CEBR dự báo, kinh tế thế giới sẽ vượt mốc 100.000 tỷ USD lần đầu tiên vào năm 2022, sớm hơn hai năm so với dự báo trước đó. (Nguồn: Viện Brookings) |
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ tăng lên nhờ sự phục hồi kinh tế sau đại dịch tiếp tục được duy trì. Hồi năm 2020, CEBR đã dự báo kinh tế thế giới sẽ đạt mốc này vào năm 2024.
Theo các nhà phân tích, bất chấp sự xuất hiện của biến thể Omicron vào cuối tháng 11/2021, các biện pháp phòng chống dịch bệnh sẽ không quá chặt chẽ so với trước đây, do khả năng miễn dịch trong cộng đồng đã được cải thiện. Trong khi đó, khả năng thích ứng với đại dịch của nền kinh tế cũng đồng nghĩa với việc các biện pháp hạn chế được áp đặt trở lại sẽ gây ít thiệt hại hơn.
Dù vậy, các nhà nghiên cứu của CEBR cho rằng nếu tình trạng lạm phát vẫn tiếp diễn, các nhà hoạch định chính sách có thể gặp khó khăn trong việc tránh để nền kinh tế quay trở lại suy thoái.
Douglas McWilliams, Phó Chủ tịch CEBR, nhận định rằng vấn đề quan trọng là cách các nền kinh tế thế giới đối phó với lạm phát. Nếu các vấn đề ảnh hưởng đến nền kinh tế không được kiểm soát, thế giới có thể sẽ phải gồng mình chống chọi với suy thoái vào năm 2023 hoặc 2024.
Dự báo của CEBR cũng tương tự với ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF); tổ chức tài chính quốc tế này dự đoán GDP toàn cầu sẽ vượt mức 100.000 tỷ USD vào năm 2022.
Theo báo cáo, Trung Quốc đang trên đà chiếm vị trí của Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030. Ấn Độ được dự báo sẽ vượt Pháp vào năm 2022 trong khi Anh sẽ giành lại vị trí là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới vào năm 2023.
Báo cáo cũng dự báo Đức có thể vượt Nhật Bản về sản lượng công nghiệp vào năm 2033, trong khi Nga sẽ lọt vào nhóm 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2036.