📞

Mỹ - Trung vẫn tính chuyện “nước đôi”

07:00 | 30/11/2018
Úp mở về một kỳ vọng đột phá, nhưng cũng không giấu giếm ý định sẵn sàng áp thêm thuế nhập khẩu lên hàng Trung Quốc, nếu các cuộc nói chuyện sắp tới không có kết quả, đó là phong cách đàm phán của Tổng thống Trump.

Trong cuộc họp báo (ngày 27/11) trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Buenos Aires (Argentina), Cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump - Larry Kudlow cho biết, bữa tối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào thứ Bảy này, bên lề G20 là một trong các sự kiện cuối cùng trong lịch trình của Tổng thống Trump trước khi quay về Washington.

Kỳ vọng về một điều mới mẻ

Đầu tháng này, ông Trump không chỉ khiến thế giới, mà ngay cả các quan chức thân cận cũng phải ngạc nhiên khi có cuộc điện đàm “mềm mỏng” với ông Tập, nhằm tái khởi động các cuộc đàm phán thương mại đang bị đình trệ. Kể từ đó, hai bên vẫn duy trì liên lạc và ông Trump thì được đánh giá là có vẻ lạc quan, khiến cuộc gặp được kỳ vọng sẽ tạo ra thứ gì đó mới mẻ. Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung được trông đợi sẽ thảo luận về các cách thức xoa dịu cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng như các biện pháp thuế quan kiểu ăn miếng trả miếng mà mỗi nước đang mạnh tay áp đặt lên nhau.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida, tháng 4/2017. (Nguồn: AFP)

Tuy nhiên, trên thực tế, ngày 26/11, trả lời phỏng vấn tờ WSJ, ông Trump cho biết, nhiều khả năng ông sẽ không chấp nhận yêu cầu của Bắc Kinh rằng Washington hoãn tăng mức thuế quan đánh vào 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc từ 10% lên 25% vào ngày 1/1/2019. Nếu hai bên không thể đạt được một thỏa thuận, ông vẫn sẽ tiếp tục áp thuế, 10% hoặc 25%, lên 267 tỷ USD hàng Trung Quốc nữa, nâng tổng số hàng chịu ảnh hưởng lên hơn 500 tỷ USD – tương đương kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc vào năm ngoái. “Thỏa thuận duy nhất chấp nhận được với tôi là Trung Quốc phải mở cửa thị trường với sự cạnh tranh từ Mỹ”, ông Trump cho biết.

Mỹ đã đánh thuế hải quan đối với 250 triệu USD hàng hóa Trung Quốc và Trung Quốc cũng trả đũa đánh thuế hơn 100 triệu USD hàng hóa Mỹ. Cùng với những lệnh áp thuế còn đang trong thời hạn “xếp hàng” chờ có hiệu lực, giữa Washington và Bắc Kinh còn tồn tại những bất đồng trong nhiều lĩnh vực chủ chốt khác, như quyền tiếp cận thị trường, quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc… Thể chế kinh tế hiện nay của Trung Quốc vẫn bị đánh giá là không có thuộc tính thị trường, trong thời gian dài không thể tương thích với trật tự quốc tế vốn dựa trên nền tảng các nguyên tắc kinh tế thị trường do Mỹ xây dựng.

“Dạ tiệc” nhạt?

Trở lại cuộc họp báo của Cố vấn kinh tế Larry Kudlow, ông này mặc dù cho biết rằng, “Tổng thống Donald Trump kỳ vọng có một sự đột phá, ông ấy tin có khả năng đạt thỏa thuận và rất cởi mở với việc này”, nhưng Cố vấn Kudlow cũng không quên khẳng định lại rằng, người đứng đầu Nhà Trắng vẫn sẵn sàng áp thêm thuế nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc, nếu các cuộc nói chuyện sắp tới không có kết quả.

Như vậy, rõ ràng với tâm thế của những người sẵn sàng đàm phán, nhưng cũng sẵn sàng coi đối phương… chẳng là gì cả, nên nếu nhận định rằng, “cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo hai nền kinh tế đứng đầu thế giới chắc chắn sẽ chẳng đi đến đâu”, hẳn là không phải không có cơ sở.

