Thử trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Tham dự Hội thảo có: Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch UBQG UNESCO Việt Nam Lê Hoài Trung; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (MOWCAP) TS. Vũ Thị Minh Hương; Tổng Thư ký MOWCAP Andrew Henderson; Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft cùng khoảng 100 đại biểu trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch UBQG UNESCO Việt Nam Lê Hoài Trung khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của Hội thảo, khi được tổ chức trong không khí những ngày đầu Thu lịch sử trên mảnh đất Bắc Giang, vùng đất Kinh Bắc xưa, quê hương của làn điệu dân ca quan họ và ca trù say đắm lòng người và cũng là nơi hội tụ, kết tinh những giá trị độc đáo của các loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới.
Thứ trưởng Ngoại giao cũng nhấn mạnh trong suốt 27 năm qua, Chương trình Ký ức thế giới đã phát huy hiệu quả trong việc tăng cường nhận thức của các cấp chính quyền, cộng đồng và người dân về di sản tư liệu cũng như tạo thuận lợi để người dân được truy cập nhiều hơn vào các di sản tư liệu trên thế giới thông qua hệ thống bảo tàng, lưu trữ bằng hiện vật và kỹ thuật số.
Đối với Việt Nam, đất nước có nền văn hóa hàng nghìn năm lịch sử, trong đó mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, địa phương đều có bản sắc, nét độc đáo riêng và đều có những di sản tư liệu riêng. Với thời gian và chiến tranh, rất nhiều di sản tư liệu đã bị biến mất và có nguy cơ bị biến mất.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho rằng việc sưu tầm, bảo tồn, truyền lại cho các thế hệ mai sau và phát huy các di sản tư liệu, giới thiệu cho bạn bè quốc tế «ngày càng trở nên cấp thiết và là trách nhiệm của tất cả chúng ta ». Chính vì vậy, Việt Nam đã tham gia vào Chương trình Ký ức thế giới từ năm 2006 và thành lập Ủy ban Quốc gia Chương trình Ký ức thế giới vào năm 2012.
Việt Nam hiện nay có 07 Di sản tư liệu, trong đó có 03 di sản thuộc cấp độ thế giới và 04 di sản thuộc cấp độ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong các di sản tư liệu này, Mộc bản kinh phật chùa Vĩnh Nghiêm của tỉnh Bắc Giang đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới cấp độ khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2012, với một hệ thống mộc bản nguyên gốc, đã tồn tại qua hàng trăm năm, chứa đựng nhiều kiến thức độc đáo, phản ánh những giá trị về tư tưởng giáo lý của đạo Phật, về triết lý nhân sinh, giá trị về văn học, ngôn ngữ, nhân văn sâu sắc, thể hiện sự tinh tế, tính thẩm mỹ cao của tư duy và văn hóa Việt Nam.
Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. |
Thay mặt UBND tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch Lê Ánh Dương đã phát biểu chào mừng các đại biểu về dự Hội thảo trên vùng đất Kinh Bắc xinh tươi, nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa quý báu, trong đó có 3 di sản đã được UNESCO công nhận, đồng thời chúc Hội thảo thành công tốt đẹp, đúc rút được những kinh nghiệm quý báu trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Trong thời gian Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe một loạt tham luận, ý kiến đóng góp của các đại biểu quốc tế và các bộ, ngành, địa phương tạo cơ hội cho các học giả trao đổi kiến thức về bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản tư liệu.
Phát biểu bế mạc, ông Cung Đức Hân, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao) đã khẳng định, Hội nghĩ đã đề cập đến tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình Ký ức tại Việt Nam, trên thế giới, cũng như tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Vấn đề đặt ra với Việt Nam hiện nay, cũng như trong thời gian tới, là nước ta đã có 7 di sản, đã đạt được những thành tựu nhất định, song vẫn còn khó khăn thách thức. “Chúng ta đã đề ra một số giải pháp tổng thể từ vĩ mô đến vi mô, nhìn nhận cả hai chiều từ thuận lợi đến thách thức. Suy cho cùng văn hóa hay di sản đều có hai câu chuyện: hệ giá trị và cách hệ giá trị đó được lan truyền trong cộng đồng”, ông Hân nói.
Tất cả danh hiệu hay loại hình di sản đều nhắm đến đích cuối cùng là phục vụ cho cộng đồng, cho đời sống người dân nơi có di sản được công nhận. Vì vậy, Hội thảo này là cơ hội đáng quý để chia sẻ kinh nghiệm, từ đó vững bước tiến lên, vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trở thành cường quốc có tiếng nói trong bản đồ di sản thế giới, ông Cung Đức Hân nhấn mạnh.
Nằm trong chương trình Hội thảo, các đại biểu đã đi thực tế tại chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bồ Đà, hai ngôi chùa cổ hàng trăm năm tuổi, nơi lưu giữ khối tài liệu Mộc bản phong phú.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Vài nét về Chương trình Ký ức Thế giới Chương trình Ký ức Thế giới, (tên tiếng Anh là Memory of the World) được UNESCO khởi xướng vào năm 1992, với quan niệm: di sản tư liệu thuộc sở hữu của tất cả nhân loại; mục đích làtạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn các di sản tư liệu, tạo điều kiện tiếp cận và phổ biến di sản tư liệu, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa của di sản tư liệu trên thế giới. Nhận thức được tầm quan trọng của các Di sản tư liệu, Việt Nam đã tham gia vào Chương trình Ký ức Thế giới (MOW) từ năm 2006 và thành lập Ủy ban Quốc gia MOW năm 2012. Việt Nam hiện nay có 7 Di sản tư liệu (03 di sản tư liệu thuộc cấp độ thế giới và 04 di sản thuộc cấp độ khu vực châu Á-Thái Bình Dương - MOWCAP). Ba Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới là: Mộc bản Triều Nguyễn (2009); 82 Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê - Mạc 1442-1779 (2010); Châu Bản Triều Nguyễn (2017). Bốn Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới Khu vực châu Á-Thái Bình Dương là: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (2012); Mộc bản Trường học Phúc Giang (2016); Văn thơ kiến trúc cung đình Huế (2016); Hoàng hoa sứ Trình đồ (2018). |
Thử trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung và các đại biểu xem giới thiệu Di sản tư liệu Hoàng Hoa Sứ Trình Đồ. |
Các đại biểu xem biểu diễn Dân ca Quan họ tại sân chùa Vĩnh Nghiêm. |
Các đại biểu chụp ảnh cùng các nghệ sĩ. |