📞

Năm 2018, liệu "con tàu Brexit" có trật bánh?

16:35 | 22/01/2018
Năm 2017 đã chứng kiến các cuộc đàm phán vô cùng khó khăn của kế hoạch nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit và điều mà dư luận quan tâm là liệu trong năm 2018, Brexit có diễn ra êm thấm hay không.

Có nhiều ý kiến băn khoăn rằng liệu trong năm 2018, Anh có thay đổi ý định rời EU hay không? Một luồng ý kiến khẳng định việc ngừng tiến trình Brexit là không thể trong khi một luồng ý kiến khác nhận định trong thời kỳ cách mạng, những sự kiện có thể biến từ không thể thành điều chắc chắn sẽ xảy ra và Brexit là một sự kiện như vậy.

Kịch bản xấu nhất của Brexit

Mọi kết quả vẫn còn ở phía trước, kể cả “cơn ác mộng” đối với tất cả các bên là vào tháng 3/2019, Anh rời Liên minh châu Âu (EU), rời liên minh thuế quan và khối thị trường chung mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào, hoặc với một thỏa thuận thay đổi đáng kể những gì đang diễn ra.

Đức, nền kinh tế hàng đầu châu Âu, trong suốt nhiều thập kỷ qua đã duy trì mối quan hệ vô cùng chặt chẽ với nền kinh tế lớn thứ hai châu lục là Anh. Việc mối quan hệ này chấm dứt là điều không thể tưởng tượng được. Tuy nhiên, điều ai cũng biết là sẽ có những thách thức chờ đón giới doanh nghiệp Đức, các nhà kinh tế, các liên đoàn thương mại và các đại diện ngành công nghiệp ở phía trước.

Hầu hết các phân tích về tác động của một Brexit “cứng” đối với Đức đều chỉ ra rằng ngành sản xuất ôtô sẽ chịu thiệt hại đầu tiên. (Nguồn: DW)

Hầu hết các phân tích về tác động của một Brexit “cứng” đối với Đức đều chỉ ra rằng ngành sản xuất ôtô - một mặt hàng thế mạnh của Đức, chiếm tới 11% ngành xuất khẩu trong năm 2016 với tổng giá trị lên tới 126 tỷ Euro (tương đương 150 tỷ USD) - sẽ chịu thiệt hại đầu tiên. 15% số ôtô mà Đức xuất khẩu là tới Anh. Điều này khiến lĩnh vực xuất khẩu ôtô đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quan hệ thương mại hai chiều này.

Ngành công nghiệp ôtô trong EU phụ thuộc nhiều vào dòng chảy hàng hóa tự do. Giới chuyên môn đặc biệt nhấn mạnh tới những vấn đề có thể nảy sinh tại cửa khẩu Dover-Calais (tuyến đường giữa Anh và Pháp) trong trường hợp Anh rời EU mà không đạt thỏa thuận thương mại toàn diện. Một trong số đó là khả năng nếu mỗi xe tải vận chuyển hàng hóa qua đây mất trung bình 3 phút cho các thủ tục hải quan ở mỗi bên Kênh đào Anh, hàng dài các xe xếp hàng chờ đợi và tắc nghẽn sẽ kéo tới tận 17km. Đối với các doanh nghiệp sản xuất tại Đức, các quy định, tiêu chuẩn về chất lượng và kho vận là những vấn đề đáng lo ngại nhất.

Ông Christoph M. Schmidt - Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia Kinh tế Đức (RWI), hội đồng đặc biệt chuyên cố vấn chính phủ liên bang về các chính sách kinh tế - cho rằng: “Chính bản thân Anh sẽ chịu những tác động tiêu cực nhất, song những gì Đức phải gánh cũng không hề nhỏ”. Ông đặc biệt lo ngại về những ảnh hưởng trong dài hạn, nhất là bởi một “Brexit cứng” có thể sẽ càng gây chia rẽ trong tầng lớp lao động. Tư cách thành viên EU đã giúp các nước châu Âu cùng đón nhận và chia sẻ những lợi ích đáng kể từ dòng chảy lao động tự do và đa dạng.

Điều gì sẽ diễn ra hậu Brexit?

Một vấn đề đang làm nóng tiến trình đàm phán Brexit là quan hệ của Anh với phần còn lại của thế giới thời hậu Brexit. Cho dù Thủ tướng Anh Theresa May có đạt được một thỏa thuận để duy trì phần lớn nguyên trạng sau khi Anh rời khỏi EU năm 2019, nhưng việc “tái tạo” một loạt các hiệp định định hình quan hệ của Anh với hàng chục nước khác vẫn là điều khó khăn.

Khi Anh chính thức rời khỏi EU vào tháng 3/2019, nước này có nguy cơ mất đi hàng trăm hiệp định có lợi cho Anh. (Nguồn: Reuters)

Thỏa thuận chuyến tiếp mà Anh đang tìm cách đàm phán vào đầu năm 2018 sẽ chỉ bao gồm các quan hệ của Anh với khối EU chứ không gồm các hiệp định mà EU ký kết với phần còn lại của thế giới. Kết quả là khi Anh chính thức rời khỏi EU vào tháng 3/2019, nước này có nguy cơ mất đi hàng trăm hiệp định có lợi cho Anh, bao gồm mọi lĩnh vực từ hợp tác hạt nhân và thương mại tự do tới quyền hàng không. Cách các hiệp định này - bao gồm 168 quốc gia không thuộc EU - được kéo dài, thiết lập lại hay thay thế hậu Brexit sẽ là cuộc “vật lộn lớn” ở EU trong các tháng tới.

