Tình hình Myanmar: Người dân xếp hàng dài, kẻ đứng người ngồi bên ngoài ngân hàng để rút tiền mặt ở Yangon, Myanmar, ngày 13/5/2021. (Nguồn: Reuters) |
Trong 10 năm qua, tăng trưởng kinh tế trung bình của Myanmar đã xuất sắc vượt qua 6%. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới (WB) hiện dự báo, tăng trưởng sẽ giảm 10% trong năm nay do cuộc chính biến. Đây là một cú co thắt lớn nhất ở châu Á, vốn đang còn quay cuồng do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Cú trượt dốc từ đỉnh cao
Từ một nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, đầu tư của Myanmar đang dần cạn kiệt, các dự án quốc tế tạm dừng và mọi hoạt động hiện tại bị đình trệ. Kết quả là, hàng triệu người đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và rơi vào cảnh nghèo đói.
Đồng Kyat đã giảm xuống mức thấp nhất so với USD trong một thập kỷ qua, trong khi lòng tin của công chúng "xuống dốc". Chính quyền quân sự cũng đã cố gắng thực hiện một số nỗ lực để khởi động lại nền kinh tế, bao gồm cả việc tác động tới giới chủ và tuyên bố rằng tình hình hiện tại có thể hoạt động kinh doanh bình thường.
Tuy nhiên, các động thái của chính quyền dường như không mang lại nhiều kết quả, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 cũng đang là một yếu tố làm trầm trọng thêm các vấn đề của nền kinh tế.
Kể từ sau cuộc chính biến, các nhà đầu tư nước ngoài đồng loạt đình chỉ các dự án trị giá hơn 6 tỷ USD (9,4 nghìn tỷ Kyat) trong bối cảnh lo ngại về các lệnh trừng phạt quốc tế, sự bất định của chính quyền, cũng như môi trường đầu tư bấp bênh.
Trong số các dự án quan trọng, dự án xây dựng trung tâm công nghiệp trị giá 1 tỷ USD được hỗ trợ bởi Amata Corporation - nhà phát triển bất động sản công nghiệp lớn nhất Thái Lan, đã bị đình chỉ do chủ đầu tư lo ngại các lệnh trừng phạt quốc tế có thể xảy ra.
Toyota - nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới, đã trì hoãn việc mở nhà máy sản xuất trị giá 52,6 triệu USD tại Đặc khu Kinh tế Thilawa ở ngoại ô Yangon với lý do lo ngại về sự bất ổn.
Tập đoàn Sembcorp của Singapore cũng đã tạm dừng kế hoạch phát triển một khu công nghiệp ở thị trấn Hlegu thuộc Yangon và quyết định đợi cho đến khi tình hình ổn định, đồng thời cho biết, công ty cũng còn cần xem xét phản ứng của các đối tác như thế nào.
Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Pháp EDF (Électricité de France) đã đình chỉ một dự án thủy điện trị giá hơn 1,5 tỷ USD ở bang Shan do lo ngại về nhân quyền.
Nền kinh tế Myanmar được dự báo có thể bị thu hẹp 10-20%, năm ngoái, tăng trưởng GDP của Myanmar đã giảm xuống 1,8% do Covid-19. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã dự báo về tiềm năng tăng trưởng trở lại 6% trong năm nay.
Nhưng đến giờ phút này, WB đã cho rằng, kinh tế Myanmar sẽ giảm 10% trong năm tài chính này. Trong khi đó, dự báo kinh tế nước này sẽ giảm tới 20% trong năm nay, đã được đưa ra trong một báo cáo của các nhà kinh tế ẩn danh.
Niềm tin bị đánh mất
Khủng hoảng ngân hàng châm ngòi cho tình trạng thiếu tiền mặt. Hệ thống ngân hàng của Myanmar đã bị tê liệt kể từ cuộc chính biến, gần ba tháng qua các chi nhánh đóng cửa trong tình trạng thiếu tiền mặt, các khoản thanh toán phúc lợi xã hội bị hạn chế tiếp cận và việc chuyển tiền quốc tế cho các gia đình gặp rất nhiều khó khăn.
Mọi hoạt động giao thương trên biển đã ngừng hoạt động do các ngân hàng không thể cấp các chứng từ cần thiết để xuất nhập khẩu hàng hóa. Các công ty đang gặp khó khăn trong việc trả lương, vì các ngân hàng không hoạt động.
Kể từ giữa tháng 2, các doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng thiếu tiền mặt. Ngay sau cuộc đảo chính, nhiều người đã đổ xô đến các cây ATM để rút tiền mặt khi tin đồn về sự sụp đổ của ngân hàng được lan truyền.
