Lễ công bố "Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”. (Ảnh: A.L) |
Ngày 23/2, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Thế giới (WB) đã phối hợp tổ chức lễ công bố “Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” (gọi tắt là Báo cáo Việt Nam 2035).
Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng “Báo cáo Việt Nam 2035”, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, địa phương; đại diện các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế cùng đông đảo các chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp…
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra những vấn đề quan trọng, vừa có tính thời sự vừa có tính chiến lược đối với tương lai phát triển của Việt Nam như: Năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, hệ thống sáng tạo, môi trường sinh thái, an sinh xã hội, phân cách giàu nghèo, nông nghiệp-nông thôn, đô thị hóa, quản lý-quản trị… đã được các chuyên gia của WB và của Việt Nam cùng nghiên cứu, trao đổi, từ đó đưa ra đánh giá, phân tích, khuyến nghị có tính khoa học, khách quan.
Bản báo cáo cùng những tài liệu chuyên đề trong quá trình xây dựng Báo cáo là tài liệu tham khảo quan trọng cho nghiên cứu hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Nhiều nội dung đã được tham khảo phục vụ việc xây dựng các văn kiện của Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, những khuyến nghị trong Báo cáo sẽ được Chính phủ Việt Nam tham khảo trong quá trình hoạch định chính sách, trước hết là trong xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020) và nghiên cứu Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2020-2030.
“Chúng tôi cũng sẽ triển khai cơ chế theo dõi, đánh giá kết quả tham khảo, vận dụng những khuyến nghị của Báo cáo đồng thời tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, cập nhật những vấn đề quan trọng đối với quá trình phát triển”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim nhận định, Việt Nam là một tấm gương thành công về phát triển từ một trong những nước nghèo nhất. Trong 30 năm qua, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức gần 7% và đã áp dụng các chương trình mục tiêu giúp hàng chục triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo.
“Báo cáo Việt Nam 2035 đã thể hiện rõ nét mong muốn của lãnh đạo Việt Nam đưa đất nước trở thành một quốc gia hiện đại, công nghiệp hóa sau một thế hệ”, ông Jim Yong Kim nhấn mạnh.
Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ. |
“Báo cáo Việt Nam 2035” đề ra những biện pháp cải cách chủ yếu nhằm giúp Việt Nam – một nước thu nhập trung bình thấp phát triển kinh tế, nâng cao công bằng xã hội và xây dựng được một nền quản trị hiện đại trong vòng hai thập kỷ tới.
Để đạt được mục tiêu tham vọng là trở thành nước thu nhập trung bình cao, Báo cáo cho rằng, Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng tối thiểu 7%/năm để nâng mức thu nhập trung bình lên trên 7.000 USD vào năm 2035.
Báo cáo tập trung vào ba trụ cột: Nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy công bằng và hòa nhập xã hội và nâng cao hiệu quả khu vực công.
Về nâng cao năng suất lao động, Báo cáo đề xuất nhiều biện pháp tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế và khu vực tài chính. Trong đó, tập trung vào nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ quyền sở hữu tài sản và thực thi chính sách cạnh tranh. Báo cáo gợi ý cần các chính sách và đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng các ngành công nghiệp có liên quan đến các chuỗi cung ứng toàn cầu, sử dụng khôn ngoan hơn các hiệp định thương mại tự do (FTA). Báo cáo cũng đề xuất cải tiến ngành nông nghiệp - khu vực chiếm gần một nửa lực lượng lao động của cả nước - tăng cường bảo vệ môi trường và tăng cường quy hoạch phát triển sản xuất năng lượng sạch.
Về thúc đẩy công bằng và hòa nhập xã hội, Báo cáo kêu gọi Việt Nam tạo nhiều cơ hội hơn cho các nhóm dân tộc thiểu số, người tàn tật và phụ nữ. Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong chương trình hòa nhập xã hội nhưng các nhóm dân tộc thiểu số vẫn còn nghèo – nhóm này chỉ chiếm 15% dân số nhưng chiếm tới 50% số nười nghèo. Để đạt được những mục tiêu đề ra, Việt Nam cần có một nền quản trị tốt, các thể chế hiện đại và một xã hội thượng tôn pháp luật.
Báo cáo cũng đề xuất cải thiện quản trị nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch để đảm bảo Việt Nam có hệ thống thể chế mạnh nhằm bắt kịp sự phát triển của đất nước. Báo cáo khuyến nghị, Việt Nam cần có hệ thống chính quyền thống nhất hơn với quy định về chức năng kinh tế của Nhà nước rõ ràng hơn, giảm vai trò trực tiếp tham gia và hoạt động sản xuất và quy định rõ ranh giới giữa khu vực công và khu vực tư, tuyển dụng và bổ nhiệm dựa trên năng lực. Bên cạnh đó, cần tăng cường trách nhiệm giải trình của Nhà nước dựa trên chức năng kiểm soát giữa ba nhánh quyền lực và tạo cơ hội cho người dân góp ý về việc cung cấp dịch vụ công của Chính phủ.
Tháng 7/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim đã đưa ra sáng kiến xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tập hợp các chuyên gia kinh tế hàng đầu của thế giới và Việt Nam xây dựng “Báo cáo Việt Nam 2035”. Sau gần hai năm, Báo cáo đã được hoàn thành gồm 7 chương nghiên cứu sâu về 3 trụ cột phát triển với 6 chuyên đề lớn, đề xuất nhiều khuyến nghị quan trọng để đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035. |