📞

Myanmar: Fast food không còn chỉ có trên tivi

06:00 | 10/05/2016
Myanmar đang mở cửa chào đón các thương hiệu đồ ăn nhanh (fast food), coffee, công ty thuốc lá, hãng may mặc lớn nhất trên thế giới.

Chỉ mới sau hai giờ chiều, tại một cửa hàng Pizza Hut mới mở trên đường phố Yangon, các nhân viên đã khá bận rộn phục vụ khách hàng. Ông Sein Min, một doanh nhân Myanmar đang thưởng thức pizza, spaghetti hải sản cùng với gia đình mình. Ông tin tưởng rằng, cửa hàng sẽ ngày càng đông khách bởi sự hấp dẫn của những sản phẩm mới lạ.

Ông Sein Min và gia đình tại một cửa hàng Pizza Hut tại thành phố Yangon. (Nguồn: South East Asia Global)

“Hiện tại, người dân đất nước chúng tôi muốn thưởng thức các loại đồ ăn sẵn nổi tiếng trên thế giới. Trong vòng 10 đến 20 năm qua, chúng tôi chỉ có thể nhìn chúng trên tivi mà không thể thưởng thức. Chắc chắn, Pizza Hut sẽ thành công tại thị trường Myanmar bởi người dân rất háo hức được thưởng thức”, ông chia sẻ.

Không chỉ Pizza Hut, nhiều cửa hàng ăn nhanh tại thành phố Yangon dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng 5 năm tới. Những cửa hàng này hy vọng rằng, trước tình hình kinh tế Myanmar đầy lạc quan ở phía trước, họ có làm ăn sinh lời và nhanh chóng lấy được lòng tin từ thực khách địa phương.

Các chuỗi cửa hàng ăn nhanh Hàn Quốc như Lotteria, BBQ Chicken xuất hiện ở Myanmar vào năm 2013. Hãng gà rán KFC mở cửa hàng tại đây hồi tháng 6 năm ngoái và trở thành chuỗi nhà hàng ăn nhanh đầu tiên của Mỹ tại Myanmar. Trong những tháng qua, hãng cà phê Gloria Jean của Australia cũng đã mở hai cửa hàng tại Yangon.

Ông Simon Arnold, Tổng Giám đốc của Pizza Hut Myanmar cho rằng, xét về nhân khẩu học, dân số Myanmar rất trẻ. Tuy không phải là một đất nước giàu có nhưng quốc gia Đông Nam Á này có tốc độ tăng trưởng tiềm năng. Myanmar là một trong số ít thị trường có đặc điểm tương tự như Cuba hay Iran, sở hữu nhiều tiềm năng phát triển nhưng chưa được khai thác.

Thanh niên Myanmar thưởng thức fast food tại Myanmar. (Nguồn: South East Asia Global)

Bên cạnh đồ ăn nhanh, thương hiệu đồ uống như Coca-Cola, Pepsi, hãng xe hơi Ford, Chevrolet hay các hãng thuốc lá của Mỹ, Anh cũng đã nhanh chân thiết lập văn phòng kinh doanh tại Myanmar. Nguồn nhân công giá rẻ ở nước này cũng thu hút một số hãng may mặc lớn trên thế giới mở chi nhánh.

Mặc dù tầng lớp trung lưu của Myanmar ngày càng tăng nhưng thu nhập GDP/đầu người của người dân còn tương đối thấp. Năm 2015, Chính phủ đưa ra mức lương tối thiểu là 2,9 USD/ngày. Vì vậy, các thương hiệu ăn nhanh cũng phải đưa ra chiến lược phù hợp với túi tiền của người dân. Ví dụ, bữa ăn gồm 2 miếng gà rán KFC có giá khoảng 4 USD hay một suất Pizza Hut có giá khoảng 8 USD.

Thêm nữa, khó khăn lớn nhất đối với những chuỗi cửa hàng ăn nhanh ở Myanmar là nhiều người dân nước này đã khá trung thành với khẩu vị địa phương. Ma Thet Su Wai (27 tuổi), chủ một doanh nghiệp ở Myanmar chia sẻ, phần lớn người dân nước này thích vị cay và chua. Bản thân cô không thích bánh mỳ mà thích ăn các món ăn từ gạo. Do vậy, các cửa hàng cần phải điều chỉnh thực đơn để phù hợp với khẩu vị của người dân địa phương như chế biến nhiều món ăn từ gạo và cho nhiều vị cay. 

Theo nghiên cứu của BMI Research, GDP/đầu người của Myanmar sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn từ 2014-2019. Nước này sẽ là nước có những cơ hội dài hạn để phát triển ngành dịch vụ ăn uống giống như Việt Nam 20 năm về trước.
(theo South East Asia Global)