Giáo dục Việt Nam có nhiều thay đổi từ tác động của đại dịch Covid-19. (Nguồn: TT) |
Kỳ nghỉ tết dài nhất lịch sử
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020, học sinh Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trở lại trường với chiếc khẩu trang. Đến ngày 3/2, toàn bộ 63 tỉnh, thành và hơn 200 trường đại học đóng cửa vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử.
Cứ như vậy, các hoạt động dạy và học tại trường phổ thông và đại học bị gián đoạn hơn 3 tháng. Điều này khiến các địa phương và các trường triển khai mạnh mẽ phương án dạy học qua Internet và truyền hình.
Hàng triệu trẻ em nghỉ ở nhà, học tại nhà thông qua các chương trình trực tuyến, các chương trình truyền hình, các bài tập thầy cô giáo gửi về cho cha mẹ qua hộp thư điện tử.
Theo thống kê, khoảng gần 80% học sinh Việt Nam đã học trực tuyến, xếp 17/200 quốc gia và vùng lãnh thổ kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục để ứng phó đại dịch. Thành công này là cơ sở để Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) khởi động chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục với kỳ vọng, 10 năm tới Việt Nam sẽ có một thế hệ công dân số.
Có thể nói, quá nhiều hệ lụy đã xảy ra với trẻ em. Tuy vậy, trong thời buổi khó khăn khi Covid-19 đang hoành hành, lựa chọn phương án ít rủi ro hơn cho trẻ em là việc hoàn toàn nên làm.
Vì thế, các chương trình học trực tuyến vẫn nên được tiến hành trong những kịch bản dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Song hành với việc này, chúng ta nên quan tâm giải tỏa các áp lực cho trẻ trong điều kiện trẻ bị buộc phải "bó chân" tại nhà.
Hai lần điều chỉnh kế hoạch năm học
Tháng 3 - 4 - 5, dịch Covid-19 khiến học sinh, sinh viên đến trường tiếp tục bị gián đoạn. Đó cũng là lý do khiến Bộ GD&ĐT phải 2 lần thay đổi khung thời gian năm học, ngày kết thúc được lùi đến trước 15/7, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm.
Ngày 4/5, khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát tốt hơn ở Việt Nam, học sinh 63 tỉnh thành bắt đầu trở lại trường học giữa mùa Hè nắng nóng. Lịch hoạt động cũng như phương pháp học của các trường thay đổi liên tục khiến cho giáo viên và học sinh gặp nhiều khó khăn.
Nghỉ Hè của học sinh năm nay diễn ra trong tháng 8 (chậm 2 tháng so với mọi năm) khiến học sinh đi học trong thời tiết nắng nóng, mệt mỏi.
Ngoài hoạt động dạy và học bị ảnh hưởng, dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến các trường tư. Hàng loạt trường tư thục bị đóng cửa, tuyên bố phá sản; giáo viên, đặc biệt là bậc mầm non phải nghỉ việc không lương, thậm chí bị sa thải. Nhiều giáo viên phải xoay đủ nghề từ bán hàng online đến trông thêm trẻ tại nhà.
Rất nhiều trung tâm giáo dục phải đóng cửa vì phá sản, vì thiếu học viên. Chưa bao giờ, các cán bộ ngành giáo dục lại khó khăn đến vậy trong khi cuộc sống của họ thường ngày cũng có vô khối khó khăn.
Sách tiếng Việt lớp 1 có nhiều "sạn". |
Chương trình nặng, sách giáo khoa có “sạn”
Năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT triển khai chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới với học sinh lớp 1. Bộ trưởng phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 với 46 đầu sách của đầy đủ 8 môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc và sách giáo khoa môn tự chọn tiếng Anh.
Thông thường, việc áp dụng chương trình mới được cân nhắc rất kĩ càng, thay sách cũng sẽ được áp dụng thận trọng sau nhiều thử nghiệm. Tuy nhiên, năm nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn khi phải đối mặt Covid-19, sách chưa được thử nghiệm, Bộ GD&ĐT đã tiến hành áp dụng đại trà gây ra vô số các vấn đế lớn nhỏ.
