Phó Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Keith Conway đã khẳng định như vậy với Thế Giới & Việt Nam về ý nghĩa chuyến thăm của Thủ tướng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa kết thúc chuyến thăm chính thức tới New Zealand. Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của chuyến thăm?
New Zealand rất vinh dự được đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng phái đoàn hơn 200 người gồm các lãnh đạo và các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là cơ hội để doanh nghiệp hai bên được gặp gỡ và tìm hiểu lẫn nhau. Tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng New Zealand Jacinda Arden đã tới dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Thời gian qua, hai nước cũng thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao.
Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nước, góp phần thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và giáo dục. Hai bên đã ký kết các Biên bản ghi nhớ (MOU) về hỗ trợ hợp tác thương mại song phương và tăng cường hợp tác giáo dục.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Andern đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. |
Chuyến thăm New Zealand của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước, tạo đà để nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược trong tương lai.
Để đạt được mục tiêu đưa kim ngạch song phương lên 1,7 tỷ USD vào năm 2020, hai nước cần tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên nào, thưa ông?
Theo tôi, hợp tác kinh tế là lĩnh vực nổi trội nhất trong quan hệ hợp tác giữa hai bên khi kim ngạch thương mại đạt 1,24 tỷ USD năm 2017, tăng 32% so với 2016 và gấp ba lần so với năm 2009. New Zealand là đối tác thương mại lớn thứ 31 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác lớn thứ 17 của New Zealand. Việt Nam hiện là nhà xuất khẩu thứ 19 tại thị trường New Zealand.
Về đầu tư, New Zealand hiện có 28 dự án còn hiệu lực ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 101,94 triệu USD, đứng thứ 41/120 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam có 6 dự án liên doanh đầu tư tại New Zealand với tổng vốn đăng ký là 25,62 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực như: công nghiệp chế biến, chế tạo; khách sạn và ăn uống; nông lâm nghiệp và thủy sản…
New Zealand là một trong những quốc gia xuất khẩu các sản phẩm từ sữa lớn nhất thế giới, nổi tiếng với các sản phẩm như nông sản sạch, hoa quả, ngành du lịch, giáo dục… Còn phía Việt Nam, những mặt hàng như giầy dép, dệt may, thiết bị điện tử… đã có mặt khá phổ biến tại thị trường New Zealand và được nhiều nước biết đến.
Nông nghiệp là thế mạnh của New Zealand và New Zealand sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam phát triển nông nghiệp sạch, nâng cao năng lực sản xuất và giá trị các mặt hàng nông sản. Phía New Zealand hiện cũng đang triển khai nhiều dự án hỗ trợ cho nông nghiệp tại Việt Nam. Điển hình như dự án phát triển các giống cây ăn quả mới chất lượng cao, giúp phát triển 20 giống thanh long mới tiềm năng và đào tạo cho nông dân Việt Nam các mô hình trồng thanh long mang lại năng suất gấp đôi, chia sẻ các công nghệ bảo quản thanh long… nhằm sớm đưa thanh long Việt Nam có mặt tại thị trường các nước.
Phó Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Keith Conway . |
Chính phủ hai nước cũng đang tạo điều kiện tốt nhất như giảm các dòng thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản Việt Nam vào New Zealand cũng như các sản phẩm của New Zealand vào Việt Nam. New Zealand dự kiến sẽ kết thúc quá trình đánh giá rủi ro nhập khẩu đối với nhiều loại nông thủy sản của Việt Nam như: chôm chôm, nhãn, vú sữa, bưởi vào năm 2021.
Ngoài những bước phát triển mạnh mẽ trong hợp tác về kinh tế - thương mại, tôi muốn nhấn mạnh rằng, New Zealand luôn đồng hành cùng Việt Nam trên con đường hội nhập kinh tế, đặc biệt là tại các diễn đàn, khu vực và quốc tế như ASEAN, APEC…
Việt Nam và New Zealand đều là hai quốc gia chú trọng thúc đẩy tự do hóa thương mại, hội nhập kinh tế, là thành viên tích cực của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việc CPTPP chính thức được ký kết tuần qua là một thành công lớn cho hợp tác thương mại khu vực. Việt Nam và New Zealand sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định này.
Vậy CPTPP được ký kết sẽ tác động thế nào tới quan hệ hợp tác Việt Nam – New Zealand, thưa ông?
