Người biểu tình Myanmar tại một con phố ở thủ đô Yangon. (Nguồn: Getty Images) |
Theo lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, nền dân chủ tại quốc gia Đông Nam Á này phải được thiết lập lại, các nhà lãnh đạo đang bị giam giữ phải được thả ngay và các vụ việc vi phạm nhân quyền, giết chóc phải chấm dứt ngay lập tức.
Người đứng đầu LHQ cho rằng, thế giới không thể coi các chính biến quân sự là bình thường. Điều đó là không thể chấp nhận được.
Myanmar đã chìm trong khủng hoảng kể từ khi quân đội lật đổ chính quyền của bà Aung San Suu Kyi với lý do kết quả bầu cử hồi tháng 11/2020 là gian dối. Tuy nhiên giới quan sát quốc tế đều lên tiếng việc bầu cử đã diễn ra công bằng. Theo số liệu của tổ chức phi lợi nhuận Hiệp hội Hỗ trợ Các tù nhân Chính trị, Quân đội Myanmar đã khiến hơn 860 người thiệt mạng kể từ khi cuộc chính biến xảy ra vào ngày 1/2. Tuy nhiên, phía quân đội nước này đưa ra con số thương vong thấp hơn nhiều.
Trước đó, theo nguồn tin ngoại giao, Đại hội đồng LHQ dự kiến thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng vận chuyển vũ khí tới Myanmar vào ngày 18/6, đồng thời kêu gọi quân đội nước này hãy tôn trọng kết quả bầu cử. Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ không mang tính ràng buộc như nghị quyết của Hội đồng Bảo an, nhưng có ý nghĩa chính trị.
Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ngày 17/6 đã kêu gọi ngừng vận chuyển vũ khí tới Myanmar và kêu gọi quân đội nước này tôn trọng kết quả bầu cử hồi tháng 11/2020, đồng thời thả ngay các nhà lãnh đạo hiện đang bị giam giữ, trong đó có bà Aung San Suu Kyi.
Nguồn tin ngoại giao cho hay các nước phương Tây đã thúc giục Đại hội đồng, gồm 193 nước thành viên LHQ, cân nhắc thông qua một dự thảo nghị quyết về vấn đề Myanmar, nhưng đã phải tạm hoãn lại vào phút chót.
Hiện chưa rõ có quốc gia thành viên LHQ nào sẽ kêu gọi bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị quyết này hay Đại hội đồng sẽ tiến hành thông qua bằng phương pháp đồng thuận. Cũng theo nguồn tin ngoại giao, dự thảo nghị quyết đã đạt được sự ủng hộ cần thiết để được thông qua nếu tiến hành bỏ phiếu.
Bản dự thảo nghị quyết ban đầu sử dụng ngôn từ mạnh mẽ hơn, kêu gọi cấm vận vũ khí đối với Myanmar nhưng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đề nghị không sử dụng ngôn từ như vậy mà chỉ nêu “các nước thành viên LHQ kêu gọi ngăn ngừa vận chuyển vũ khí vào Myanmar".
Myanmar đã chìm trong bạo loạn kể từ khi quân đội tiến hành lật đổ chính quyền của bà Aung San Suu Kyi. Đại sứ Kyaw Moe Tun - Trưởng phái đoàn thường trực của Myanmar tại LHQ kêu gọi các nước thành viên LHQ không ủng hộ quân đội nước này dù trực tiếp hay gián tiếp, dù vô tình hay hữu ý.