📞

Myanmar nỗ lực giải quyết tồn đọng từ Chính phủ tiền nhiệm

22:30 | 27/04/2016
Đáp ứng mong mỏi của nông dân Myanmar, Chính phủ mới của nước này đang nỗ lực giải quyết đơn khiếu nại về thu hồi đất nông nghiệp.

Ngày 27/4, Uỷ ban Các vấn đề của Nông dân thuộc Thượng viện Myanmar cho biết, Quốc hội mới của nước này sẽ tiếp tục giải quyết hàng nghìn trường hợp bị thu hồi đất nông nghiệp còn tồn đọng từ Chính phủ tiền nhiệm.

Theo Ủy ban trên, trong nhiệm kỳ trước của Quốc hội, 12.000 trên tổng số 18.000 đơn khiếu nại đã được giải quyết. Như vậy, còn 6.000 trường hợp chưa được xử lý. Cơ quan này nêu rõ, kể từ khi chính phủ mới của Myanmar lên nắm quyền ngày 1/4, hàng chục đơn khiếu nại, đa phần từ khu vực Mandalay và bang Kayin, đã liên tục được gửi đến. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng cộng 81.000ha đất canh tác đã bị thu hồi trên toàn quốc.

Nông nghiệp tạo ra việc làm cho phần lớn người dân Myanmar và đóng góp 36% GDP. (Nguồn: Financial Express)

Được biết, các chính phủ tiền nhiệm đã thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ hoạt động kinh doanh của các công ty tư nhân, dự án kinh tế nhà nước và xây dựng khu công nghiệp.

Myanmar là đất nước rộng lớn, nhiều tài nguyên, nhưng nền kinh tế vẫn còn kém phát triển. Điều kiện sống của phần lớn người dân Myanmar tại vùng nông thôn hết sức khó khăn. Nhiều người trong số họ đang có mức sống ít hơn 1,25 USD/ngày. Với GDP bình quân đầu người vào khoảng 810 USD, Myanmar vẫn là một trong số những quốc gia nghèo nhất châu Á. Tình trạng đói nghèo của đại bộ phận dân chúng, sự lạc hậu của cơ sở hạ tầng và nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào ngành nông nghiệp kém phát triển là những gánh nặng đối với Chính phủ mới.

Tổ chức tư vấn McKinsey Global Institute từng đưa ra dự báo GDP của Myanmar sẽ tăng gấp 4 lần, từ mức 45 tỷ USD năm 2013 lên 200 tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, Chính phủ do Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) lãnh đạo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, trong đó việc xây dựng các thể chế để đảm bảo sự tham gia rộng rãi của người dân vào các quyết sách quốc gia là điều quan trọng nhất khi mà cho tới nay, vị thế của đảng NLD cầm quyền vẫn còn phụ thuộc nhiều vào uy tín cá nhân của nhà lãnh đạo San Suu Kyi.

(theo THX)