📞

Nan giải bài toán đầu ra cho rau an toàn

17:28 | 22/11/2014
Dù nhu cầu rau sạch, rau an toàn trên thị trường là rất lớn nhưng dường như đầu ra cho rau an toàn vẫn là bài toán nan giải.
Rau sạch, rau an toàn chủ yếu đươc phân phối tại các siêu thị, các cửa hàng rau củ, quả an toàn. (Ảnh minh họa).

Chợ vắng rau sạch

Dạo qua một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, rất khó có thể tìm thấy các cơ sở, gian hàng bày bán rau sạch, rau an toàn. Phần lớn rau được bày bán tại chợ đều không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Quan sát bằng mắt thường, rau chợ có hình thức bắt mắt và đặc biệt giá thành rất phải chăng. Một mớ rau muống có giá thành từ 4.000 - 6.000 đồng, mồng tơi từ 3.000 - 4.000 đồng, rau cải từ 5.000 -7.000 đồng… Nếu được hỏi về nguồn gốc của rau sẽ được người bán giới thiệu là rau vườn, rau hợp tác xã…

Chị Ngọc Minh ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: "Sau một lần bị ngộ độc rau muống, mình đã quyết tâm không mua rau không rõ nguồn gốc. Nhưng ra đến chợ thì tìm mỏi mắt chả thấy cửa hàng rau an toàn nào nên lại quay về mua rau chợ. Vừa ăn vừa lo nhưng chẳng nhẽ nhịn ăn rau".

Theo quan sát, rau an toàn không bán được ở chợ đầu mối và các chợ bán lẻ, cũng chưa chợ nào có khu dành riêng bán rau an toàn. Đa số người mua ở chợ đều không phân biệt được rau nào là an toàn. Ngay cả ban quản lý các chợ cũng không quan tâm, khi cho rằng không có chức năng kiểm soát rau an toàn hay truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Một tiểu thương chuyên kinh doanh rau tiết lộ, rau được bán ở các chợ dân sinh đều không phải rau an toàn. Rau an toàn hiện nay chủ yếu phân phối tại siêu thị và hệ thống các cửa hàng rau củ quả an toàn. Tuy nhiên số lượng này rất ít và chiếm thị phần không nhiều. Vì vậy, đến 80-90% người dân vẫn lựa chọn kênh chợ truyền thống phục vụ cho bữa ăn hàng ngày.

Vàng thau lẫn lộn

Trên thực tế, giá thành cao không phải là yếu tố chính khiến người tiêu dùng chưa mặn mà với rau an toàn, rau sạch. Nhiều người chia sẻ, trước những nguy cơ ngộ độc, nhiễm bệnh từ những loại rau không rõ nguồn gốc, họ sẵn sàng trả giá cao gấp đôi, gấp ba để được ăn rau sạch, rau an toàn. Phần lớn lo ngại tình trạng "vàng thau lẫn lộn", rau sạch trộn lẫn với rau bẩn hoặc rau bẩn đội lốt rau sạch vẫn diễn ra phổ biến tại nhiều cửa hàng rau sạch, thậm chí là tại nhiều siêu thị lớn.

"Đắt đỏ là một chuyện, nhưng quan trọng nhất là những loại rau an toàn này bày bán lẫn với những loại rau trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ khiến tôi thấy hoang mang, không yên tâm. Nếu như người tiêu dùng không để ý kỹ, rất dễ mua nhầm các loại rau bẩn", chị Cúc (Ba La, Hà Đông) than phiền.

Theo TS. Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội - cho rằng, trong khi rau an toàn bị yêu cầu quản lý chặt về chất lượng, thì rau thường lại chưa có quy định quản lý cùng tiêu chí xử phạt vi phạm. Do đó, lợi dụng tâm lý người tiêu dùng thích dùng sản phẩm sạch, nhiều cơ sở kinh doanh đã lợi dụng "phù phép" biến rau thường thành rau an toàn và bán với giá cao. "Thực tế, rất ít cơ sở kinh doanh có dán tem kiểm định chất lượng, nhãn hiệu rõ ràng. Nếu đúng quy trình, trên một sản phẩm phải có đủ ba loại tem: tem của cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh và chi cục", TS. Hồng cho biết.

Cần hướng đi bền vững

Trong cuộc Hội thảo về rau an toàn vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội, đại diện Công ty Giao Long (một thương hiệu rau sạch trên địa bàn Hà Nội) nhận định, nhiều thương hiệu rau an toàn hiện nay vẫn chưa giải quyết triệt để được ba vấn đề để tạo niềm tin cho khách hàng: chất lượng, nguồn gốc xuất xứ chưa rõ ràng, kênh phân phối chưa thuận tiện, giá cả còn cao.

Để tìm hướng đi bền vững cho sản phẩm rau an toàn, doanh nghiệp chia sẻ, đã đưa ra một quy trình giám sát các hộ xã viên hợp tác với mình tuân thủ quy trình sản xuất rau an toàn mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Tại mỗi vùng đều có kỹ sư nông nghiệp giám sát và trực tiếp chỉ đạo người dân sản xuất, đảm bảo sản phẩm trước khi đưa ra thị trường đáp ứng được tiêu chuẩn, chất lượng an toàn.

Về phía cơ quan quản lý, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cũng đang thí điểm việc gắn nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm rau an toàn bán buôn và dán tem nhận diện rau an toàn cho sản phẩm bán lẻ. 38 cơ sở đã phối hợp tham gia, mỗi cơ sở được cấp 1 mã số đóng lên tem nhận diện để phục vụ việc tra cứu nguồn gốc rau an toàn. Đồng thời, Chi cục đang tiến hành đăng ký nhãn hiệu chứng nhận rau an toàn tại Cục Sở hữu trí tuệ, đã được UBND thành phố cho phép sử dụng địa danh "Hà Nội" cho nhãn hiệu "RAT Hà Nội". Dự kiến, trong năm nay sẽ được cấp văn bằng bảo hộ.

"Nếu được cấp, Hà Nội sẽ là địa phương đầu tiên trong cả nước cấp tên địa danh trên sản phẩm RAT. Việc này, giúp quản lý thống nhất, cũng như tạo dựng được thương hiệu riêng cho RAT Hà Nội", TS. Hồng nhấn mạnh.

Phan Mích