Để tránh việc rút tiền ồ ạt, Myanmar đã ra lệnh giới hạn rút tiền mặt cho cả cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đó đang tạo ra lo ngại rằng, các ngân hàng không có tiền mặt và sẽ sớm sụp đổ. Ngày nào cũng như ngày nào, một hàng dài người xếp hàng tại các máy ATM chỉ để rút một khoản tiền trong giới hạn từ 200.000 - 300.000 Kyats/ngày.
Nhiều người phải ra về tay trắng vì ATM chả mấy chốc hết tiền. Mỗi máy chỉ có thể cho phép từ 30 - 40 người rút tiền mặt/ngày. Hàng nghìn nhân viên khu vực tư nhân trên khắp cả nước đã không thể rút tiền lương tháng 4.
Hầu hết các ngân hàng tư nhân bắt đầu mở cửa trở lại vào cuối tháng 4, nhưng các khách hàng của họ chỉ đến liên hệ rút tiền mặt, gây ra nhiều vấn đề về dòng tiền. Các nhà quan sát tài chính ước tính, nếu tình trạng rút tiền mặt tiếp tục ở mức hiện tại, hệ thống ngân hàng có thể sụp đổ trong 2 tháng tới. Đến lúc Ngân hàng Trung ương Myanmar không thể cung cấp thanh khoản cần thiết cho các ngân hàng.
“Đây là cuộc khủng hoảng niềm tin”, một nhà phân tích giấu tên, nói với The Irrawaddy.
Đồng Kyat mất giá nghiêm trọng khi niềm tin và thương mại giảm, mất giá hơn 20% kể từ cuộc chính biến và ở mức thấp nhất so USD trong một thập kỷ. Xuất khẩu giảm khoảng 45% và nhập khẩu giảm 65%.
Đồng Kyat đang lao dốc khiến giá cả tăng cao, làm tổn thương người nghèo và gây ra tình trạng thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu, bao gồm cả chi phí nhiên liệu và thuốc men.
Các tổ chức công đoàn Myanmar ước tính, khoảng 600.000 công nhân đã mất việc làm kể từ cuộc chính biến. Ngành may mặc, nơi tạo ra từ 4-6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2020 và sử dụng 500.000 lao động đã trở nên tê liệt, sau khi các thương hiệu lớn quốc tế ngừng đơn đặt hàng và các nhà máy buộc phải đóng cửa.
Liên minh Công nhân Xây dựng cho biết, khoảng 300.000 đến 400.000 công việc xây dựng đã không còn nữa, sau khi tất cả các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở Yangon bị tạm dừng. Các công việc chuyên môn cũng đang bị mất dần. Hàng trăm nhân viên làm việc cho các công ty nước ngoài ở các thành phố lớn cũng thất nghiệp.
Tỉ lệ đói nghèo sẽ tăng gấp đôi
Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) cảnh báo tới 3,4 triệu công dân có thể bị đói trong năm nay, trong bối cảnh giá lương thực tăng và mất việc làm trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng và dịch vụ.
WFP ước tính, tình trạng mất an ninh lương thực đang tăng mạnh ở Myanmar cùng với giá lương thực và tình trạng thất nghiệp. Không chỉ có vậy, những ảnh hưởng chưa từng có về dịch bệnh Covid-19 cũng đang đẩy nhanh suy thoái kinh tế và khủng hoảng nhân đạo.
WFP cho biết, giá cả sẽ còn tăng tiếp do lĩnh vực ngân hàng gần như tê liệt, lượng kiều hối chậm lại và lượng tiền mặt eo hẹp.
UNDP ước tính, tác động của chính biến, kèm đại dịch Covid-19 có thể khiến gần một nửa dân số Myanmar rơi vào cảnh nghèo đói vào năm 2022. Cơ quan này cũng cho biết, sau một năm xảy ra cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19, cuộc chính biến ngày 1/2 đã làm tăng thêm các tác động kinh-tế xã hội. “Nếu tình hình trên vẫn tiếp diễn, tỷ lệ nghèo có thể tăng gấp đôi vào đầu năm 2022,” báo cáo của UNDP cho biết.
Theo WB, Myanmar có tổng dân số 54,5 triệu người, có nghĩa là hơn 27 triệu người có thể bị đói vào năm 2022. Cuộc khủng hoảng kép đã gây ra thiệt hại đáng kể về tiền lương và thu nhập, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và hạn chế khả năng tiếp cận thực phẩm, các dịch vụ cơ bản và bảo trợ xã hội cho người dân.
Vào cuối năm 2020, 83% hộ gia đình Myanmar cho biết, thu nhập của họ trung bình đã giảm gần một nửa do đại dịch Covid-19. Do đó, số người sống dưới mức nghèo khổ ước tính đã tăng 11 điểm phần trăm, theo UNDP. Theo báo cáo mới nhất của UNDP, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn sau cuộc chính biến, với những dự đoán cho thấy, tỷ lệ nghèo đói sẽ tăng thêm 12 điểm phần trăm.