📞

Năm 2022: Việt Nam 'tiếp bước' nỗ lực thúc đẩy, bảo vệ quyền con người

Vy Anh 16:27 | 25/01/2022
Năm 2022 là một năm quan trọng khi Việt Nam hướng tới việc ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu, nỗ lực bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, 'không để ai bị bỏ lại phía sau'.
Những năm qua, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người. (Nguồn: vtv.vn)

Những năm qua, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người, phải kể đến như giải quyết các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục, đem lại cơ hội phát triển cho mọi người dân, phấn đấu không để ai bị bỏ lại phía sau…

Trong đó, bình đẳng giới ở Việt Nam có nhiều tiến bộ; phụ nữ được bình đẳng trong chính trị, được tăng cường tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo các tổ chức chính trị, cơ quan hành chính sự nghiệp...

Đặc biệt, Việt Nam đã có những thành công rất lớn trong phòng chống Covid-19. Đây vừa là nghĩa vụ quốc tế vừa là vận hội để nước ta khẳng định uy tín, vị thế và quảng bá với thế giới về một Việt Nam luôn đặt người dân ở vị trí trung tâm của phát triển.

Việt Nam có sự ủng hộ nhiệt tình của bạn bè, đối tác quốc tế. Trong năm Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020, Việt Nam cũng đã đảm nhiệm thành công vị trí Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) với đóng góp hết sức thiết thực. Việt Nam đã cùng ASEAN tiến những bước dài trên cả 3 trụ cột Cộng đồng Chính trị -​ An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, với tinh thần “gắn kết” và “chủ động thích ứng”.

Những tiến bộ và đóng góp quốc tế của Việt Nam đã được các nước ASEAN ghi nhận, đề cử Việt Nam đại diện ứng cử thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.

Đóng góp vào nỗ lực chung của thế giới

Việt Nam ứng cử làm thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 với mong muốn đóng góp hiệu quả hơn nữa vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Việt Nam đã từng đảm nhiệm thành công vai trò thành viên của HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2014-2016. Tại Ðại hội đồng LHQ khóa 68 ngày 12/11/2013, với 184/192 phiếu, Việt Nam đã dẫn đầu trong số 14 nước thành viên được lựa chọn. Sau 3 năm nghiêm túc thực hiện, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò thành viên Hội đồng và được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Nhiều lãnh đạo các nước thời điểm đó ca ngợi tinh thần trách nhiệm, năng động của Việt Nam.

Việt Nam đã đóng góp nhiều giá trị vào sự tiến bộ của nhân loại trong bảo đảm quyền con người. Nhiệm kỳ thành viên HĐNQ 2014-2016 có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Gần 10 năm sau nhiệm kỳ đầu tiên tại HĐNQ, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trên mọi mặt đời sống xã hội và việc tham gia ứng cử HĐNQ LHQ thể hiện quyết tâm, sự chủ động, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy quyền con người ở khu vực và trên thế giới theo đúng tinh thần Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XIII và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến về quyền con người, được thế giới ghi nhận, trong đó đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện mọi mặt.

Tại phiên khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII ngày 26/1/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, sau 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới toàn Đảng, toàn dân đã đạt được những thành tựu quan trọng, trong đó tự hào nêu rõ “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Việt Nam đã ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. (Nguồn: TTXVN)

"Không để ai bị bỏ lại phía sau"

Trong năm 2022, năm bước đệm quan trọng cho nỗ lực ứng cử làm thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được và khai thác những lĩnh vực mới về đảm bảo bình đằng, công bằng, tăng cường giáo dục, tạo việc làm… vì sự phát triển lấy người dân làm trung tâm, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong đó đặc biệt chú trọng các giải pháp:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phù hợp với chuẩn mực quốc tế về quyền con người. Thúc đẩy cải thiện về lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm tôn trọng và thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Hai là, tăng cường các biện pháp, chính sách, nguồn lực nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền con người trên tất cả các mặt dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội theo đúng mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang đe dọa đến an ninh, an toàn của con người, ưu tiên cao nhất vẫn là bảo đảm quyền sống, quyền chăm sóc sức khỏe, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội cho nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương, chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch. Khi đại dịch Covid-19 được đẩy lùi, Việt Nam sẽ nỗ lực tái thiết nền kinh tế, vực lại đời sống người dân, trong đó chú trọng kế thừa, áp dụng các bài học kinh nghiệm, chính sách kinh tế vĩ mô hiệu quả từ các nước…

Ba là, Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các khuyến nghị cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của HĐNQ LHQ chu kỳ III mà Việt Nam chấp thuận; các cam kết và nghĩa vụ theo các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các cơ chế của HĐNQ LHQ.

Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy tiến bộ quyền con người. ASEAN đã tiến cử Việt Nam vào vị trí thành viên HĐNQ LHQ, do vậy, cần thường xuyên tiến hành các cuộc tham vấn với các nước, các cơ quan chuyên trách của Cộng đồng, bảo đảm lợi ích của toàn khối vừa tìm tiếng nói chung trong nhiều vấn đề quyền con người.

Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong và ngoài nước, nâng cao nhận thức người dân, các cấp chính quyền về đảm bảo quyền con người. Hệ thống thường trực về nhân quyền từ Trung ương đến địa phương cần đẩy mạnh công tác bảo vệ, bảo đảm quyền con người, đẩy mạnh tuyên truyền về quyền con người, nâng cao nhận thức cho cán bộ trực tiếp làm công tác nhân quyền cũng như người dân tự hiểu và bảo vệ các quyền của mình.

Đẩy mạnh giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân. Thực hiện tốt cơ chế cung cấp thông tin đối với các vụ việc nóng có liên quan đến vấn đề dân chủ, nhân quyền để người dân hiểu rõ bản chất vụ việc, không để các thế lực thù địch lợi dụng để khoét sâu tạo mâu thuẫn; đồng thời tạo điều kiện để người dân có quyền tham gia ngày càng sâu sắc vào đời sống chính trị của đất nước; phát huy quyền làm chủ, vai trò giám sát của người dân thông qua “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác thông tin đối ngoại, để thế giới nhận thức đầy đủ về các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người tại Việt Nam.