Đoàn Việt Nam tham dự tại phiên họp thứ 18 Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003. (Nguồn: Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO) |
Ngày 8/12, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 18 của Ủy ban liên chính phủ Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003) của UNESCO diễn ra ở thành phố Kasane, Boswana, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban, đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là lần thứ hai Việt Nam là thành viên của cơ quan điều hành Công ước 2003, sau nhiệm kỳ đầu tiên từ 2006-2010.
Khẳng định vị thế và uy tín ngày càng cao
Theo Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, việc Việt Nam thêm lần nữa được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch một trong những cơ quan chuyên môn then chốt của UNESCO đã khẳng định vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.
Điều này cho thấy sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của Việt Nam tại UNESCO, ghi nhận đóng góp tích cực của Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, góp phần vào thúc đẩy vai trò của văn hóa và di sản cho sự phát triển bền vững, bao trùm và tự cường ở tầm quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Đây cũng là minh chứng nữa về việc Việt Nam đã triển khai thành công đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Tham dự kỳ họp, ông Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hoá và UNESCO, Bộ Ngoại giao cho biết, Ban Thư ký và các quốc gia thành viên Công ước 2003 đánh giá cao chính sách, chiến lược và các biện pháp thiết thực của Việt Nam trong phát huy vai trò của di sản văn hóa phi vật thể như động lực cho phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.
Theo ông Đoàn Quyền Trưởng, những chia sẻ về nỗ lực của Việt Nam trong việc nghiên cứu tích hợp từ sớm nhiều nội dung của Công ước 2003 vào Luật Di sản Văn hóa của Việt Nam được quốc tế đánh giá rất cao.
Với tư cách Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003, Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn trong việc hoàn thiện, triển khai các mục tiêu và ưu tiên của Công ước 2003, nâng tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể như một động lực cho phát triển bền vững, đa dạng văn hóa, sáng tạo và đối thoại giữa các nền văn hóa, gắn kết xã hội, tăng cường sự tham gia của cộng đồng, phụ nữ và giới trẻ.
Bên cạnh đó, 15 Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và 534 Di sản trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đều có các đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị với sự tham gia chặt chẽ của cộng đồng, trách nhiệm của các cấp chính quyền từ trung ương tới địa phương, trở thành kinh nghiệm tốt cho các quốc gia thành viên.
Các nghệ nhân Hát Xoan ở đình Hùng Lô, Phú Thọ. (Ảnh: Hà Anh) |
Động lực gìn giữ di sản ở địa phương
Tính đến nay, Việt Nam có gần 70.000 di sản văn hoá phi vật thể được kiểm kê; trong đó có 534 di sản cấp quốc gia, 15 di sản được phi vật thể được UNESCO ghi danh. PGS. TS Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết Việt Nam là quốc gia đầu tiên đề nghị và Ủy ban liên chính phủ đồng ý đưa một di sản văn hoá phi vật thể ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp là Hát Xoan Phú Thọ.
Cùng với việc bảo vệ các di sản văn hoá phi vật thể đã được vinh danh, các cấp, ngành, địa phương ở Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh các loại hình như: Nghệ thuật Hát chèo, Nghệ thuật Mo Mường, Võ cổ truyền Bình Định, Vovinam - Việt Võ Đạo...
PGS. TS Lê Thị Thu Hiền cho rằng, nhiều hoạt động tại các địa phương đã góp phần quan trọng, tạo điều kiện để các nghệ nhân duy trì, thường xuyên thực hành di sản, có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thực hành di sản tại cộng đồng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký quyết định công bố danh mục hơn 30 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở khắp ba miền Bắc-Trung-Nam.
Danh mục này tiếp tục là cơ hội để các địa phương nâng tầm giá trị di sản, giúp đồng bào có thêm động lực, biến di sản thành tài sản, vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển sản phẩm du lịch...
Tại Hội thảo “Di sản văn hóa sống và phát triển bền vững: Từ cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm” được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, bà Dona McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam cho rằng, với một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú như hiện nay, Việt Nam cần có một chiến lược thúc đẩy vai trò của di sản văn hoá trong mục tiêu phát triển bền vững; vinh danh sự đóng góp của cộng đồng, cũng như khẳng định tầm quan trọng và vai trò trung tâm của họ.
Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 gồm 24 thành viên, là cơ quan điều hành quan trọng của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, quyết định những vấn đề then chốt liên quan tới công nhận các di sản văn hóa phi vật thể, phân bổ kinh phí hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ở các nước; quyết định chính sách, định hướng phát triển của Công ước 2003. |