📞

Nâng tầm nhiếp ảnh Việt

08:15 | 17/08/2014
Trong các ngành nghệ thuật, Nhiếp ảnh Việt Nam được cho là một trong ít ngành có bước phát triển và theo sát được thế giới. Để thấy rõ hơn vị thế của nhiếp ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, TG&VN có cuộc phỏng vấn ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.
Ông Vũ Quốc Khánh - Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Việt Nam.

Ông có thể đánh giá về vị trí của nghệ thuật nhiếp ảnh (NTNA) Việt Nam trên bản đồ NTNA thế giới?

Tiếp nối những thành tựu của ngành NTNA Việt Nam thời kỳ trước, NTNA Việt Nam ngày càng phát triển, nhiều đổi mới, đa dạng và có chiều sâu. Hiện tại, tổng số hội viên của Hội là 934 người, trong đó có nhiều người còn là hội viên hội nhiếp ảnh thế giới.

Trên lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật, các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã tham gia tích cực và khẳng định được mình trên sân chơi nhiếp ảnh quốc tế như Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế (FIAP), Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA), Hội Nhiếp ảnh không biên giới của Pháp (ISF) và đã đạt được nhiều giải thưởng. Trong hệ thống giải thưởng cá nhân, có năm đạt hơn 100 giải. Nhiều nghệ sĩ đã được ghi danh là nghệ sĩ xuất sắc của FIAP và được mời tham gia giám khảo các cuộc thi của FIAP cũng như các tổ chức nhiếp ảnh quốc tế khác.

NTNA Việt Nam là ngành nghệ thuật đi sau so với nhiều ngành nghệ thuật khác và cũng sau ngành NTNA các nước phát triển. Ở các nước phát triển, các nghệ sĩ nhiếp ảnh của họ hưởng lợi từ môi trường kỹ thuật phát triển. NTNA Việt Nam có hạn chế kỹ thuật, trình độ. Song với nỗ lực của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, NTNA đã tiếp thu kỹ thuật, học hỏi và đã theo kịp NTNA thế giới. Tuy không có bảng đánh giá , nhưng ta có thể nói NTNA Việt Nam đã theo sát được NTNA thế giới.

Tới đây, Hội có định hướng gì trong hoạt động đối ngoại cũng như đẩy mạnh mối quan hệ với các hội nhiếp ảnh quốc tế?

Bên cạnh tổ chức FIAP mà chúng ta là quốc gia thành viên, Hội còn mở rộng quan hệ với các tổ chức nhiếp ảnh quốc tế khác như PSA của Hoa Kỳ, ISF của Pháp. Chúng ta cũng cần mở thêm quan hệ song phương với nhiều tổ chức nhiếp ảnh quốc gia các nước, chú trọng các nước ASEAN và các nước là quốc gia thành viên FIAP.

Giao lưu NTNA trong nước và quốc tế là công tác cần được quan tâm, động viên nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia tham gia tích cực, để vừa học hỏi nâng cao trình độ nhiếp ảnh, khả năng sáng tác, vừa thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân. Thông qua các bức ảnh, nghệ sĩ giới thiệu với bạn bè thế giới về đất nước, con người Việt Nam, góp phần để họ hiểu và ủng hộ ta hơn, đồng thời nâng cao vị thế của nhiếp ảnh Việt Nam trên ảnh trường quốc tế.

Những năm gần đây, nhiếp ảnh Việt Nam đã có những thành tựu nhất định. Ông cho biết một số nhiếp ảnh gia điển hình và những tác phẩm đoạt giải tiêu biểu?

Với tư cách thành viên quốc gia của FIAP (hiện FIAP có 100 hiệp hội các nước thành viên ở năm châu lục), nhiếp ảnh Việt Nam đã tham gia các cuộc thi thường niên của FIAP. Đặc biệt, năm 2010, Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Đại hội FIAP lần thứ 30. Đại hội đã đón 240 đại biểu từ 40 quốc gia đến dự. Ban lãnh đạo FIAP và các đại biểu đã đánh giá cao và dư luận trong nước và bạn bè quốc tế ghi nhận.

Nhiều tập thể cá nhân đoạt nhiều giải với những tác phẩm chất lượng. Tiêu biểu như năm 2010, thi FIAP 30 tại Việt Nam, bộ ảnh trắng đen Vượt khó đã đạt giải HCV tập thể: trong đó có những ảnh đạt giải cá nhân gồm một giải HCV và HCĐ; U 21: đoạt giải HCV. Hay năm 2014, trong giải ảnh màu FIAP tại Italy, bộ ảnh Tuổi già không cô độc đã đạt giải vàng tập thể và giải đồng cho cá nhân…

Tính đến ngày 31/5/2014, Việt Nam có 158 người được mang tước hiệu FIAP, trong đó ba người mang M.FIAP - nghệ sĩ nhiếp ảnh bậc thầy như Lê Hồng Linh, Hoàng Quốc Tuấn, Thu An.

Để tiếp tục giữ vững và phát triển, trước mắt, các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cần làm gì để có được những tác phẩm mang tầm vóc?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam có được sự nỗ lực, chăm chỉ nhưng còn thiếu những kỹ năng tác nghiệp. Đôi khi nội dung tác phẩm phản ánh tốt nhưng không thể hiện được hết tính nghệ thuật, tác nghiệp ảnh còn non, các tác phẩm chưa đi vào lòng người.

Các nghệ sĩ cần cố gắng vừa làm vừa học để theo kịp các nghệ sĩ thế giới và nỗ lực sáng tác để ảnh đạt giá trị tư tưởng nhân văn cao, chất lượng nghệ thuật, nhìn vào người xem thấy được ý nghĩa đa chiều. Như vậy, Việt Nam mới có được những tác phẩm mang tầm vóc để rồi tiến tới có được những tác phẩm đỉnh cao.

Trước mắt, ta cần lựa chọn những nghệ sĩ nhiếp ảnh giỏi, để đầu tư cho họ có thể tham gia các hoạt động trọng tâm của đất nước như quân đội, sản xuất lớn trong công nghiệp, nông nghiệp....

Tiếp nữa, cần có những hội đồng giám khảo tốt, thẩm định ảnh tốt hơn nữa, tạo niềm tin cho nghệ sỹ sáng tác. Dự kiến tới đây, Hội sẽ mở lớp tập huấn thẩm định ảnh, cấp bằng giám khảo.

Xin cảm ơn ông!

Minh Hòa (thực hiện)