NDTV cho biết Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) đã mất liên lạc với tàu vũ trụ Chandrayaan-1 gần một năm sau khi nó được phóng lên quỹ đạo. Con tàu này được cho là đã rơi xuống Mặt Trăng.
8 năm sau, các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ở California tuyên bố họ đã xác định được vị trí của nó bằng kỹ thuật radar liên hành tinh mới.
Tàu thăm dò Chandrayaan-1 được Ấn Độ phóng lên Mặt Trăng vào năm 2008 với kinh phí khoảng 90 triệu USD.(Nguồn: ESA) |
Trong bài đăng trên blog vào ngày 9/3, NASA cho biết các tính toán của họ chỉ ra rằng Chandrayaan-1 vẫn nằm cách bề mặt Mặt Trăng khoảng 200km.
NASA cũng đã tìm được Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt Trăng với cùng kỹ thuật mặc dù họ cho biết việc tìm kiếm Chandrayaan-1 đòi hỏi "việc tìm kiếm tinh vi hơn".
Với chiều dài 1,5 m mỗi bên, tàu thăm dò Mặt Trăng hình lập phương của Ấn Độ được coi là "rất nhỏ" với kích cỡ chỉ bằng một nửa chiếc xe hơi.
"Mặc dù radar liên hành tinh đã được sử dụng để quan sát các tiểu hành tinh cách Trái Đất hàng triệu kilomet, các nhà nghiên cứu không chắc chắn rằng các đối tượng có kích thước nhỏ hơn cách xa như Mặt Trăng có thể được phát hiện hay không, ngay cả với các radar mạnh nhất trên thế giới.
Chandrayaan-1 đã trở thành mục tiêu hoàn hảo để chứng minh khả năng của kỹ thuật này", NASA cho biết.
Krishnaswamy Kasturirangan, người đặt nền móng cho sứ mệnh khám phá Mặt Trăng của Ấn Độ, phát biểu trên Times of India: "Bị mất tích rồi lại được tìm thấy sau 8 năm là một thành tựu tuyệt vời. Chandrayaan-1 là sứ mệnh liên hành tinh đầu tiên của chúng tôi và tôi rất vui mừng vì nó được tìm thấy".
Tuy nhiên, vì không còn hoạt động và không thể gửi dữ liệu về, Chandrayaan-1 vẫn sẽ nằm lại trong không gian như là rác vũ trụ.
NASA cho biết kỹ thuật radar mới có thể giúp các chuyên gia lên kế hoạch cho các nhiệm vụ Mặt Trăng sắp tới.