Sau cuộc điện đàm với những người đồng cấp Canada và Mexico hôm 26/4, ông Trump đã tuyên bố rằng hiệp định NAFTA sẽ được đàm phán lại. Tuy nhiên, ông vẫn để ngỏ khả năng rút khỏi hiệp định nếu các cuộc đàm phán thất bại. Phát biểu từ Phòng Bầu dục sáng 27/4, ông Trump nói: “Chúng tôi sẽ cố gắng đàm phán lại... Nếu tôi không thể đem lại một thỏa thuận công bằng cho nước Mỹ, cũng có nghĩa là cho các công nhân và các công ty của chúng ta, tôi sẽ chấm dứt hiệp định NAFTA”.
Mâu thuẫn láng giềng
Canada và Mexico tuy đã “tạm thời thở phào” sau khi Tổng thống Donald Trump rút lại lời đe dọa sẽ chấm dứt NAFTA hôm 27/4 nhưng sự thay đổi quan điểm nhanh chóng của ông Trump đã khiến hai đối tác thương mại gần gũi nhất của Washington trở nên “lao đao”, trong lúc họ chuẩn bị đưa ra các thay đổi đối với một trong các khối thương mại lớn nhất thế giới.
Ông Trump đã ký thông qua việc rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngày 23/1/2017. |
Nhà tỷ phú Mỹ đã đe dọa hủy bỏ hiệp định NAFTA trong chiến dịch tranh cử tổng thống và kể từ đó luôn khiến các đối tác phải phỏng đoán về ý định của ông.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump thường xuyên tấn công NAFTA, gọi đó là "thảm hoạ" và nói rằng trong hiệp định này, công nhân Mỹ ở thế bất lợi, đặc biệt khi các công ty Mỹ di chuyển các hoạt động sang Mexico do giá nhân công rẻ hơn.
Mặc dù trước đó, hầu hết lời chỉ trích được cho là nhằm trực tiếp vào Mexico nhưng trong tuần qua, ông Trump bất ngờ chuyển sang lên án Ottawa về ngành gỗ xẻ và các sản phẩm từ sữa.
Ngoại trưởng Mexico Luis Videgaray cảnh báo việc chấm dứt hiệp định NAFTA là “khả năng có thực”. Phát biểu với đài Formula của Mexcio, ông nói: “Chúng tôi xác nhận khả năng đó đang được xem xét”.
Ở hậu trường, các chính khách, nhà ngoại giao và các nhóm doanh nghiệp đã gây sức ép để buộc Washington không hủy bỏ hiệp định vốn giúp lập ra một trong các khối thương mại lớn nhất thế giới.
Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cho biết, ông Trump để ngỏ khả năng đàm phán lại và ông cũng nghiêm túc về khả năng rút khỏi thỏa thuận thương mại đó. Ông Spicer nói: “Tổng thống đã nói rõ rằng nếu các bên không thể thỏa thuận về một hiệp định công bằng cho các công nhân và công ty Mỹ, ông Trump sẽ tiến tới hủy bỏ hiệp định này”.
Theo AFP, mỗi phút, hơn một triệu USD hàng hóa được lưu chuyển qua biên giới Canada - Mỹ. Có lẽ vì vậy, các nhà sản xuất ngũ cốc Mỹ nói rằng họ cảm thấy “sốc và lo ngại” về số phận của hiệp định NAFTA. Maude Barlow - người đứng đầu viện nghiên cứu mang tên Hội đồng của người Canada theo quan điểm cánh tả - nhấn mạnh rằng “Canada cũng có mối bất bình riêng” với nước láng giềng Mỹ và giờ đã đến lúc ông Trudeau đứng lên vì lợi ích của Canada.
Sẵn sàng cho đàm phán
Nhà Trắng cho biết, ba nhà lãnh đạo "đã đồng ý sẽ khẩn trương tiến hành, theo các thủ tục nội bộ, để thương lượng lại thỏa thuận NAFTA vì lợi ích của cả ba nước”.
Một tuyên bố của chính phủ Mexico đã xác nhận cuộc điện thoại giữa ông Trump và ông Peña Nieto và các nhà lãnh đạo đã đồng ý việc tiến hành các công tác đàm phán. Về phía Canada, Phát Ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết, Canada đã "sẵn sàng đàm phán bất cứ lúc nào".
Về thời điểm, ông Trump cho biết: “Nó sẽ sớm được bắt đầu”.
Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, các cuộc đàm phán chính thức về NAFTA sẽ không được khởi động cho đến tháng 8/2017. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) trước tiên phải gửi thông báo tới Quốc hội để bắt đầu quá trình 90 ngày tham vấn trước thềm bất kỳ cuộc đàm phán nào. Nữ phát ngôn USTR cho biết, thông báo này sẽ không được gửi đi cho đến khi Thượng viện phê chuẩn đề cử của ông Trump cho vị trí đại diện thương mại Mỹ là ông Robert Lighthizer.
NAFTA là nội dung cố định trong quan hệ của Mỹ với hai nước láng giềng kể từ khi hiệp định này có hiệu lực từ ngày 1/1/1994 dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton. Thỏa thuận này xóa bỏ hàng rào thuế quan và cho phép hàng hóa được lưu chuyển tự do giữa Mỹ, Canada và Mexico. Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã nhiều lần khẳng định ông để ngỏ khả năng đàm phán lại về hiệp định, trong khi nhắc nhở các nhà lập pháp ở Washington rằng hơn một nửa các bang của Mỹ dựa vào thương mại tự do với Canada, đặc biệt trong ngành ôtô và nông nghiệp.
Khi điện đàm với ông Trump, ông Trudeau nói: “Tôi đã nhấn mạnh rằng, cho dù một thỏa thuận tốt hơn được đưa ra hay không, đã có một loạt các công việc và các ngành công nghiệp hiện nay được phát triển nhờ NAFTA. Việc hủy bỏ NAFTA sẽ gây ra các bất ổn ngắn hạn và trung hạn cho một loạt các hộ gia đình”.
Các nhóm doanh nghiệp Canada đã lên tiếng sau khi Chính quyền Trump đầu tuần qua đã áp đặt thuế với một số mặt hàng gỗ nhập khẩu từ Canada và đe dọa trả đũa hành động định giá của Canada nhằm hạn chế tiếp cận thị trường sữa của họ (hiện tại, hai ngành gỗ và sữa không được quy định trong hiệp định NAFTA). Giới phân tích cho rằng, việc đàm phán lại về NAFTA là phương án “đỡ tệ hại hơn” đối với ông Trump.
Theo báo cáo nghiên cứu của nhà phân tích Angelo Katsoras thuộc Ngân hàng NBC (Canada), thông tin ông Trump đang xem xét ra sắc lệnh đưa Mỹ rút khỏi NAFTA “đã khiến các thị trường rung chuyển”. Ông cho rằng, động thái đó sẽ “kích động phản ứng trong Quốc hội, có nguy cơ cản trở các hoạt động của các công ty có chuỗi cung cấp rộng khắp bán cầu, tổn hại đến nền kinh tế và gây ra làn sóng kiện tụng lẫn nhau”.
Thông tin về khả năng Mỹ sẽ rút khỏi NAFTA đã làm chao đảo các thị trường tài chính hôm 26/4. Các thị trường đã tương đối yên ổn trở lại trong ngày 27/4 sau tuyên bố của ông Trump và đồng Peso của Mexico đã tăng 0,86% so với đồng USD trong khi đồng dollar Canada giữ nguyên so với đồng bạc xanh.