tốt hơn.

Một số phân tích cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu, khiến thuế quan khiến họ dễ bị tổn thương hơn, nhưng họ lại ít phụ thuộc hơn vào thị trường Mỹ và ngày càng hướng đến mục tiêu tự cung tự cấp.

Giới lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy khả năng tự cường và bảo vệ nền kinh tế đất nước khỏi những rủi ro bên ngoài như đòn thuế quan từ Mỹ. Tờ Guancha của Trung Quốc trong một bài bình luận mới đây viết rằng, Bắc Kinh nên cảm ơn ông Trump vì ông ấy đã "củng cố quyết tâm, ý chí và khả năng tự lực của chúng ta trong các lĩnh vực quan trọng".

Những ngày này, trong các bình luận về cách Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump lựa chọn đội ngũ nhân sự nội các mới, nhiều người cho rằng, trong nhiệm kỳ thứ hai này, ông ấy đã bắt tay vào công việc theo một cách rất nhanh chóng... Nhanh chóng thành lập một chính quyền trẻ trung, mới mẻ và nhanh chóng muốn hiện thực hóa những kế hoạch có thể còn dang dở trong nhiệm kỳ đầu.

... Và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc cũng là một việc ông Trump còn đang dang dở.