Hiệp định được ký kết được kỳ vọng sẽ tạo ra một môi trường thương mại minh bạch và đồng nhất. Các doanh nghiệp hai nước sẽ có cơ hội để tìm hiểu rõ hơn về thị trường của nhau như các vấn đề về luật pháp và tiêu chuẩn chung. Vì vậy, tôi nhìn nhận, Hiệp định CPTPP sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế giữa hai nước khi các rào cản thuế quan được xóa bỏ, thu hút thêm các nguồn đầu tư.
Thời gian gần đây, hợp tác quốc phòng giữa hai nước diễn ra khá sôi động. Ông có thể chia sẻ thêm về lĩnh vực hợp tác này?
Thời gian qua, hợp tác quốc phòng giữa hai nước đã được thúc đẩy mạnh mẽ, chứng tỏ quan hệ song phương đang phát triển sâu rộng. Tháng Tư năm ngoái, tàu hải quân Hoàng gia New Zealand có chuyến thăm cảng Đà Nẵng và có những hoạt động giao lưu cùng người dân, các trường học tại địa phương. Những chuyến thăm của hải quân có ý nghĩa quan trọng trong tăng cường hợp tác quốc phòng và chúng tôi sẽ cố gắng duy trì hoạt động này hằng năm.
Năm 2017, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã dẫn đầu đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam sang thăm và dự Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam- New Zealand lần thứ ba. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng New Zealand Helene Quilter cũng đã có chuyến thăm Việt Nam vào tháng 7/2017. Hai nước vừa ký kết Chương trình Hành động về hợp tác quốc phòng 2018 - 2021 và nhiều hoạt động hợp tác sẽ tiếp tục được triển khai.
New Zealand sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, tiếp tục triển khai chương trình đào tạo tiếng Anh và đào tạo chuyên ngành cho cán bộ quân đội Việt Nam trong khuôn khổ Thỏa thuận thực thi về hợp tác huấn luyện gìn giữ hòa bình.
Trong chuyến thăm New Zealand, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với người đồng cấp Jacinda Ardern; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Trevor Mallard; Điện đàm với Toàn quyền Patsy Reddy; dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp; tiếp một số lãnh đạo doanh nghiệp lớn của New Zealand; thăm một số trường đại học và viện nghiên cứu; gặp gỡ cộng đồng người Việt tại New Zealand… |
Ngoài Australia, New Zealand cũng là điểm đến yêu thích của nhiều du học sinh Việt Nam. Trong tương lai, chính phủ New Zealand sẽ có những đổi mới gì để thu hút du học sinh quốc tế, trong đó có du học sinh Việt Nam?
Hợp tác giáo dục cũng là một điểm sáng trong mối quan hệ hợp tác hai bên. Trong chuyến thăm tới New Zealand, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Jacinda Ardern đã chứng kiến ba văn kiện quan trọng, trong đó có Kế hoạch hợp tác chiến lược giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Cơ quan Giáo dục New Zealand về Giáo dục - Đào tạo giai đoạn 2018 - 2020. Hai nước cũng đặt ra mục tiêu tham vọng là tăng 30% số lượng du học sinh Việt Nam tới New Zealand vào năm 2020.
Để có thể đạt được mục tiêu này, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy những chương trình liên kết với các trường đại học của Việt Nam, các chương trình trao đổi sinh viên giữa hai nước.
So với các nền giáo dục khác, New Zealand có lợi thế về chất lượng sống cùng chi phí học tập hợp lý. Nhiều trường đại học của New Zealand luôn nằm trong top 3% các trường đại học tốt nhất thế giới. Ngoài ra, New Zealand cũng thường xuyên có các chương trình học bổng hấp dẫn cho bậc đại học và sau đại học trong các lĩnh vực như chính sách công, nông nghiệp, du lịch...
Vừa qua, Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam cũng đã tổ chức thành công một buổi giao lưu trực tuyến với Đại sứ về các chương trình học bổng trên Facebook và đã có hơn 22.000 lượt truy cập. Điều này khẳng định mong muốn thu hút thêm du học sinh Việt Nam của Chính phủ New Zealand cũng như sự quan tâm của đông đảo sinh viên, người dân Việt Nam đến nền giáo dục của đất nước chúng tôi.
Xin cám ơn ông!