Báo cáo điều tra dài 50 trang của Cơ quan đại diện thương mại Mỹ nhận định, hiện Mỹ không thấy bất cứ thiện chí nào của Trung Quốc nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Trung Quốc vẫn không điều chỉnh căn bản những hành xử thương mại bất công, vô lý và tách rời thị trường của họ và tình trạng đánh cắp sở hữu trí tuệ cũng rất nghiêm trọng.

Tồi tệ hơn, Báo cáo cho rằng, Bắc Kinh “rõ ràng áp dụng những biện pháp vô lý mới trong những tháng qua”. Báo cáo dựa trên những kết luận của các cơ quan an ninh mạng cũng cho rằng, các hoạt động gián điệp, đánh cắp của Trung Quốc vẫn tiếp tục trong một số lĩnh vực có giá trị gia tăng cao của Mỹ.

Tất nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ những cáo buộc này. Thậm chí, nhằm thể hiện thành ý trước cuộc gặp Thượng đỉnh bên lề G20, Bắc Kinh đã chuyển cho Washington văn bản trả lời các yêu cầu của phía Mỹ. Tuy nhiên, theo CNN, những gì mà phía Trung Quốc đưa ra không mới, Bắc Kinh vẫn không đáp ứng các yêu cầu cốt lõi của Nhà Trắng, như giải quyết vấn đề cưỡng ép chuyển giao công nghệ, đánh cắp bản quyền tri thức... và hai bên vẫn trong tình trạng bế tắc.

Nói về văn bản này, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho rằng, dường như nó không khác so với những cam kết thay đổi trước đó của Bắc Kinh. Trung Quốc vẫn không có câu trả lời cụ thể cho yêu cầu của Washington về việc Bắc Kinh phải cam kết thay đổi chính sách công nghiệp, trong đó có chiến lược “Made in China 2025”.

“Made in China 2025” là một trong những bất đồng chủ yếu, đằng sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và là một mâu thuẫn rất khó giải quyết. Chiến lược này thậm chí bị cho là vấn đề có thể làm tiêu tan những kỳ vọng về cuộc gặp Trump – Tập sắp tới. Bởi người đứng đầu nước Mỹ đã muốn thấy Bắc Kinh phải từ bỏ mục tiêu mà họ khó từ bỏ nhất. Theo Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS), hiện không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc có thể từ bỏ “Made in China 2025” và trong tương lai, nền kinh tế thứ hai thế giới cũng sẽ không từ bỏ nó. Có thể Chiến lược “Made in China 2025” ít được nhắc tới trong giai đoạn nhạy cảm này, nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc đã từ bỏ. Chủ tịch Trung Quốc vẫn nhấn mạnh đến “tự lực cánh sinh, tự chủ sáng tạo”, đó cũng chính là mục tiêu mà Chiến lược Made in China 2025 muốn hướng tới.

Được biết, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhận lời mời dự dạ tiệc của Tổng thống Trump sau Hội nghị Thượng đỉnh G20. Một buổi dạ tiệc, có thể sẽ mang đến cho hai nhà lãnh đạo thêm thời gian thảo luận với nhau và có thể tạo bầu không khí thuận lợi hơn cho việc đàm phán những vấn đề căng thẳng. Các thị trường đều kỳ vọng Mỹ - Trung đạt một thỏa thuận “đình chiến”.

Đã có tiền lệ trong tất cả các cuộc đối đầu ngoại giao lớn của ông Trump, từ vấn đề Triều Tiên, cho tới việc sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ… Tổng thống Mỹ dường như hay thực hiện đe dọa giống như sắp tiến gần đến một cuộc chiến tranh, nhưng sau đó đột nhiên thương lượng cho một cuộc rút lui chiến thuật. Phong cách đàm phán của Trump dường như đã mang lại những thành công ngoạn mục. Và một thỏa thuận với Trung Quốc tại G20 có vẻ cũng phù hợp với mô hình này.

Tuy nhiên, khi cả hai đang mắc kẹt trong hàng loạt vấn đề cốt lõi khó giải quyết trong một thời gian ngắn, thì rất có thể sẽ có một “dạ tiệc Mỹ - Trung nhạt” và hai bên không thể đưa đến một thỏa thuận đáng kể.