"Không có gì đặc biệt hay khác biệt khi một quốc gia thành viên đã hạ cánh tàu thám hiểm lên vùng tối Mặt Trăng... lại khăng khăng đòi được đối xử giống như một trong những thành viên nghèo nhất của chúng ta", ông Dennis Shea, đại sứ Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phát biểu trong một cuộc họp của tổ chức này tại trụ sở ở Geneva hôm 28/2, theo Nikkei Asian Review.
Hiện WTO đang cho phép các quốc gia thành viên tự đánh giá xem họ có phải là nước đang phát triển hay không. Mặc dù Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nước này vẫn tuyên bố mình là quốc gia đang phát triển. Điều này giúp Trung Quốc có đủ điều kiện để được đối xử "đặc biệt và khác biệt" hoặc có quyền miễn trừ với một số yêu cầu nhất định về tư do hóa thương mại.
Các chuyên gia cho rằng, những đặc quyền này đã góp phần giúp Trung Quốc bảo vệ và duy trì các chính sách bảo hộ trong đàm phán thương mại, bao gồm mức thuế quan cao và trợ cấp nông nghiệp hào phóng.
Trung Quốc vẫn tự nhận là một quốc gia đang phát triển mặc dù Mỹ cho rằng nước này đã thuộc nhóm phát triển vượt bậc. (Nguồn: Reuters) |
Theo kế hoạch cải tổ được Đại sứ Shea đề xuất, một quốc gia sẽ không còn được nhận những đặc quyền của WTO nếu thỏa mãn một trong 4 điều sau: Nước này là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD); Nước này là thành viên của nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20); Nước này được Ngân hàng Thế giới xếp vào nhóm có thu nhập cao; Nước này chiếm ít nhất 0,5% hoạt động thương mại toàn cầu.
Động thái này của Mỹ là một phần trong kế hoạch gia tăng áp lực lên Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump.
Hồi tháng 4/2018, ông Trump từng viết trên Twitter: "Trung Quốc, một siêu cường kinh tế, được coi là quốc gia đang phát triển tại Tổ chức Thương mại Thế giới. Vì vậy họ được hưởng rất nhiều đặc quyền và lợi thế, đặc biệt là với Mỹ. Có ai nghĩ điều này là công bằng không?".
Đại sứ Shea đang tìm kiếm sự đồng thuận trong kế hoạch cải tổ WTO từ Nhật Bản và Liên minh Châu Âu và sau đó sẽ giới thiệu kế hoạch này đến các thành viên khác.
Đáp lại, Trung Quốc cùng Ấn Độ, Nam Phi, Venezuela và các quốc gia tự nhận đang phát triển khác đã đưa ra một tuyên bố chung nhằm đẩy lùi các cải cách được đề xuất. Văn bản này cho rằng, quy tắc tự khai báo là tối ưu để hòa giải sự khác biệt lớn trong phát triển kinh tế.
Cũng trong ngày 28/2, đại diện Trung Quốc nói rằng, Mỹ đang tự cho mình quyền lựa chọn các tiêu chuẩn kinh tế.
Trong diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 11 năm ngoái ở Papua New Guinea, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu trước lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương và cho biết Trung Quốc vẫn là một nước đang phát triển.
Việc tước đi trạng thái "đang phát triển" của Trung Quốc cũng có thể tác động dây chuyền đến các thỏa thuận thương mại hiện có và các thỏa thuận trong tương lai.
Mỹ đã ngụ ý về việc sẵn sàng rút khỏi WTO nếu các cải cách không được thực hiện. Washington có thể đưa ra chủ đề này trong các cuộc họp với quan chức thương mại cấp cao của Tokyo và Brussels, để yêu cầu trình bày một đề xuất chung.