Nhỏ Bình thường Lớn
Sổ tay văn hóa Đông - Tây

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Một thoáng văn học Tây Ban Nha (kỳ 1)

Văn học Tây Ban Nha bao gồm các thể loại văn học như thơ, văn xuôi và kịch, trong đó nhiều tác giả đoạt giải Nobel văn học, nhiều tác phẩm nổi tiếng thế giới.
Nhà văn, nhà báo Azorin.
Nhà văn, nhà báo Azorin.

Azorin (1873-1967) là nhà văn, nhà báo, cùng Unamuno Miguel de đại diện tiêu biểu cho “Thế hệ 98” (là nhóm nhà văn Tây Ban Nha đầu thế kỷ XX, chuyên viết luận văn và tiểu thuyết), ông là nghị sĩ bảo thủ, đã từng làm Thứ trưởng Giáo dục.

Tác phẩm chính: Tâm hồn xứ Ca – xti (El Alma Castellana, 1899); Dân chúng (Pueble, 1930); Con đường của Đôn Ki-hô-tê (La Rute de Don Quijote, 1905).

Tâm hồn xứ Ca – xti miêu tả đặc điểm và bản chất Tây Ban Nha. Có hai phần: thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII. Sau phần đầu giới thiệu kinh tế Tây Ban Nha và tình trạng suy thoái sau thời vua Felipo IV, tác giả phác họa những điều kiện sinh hoạt, đưa ra những suy nghĩ về phụ nữ, tình yêu, thời trang, đời sống giang hồ, tòa án tôn giáo, sân khấu, nhà văn, tu viện nữ...

Ông có tri thức uyên bác và có óc phân tích sâu sắc. Qua dĩ vãng những chuyện linh tinh, Azorin tìm lại tâm hồn Tây Ban Nha muôn thuở. Cũng như những đồng sự thuộc “Thế hệ 98”, Azorin muốn đi sâu, tìm lại sức mạnh tâm hồn Tây Ban Nha.

***

Blasco Ibanez Vicente (1867-1928) là nhà viết tiểu thuyết và chính khách. Ông có tư tưởng cộng hòa, tư tưởng xã hội, có lúc vô chính phủ. Văn phong của ông tự nhiên chủ nghĩa. Tác phẩm chính: Đấu trường đẫm máu (Sangre y Arena, 1908); Bốn kỵ sĩ của Ngày tận thế (Los Cuatros Jinetes del Apocalipsis, 1916).

Đấu trường đẫm máu là tiểu thuyết nổi tiếng của Blasco Ibanez. Juan Gallardo là một chàng đấu bò tót dũng cảm, được công chúng Madrid hâm mộ. Anh lấy cô gái Carmen xinh đẹp và dịu dàng; họ muốn có đứa con mà mãi không có. Anh bắt nhân tình với Công nương Dona Sol, là một thiếu phụ đỏng đảnh. Chẳng bao lâu, anh bị bỏ rơi.

Trong khi đó thì anh bị thương khá nặng, buộc phải nghỉ đấu. Anh vẫn mê Dona Sol, nên nóng lòng đợi ngày vào đấu trường để khẳng định lại tài năng và chiếm lại trái tim Dona Sol.

Khốn thay, anh đã kém linh lợi và gan dạ; nhưng khi thấy Dona Sol lạnh lùng nhìn mình thì anh uất lên, xông vào bò tót; anh đâm được nó chết, nhưng anh cũng bị nó húc chết. Tác phẩm tuy được hoan nghênh, nhưng không có giá trị cao lắm.

Bốn kỵ sĩ của Ngày tận thế là tiểu thuyết nổi tiếng về Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ở Nam Mỹ, có hai cô con gái của một chủ trại giàu có là Luisa và Helena. Cô chị lấy chồng Pháp là Marcel, cô em lấy chồng Đức là Karl. Bố chết, hai gia đình thanh toán tài sản, rồi sang sống bên quê chồng ở Pháp và Đức.

Các con họ sinh ra sẽ mang dấu ấn hai dân tộc: người Pháp vô kỷ luật, thích ăn chơi; người Đức cứng nhắc, gắn bó với nhiệm vụ. Con cả của Marcel là Jules sống bừa bãi, đoạn tuyệt với gia đình và định lấy Marguerite, một thiếu phụ định bỏ chồng để lấy anh.

Chiến tranh thế giới bùng nổ năm 1914, Jules có thái độ ba lơn và hoài nghi; nhưng anh tỉnh ngộ khi thấy Marguerite tuy vẫn yêu mình, nhưng đã đoạn tuyệt với mình để ở lại bên người chồng ra trận bị mù. Anh xung phong ra trận và chết.

***

Cela Camilo José (1916) là nhà viết tiểu thuyết hiện thực. Tác phẩm chính: Gia đình Pa-xcu-an Đu-ar’-tê (La Falilia de Pascual Duarte, 1942).

Gia đình Pa-xcu-an Đu-ar’-tê là tiểu thuyết đầu tay của Cela Camilo (rất được hoan nghênh khi xuất bản). Nhà văn đã đổi mới truyền thống văn học hiện thực Tây Ban Nha, đề ra kỹ thuật tremondismo (dữ dội và tuyệt vọng dồn dập).

Cela Camilo viết tác phẩm này trong thời gian cay đắng sau khi nội chiến kết thúc (lúc đầu ông đứng về phía phát - xít Franco). Nội dung là một tên cướp chờ đợi bị hành hình kể lại cuộc đời mình; tác giả miêu tả đời sống nông dân với một ngòi bút phê phán. Tác phẩm có ảnh hưởng trong thập kỉ 40 thế kỷ XX.

***

Hernandez Gilabert Miguel (1910-1942) là nhà thơ và nhà viết kịch chống phát - xít. Ông bị bọn phát - xít hạ sát trong tù. Tác phẩm chính: Ngọn gió của nhân dân (Vient del Pueble, 1937).

Ngọn gió của nhân dân là một tập thơ cách mạng. Hernandez phản ánh cuộc Nội chiến, nêu lên ý nghĩa của nó đối với đồng chí của mình và đối với cả thế giới. Ông cũng ca ngợi tình yêu đối với Joséphina, tình yêu đối với những con người không còn cả đến hy vọng, nhân phẩm, mặc dù họ bị khủng bố dã man.

Trong hai năm nội chiến, Hernandez chứng kiến đất nước Tây Ban Nha biến thành một bãi tha ma khổng lồ. Tư tưởng và nhân cách Hernandez đã tự khẳng định qua cuộc chiến. Ngay từ năm 1935, Hernandez đã viết: “Nhà thơ là ngọn gió của nhân dân, nhân dân đợi những nhà thơ của mình”. Ở nước Tây Ban Nha mù chữ, thơ của Hernandez cũng như của Garcia Lorca được người nông dân đi chiến đấu học truyền khẩu.

TIN LIÊN QUAN
Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Một thoáng văn học Italy (Kỳ 16)
Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Văn học Hy Lạp hiện đại (Kỳ 2)
Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Chấm phá văn học cổ La Mã (Kỳ cuối)
Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Chấm phá văn học Tây Ban Nha (Kỳ cuối)
Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Chấm phá văn học cổ đại Hy Lạp (Kỳ cuối)