Khi Anh gia nhập EU, nước này đã từ bỏ các quyền tự quyết để tham gia các thỏa thuận quốc tế, cụ thể nhất là trong lĩnh vực thương mại, nơi EU điều hành chính sách thương mại chung. Là một khối thị trường chung, EU đã ký kết hơn 50 hiệp định thương mại tự do. Mặc dù có nhiều hiệp định nếu không còn hiệu lực sẽ không gây nhiều sự chú ý, nhưng có một số hiệp định sẽ rất quan trọng đối với các lĩnh vực đặc biệt trong nền kinh tế, và một số mang tính sống còn cho các lợi ích cốt lõi của quốc gia. Theo tờ Financial Times, khoảng 750 hiệp định liên quan trực tiếp tới Anh và khoảng 200 - 400 hiệp định sẽ có tác động thực sự nếu Anh không thể thay thế chúng hậu Brexit.

Bối cảnh pháp lý hiện rất phức tạp và việc kéo dài như vậy không hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của EU hay Anh. Một số hiệp định được vạch ra một cách đủ bao quát để áp dụng trong thời gian chuyển tiếp nhưng một số khác bao gồm các điều khoản địa lý rõ ràng, điều đồng nghĩa rằng Anh sẽ nằm ngoài phạm vi áp dụng.

Trên thực tế, các nhà đàm phán Brexit dự đoán rằng Anh sẽ bị loại khỏi các thỏa thuận đó trừ phi các nước thứ ba - gồm hơn 100 nước - đồng ý và thông qua các thay đổi cần thiết trong các quy định trong nước. Điều đó đồng nghĩa rằng các quan chức Anh có khoảng 14 tháng để thay thế các hiệp định đó trước ngày ra đi nếu họ muốn duy trì các điều khoản hiện nay được áp dụng cho các công ty Anh trên toàn thế giới.

Mặc dù EU có thể giúp đỡ hay gây trở ngại cho các cuộc đàm phán của Anh với các nước thứ ba, nhưng hiện không có các thỏa thuận pháp lý nào giữa Anh và EU để rút ngắn các thủ tục ngoại giao. Trong giai đoạn chuyển tiếp, Anh có thể sẽ phải duy trì các quy định của EU khi đàm phán về các thỏa thuận thương mại với các nước thứ ba.

Brexit khó có thể đảo ngược?

Có nhiều ý kiến băn khoăn rằng liệu trong năm 2018, Anh có thay đổi ý định rời EU hay không? Một luồng ý kiến khẳng định việc ngừng tiến trình Brexit là không thể trong khi một luồng ý kiến khác nhận định trong thời kỳ cách mạng, những sự kiện có thể biến từ không thể thành điều chắc chắn sẽ xảy ra và Brexit là một sự kiện như vậy.

Theo các nhà phân tích, để ngăn chặn Brexit trong năm nay, cần phải có 4 sự thay đổi tương đối trong cách hành động. Ý kiến công chúng phải thay đổi để chống lại quyết định Brexit. Các chính trị gia từng “ghét” Brexit phải công khai lên tiếng. Sự phản đối với lập luận chặt chẽ trước các chính sách của chính phủ phải được công nhận như một dấu hiệu của nền dân chủ. Và cảm nhận Brexit là điều không thể tránh khỏi phải được xua tan.

Những yêu cầu này phụ thuộc lẫn nhau. Các chính trị gia sẽ chỉ lên tiếng nếu họ cảm thấy ý kiến công chúng thay đổi. Nhưng công chúng sẽ chỉ đổi ý khi có sự lãnh đạo chính trị đáng tin cậy. Dư luận lo ngại các chính khách sẽ im lặng nếu tất cả các ý kiến đối lập được quy là phản dân chủ.

Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Jean Claude Juncker trong buổi họp báo chung về thỏa thuận Brexit ngày 8/12. (Nguồn: Getty Images)

Quan niệm cho rằng Brexit là không thể tránh khỏi có thể biến mất bởi những thay đổi gần đây trong đời sống chính trị nội bộ của cả chính phủ của đảng Bảo thủ lẫn Công đảng đối lập. Công đảng đã bắt đầu nhận ra rằng chỉ có thể trở lại nắm quyền bằng cách phản đối Brexit. Những phân tích chi tiết về các kết quả cuộc bầu cử năm 2017 cho thấy những chiến thắng của Công đảng phần lớn là nhờ vào các cử tri trẻ, những người hy vọng vào sự trật bánh của con tàu Brexit. Nếu không có những cử tri chống Brexit này, Thủ tướng Theresa May có thể đã giành chiến thắng áp đảo như nhiều người dự báo.

Vào tháng 12/2017, bà May đã thất bại trong trận chiến Brexit quan trọng đầu tiên của mình, khi các nghị sĩ Công đảng liên minh với 12 thành viên trong đảng Bảo thủ thông qua một điều khoản sửa đổi yêu cầu có một Đạo luật riêng của Quốc hội để thông qua bất cứ thỏa thuận nào được đàm phán với EU. Điều này có nghĩa là bất cứ kế hoạch Brexit nào gây ra sự phản đối mạnh mẽ, hoặc từ những người theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn hoặc từ những nghị sĩ đảng Bảo thủ có tư tưởng thân châu Âu, cũng có thể được sử dụng để kích hoạt một cuộc trưng cầu ý dân mới.

Ông David Davis, trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh, từng nói rằng "nếu một nền dân chủ không thể thay đổi ý kiến thì nó không còn là một nền dân chủ nữa”. Nước Anh vẫn là một nền dân chủ và nó vẫn có thể thay đổi ý kiến về Brexit, giới quan sát nhận định.

(theo TTXVN)