Sau 1 tháng triển khai, nhiều phụ huynh, giáo viên đánh giá việc dạy và học môn Tiếng Việt "nặng và khó hơn" so với chương trình cũ. Tiếp sau đó, phụ huynh và dư luận "nhặt sạn" về từ ngữ và ngữ liệu trong sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh diều.
Những "sạn" trong sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh diều cũng được 12 đại biểu Quốc hội phản ánh và nêu quan điểm xử lý ngay tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 14 (cuối tháng 10/2020).
Sau khi rà soát lại, Bộ GD&ĐT thừa nhận trách nhiệm khi sách giáo khoa Tiếng Việt 1 xuất hiện lỗi và yêu cầu nhà xuất bản, nhóm tác giả sách phải chỉnh sửa, hiệu đính những nội dung chưa phù hợp.
Ngoài sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh diều, giáo viên cũng liên tiếp chỉ ra "sạn" trong 4 cuốn sách Tiếng Việt 1 ở 4 bộ sách: Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Kết nối tri thức với cuộc sống, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn.
Dấu ấn trên đấu trường quốc tế
Mặc dù vậy, giáo dục Việt Nam cũng để lại những dấu ấn đặc biệt, tiếp tục thăng hạng trên bản đồ giáo dục thế giới. Năm 2020, các trường Đại học uy tín của Việt Nam như: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Tôn Đức Thắng… tiếp tục thăng hạng trên các bảng xếp hạng đại học uy tín thế giới như: QS World University Rankings, Thượng Hải, Times Higher Education - THE…
Ngoài ra, sự xuất hiện các nhân tố mới như trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Từ đó cho thấy, đại học Việt Nam đang nỗ lực vươn tầm thế giới.
Trong 6 nước tham gia Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM) năm 2019, gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Phillipine, học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu ở cả 3 năng lực được khảo sát là: Đọc hiểu, Viết, Toán học.
Cùng với đó, năm 2020, học sinh Việt Nam đã đạt nhiều thành tích đáng nể trên đấu trường trí tuệ Olympic khu vực và quốc tế. 24/24 thí sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi này đều đoạt giải; trong đó có 9 huy chương Vàng, 8 huy chương Bạc, 5 huy chương Đồng và 2 bằng khen.
Đặc biệt, cô giáo Hà Ánh Phượng được tổ chức Varkey Foundation bình chọn là 1 trong 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020.
Những kỳ vọng
Năm 2020, dịch Covid-19 đã làm giáo dục Việt Nam có nhiều thay đổi. Chúng ta kỳ vọng năm 2021 sẽ được chứng kiến những đột phá trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.
Liệu rằng sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 mới có "hạt sạn" nào hay không? Liệu rằng những bất ổn từ sách giáo khoa lớp 1 năm nay có được giải quyết tận gốc hay không? Liệu rằng các vấn đề khác của ngành giáo có được cải thiện hay không?
Dù thách thức quá nhiều nhưng chúng ta vẫn thực sự mong mỏi năm 2021 sẽ đến với sự ổn định, an lành hơn với tất cả chúng ta và với ngành giáo dục Việt Nam.
| GS. Ngô Bảo Châu: Để toán học Việt Nam khẳng định rõ vị trí trên bản đồ thế giới... TGVN. GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ, đã có những công trình toán học hoàn toàn thực hiện ở Việt Nam, được ghi nhận và ... |
| GS. Nguyễn Lân Dũng: Để không xa lạ với CMCN 4.0, người trẻ phải tiếp thu với đổi mới công nghệ TGVN. GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng nhận định, mọi thanh niên phải dễ tiếp thu với các đổi mới công nghệ, phấn đấu trong học ... |
| Cô giáo mở những lớp học không biên giới Bằng tâm huyết và sự sáng tạo, cô giáo Hà Ánh Phượng - giáo viên Việt Nam đầu tiên vào top 10 giáo viên toàn ... |