📞

NATO suy yếu, EU sẽ nghiêng về Trung Quốc?

18:02 | 20/01/2017
Châu Âu cần tự mình chăm lo cho an ninh của mình. Nước Mỹ đã thay đổi một cách không thể nhận ra.

Những lo lắng dễ hiểu

Phái viên Anthony Scaramucci đã được Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cử đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sỹ) năm nay để thuyết phục các chính khách tham dự diễn đàn rằng tổng thống sắp tới của nước Mỹ hiểu tầm quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, tại Davos, dường như cả Phó Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden và ông Anthony Scaramucci đều không thể xoa dịu được thái độ bất bình và lo lắng của các nước châu Âu về các bình luận mà ông Trump đã đưa ra xung quanh những vấn đề này.

Nếu chính quyền Trump làm theo những gì ông nói về NATO và EU thì điều đó có nghĩa là nước Mỹ sẽ giảm bớt đóng góp của mình đối với hai thể chế này, và như vậy sẽ khiến NATO bị suy yếu. (Nguồn: AP)

Ngay trước ngày diễn ra Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Trump vẫn khăng khăng nhắc lại quan điểm rằng, NATO đã "lỗi thời", đồng thời ca ngợi quyết định rời khỏi EU của nước Anh. Thậm chí, ông Trump còn nói "sẽ có nhiều nước nữa rời khỏi EU". Nếu chính quyền Trump làm theo những gì ông nói về NATO và EU thì điều đó có nghĩa là nước Mỹ sẽ giảm bớt đóng góp của mình đối với hai thể chế này, và như vậy sẽ khiến NATO bị suy yếu.

Ông Biden từng nói rằng, ủng hộ một châu Âu hội nhập là nguyên tắc nhất quán xuyên suốt của chính sách đối ngoại Mỹ từ những năm 50 của thế kỷ trước đến nay. Tuy nhiên, trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, ông Trump đã tuyên bố EU là "phương tiện cho người Đức" và dự đoán sẽ còn nhiều nước khác trong EU từ bỏ liên minh này.

Phát biểu của ông Trump hoàn toàn trùng khớp với quan điểm chính trị của người bạn thân của ông là Nigel Farage, lãnh đạo đảng Độc Lập (UKIP) của Anh. Trong khi đó, bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Mặt trận Dân tộc của Pháp, đã ca ngợi chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ vừa qua là "bắt đầu một thế giới mới".

Khó lạc quan

Tất cả những điều trên là nguyên nhân dẫn đến những lo lắng có thể hiểu được đang diễn ra tại châu Âu. Một quan chức cấp cao EU tại Davos cho biết, ông đã cố gắng lạc quan và có cái nhìn hướng ngoại, nhưng ông thấy có nhiều mối đe dọa đối với niềm tin của mình. Mối đe dọa lớn nhất hiện nay đối với EU đến từ việc nước Anh rời EU (Brexit).

Trong các bài phát biểu tại London cũng như tại Davos, Thủ tướng Anh Theresa May đều khẳng định Anh sẽ xúc tiến việc rời khỏi EU. Và, nước Anh cũng sẽ rời khỏi thị trường chung EU, nhiều khả năng sẽ ra khỏi cả liên minh thuế quan EU.

Mối đe dọa lớn nhất hiện nay đối với EU đến từ việc nước Anh rời liên minh này. (Nguồn: Reuters)

Phát biểu của bà May tại Davos được đón nhận với một cảm giác buồn lo tại nhiều nước ở châu Âu vì đa phần không muốn Anh rời khỏi EU. Lo lắng là điều hiển nhiên vì rõ ràng hai bên sẽ phải đối mặt với rất nhiều cuộc đàm phán phức tạp. Bà May đã rất cố gắng thuyết phục đại diện các nước tham dự cuộc họp tại Davos rằng nước Anh muốn thấy "một EU khỏe mạnh". Tuy nhiên, nếu các cuộc đàm phán giữa Anh và EU trở nên tồi tệ, thái độ của nước Anh sẽ thay đổi. Và, nếu điều đó xảy ra, EU sẽ phải đối mặt với một thực tế là cả 3 nước lớn là Nga, Mỹ và Anh đều sẽ có thái độ không ưa EU. Tất cả các nước này sẽ khuấy động các phong trào chống EU ngay tại châu Âu.

Nguy cơ này tăng lên đáng kể tại các cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra ở một số nước châu Âu trong năm nay. Theo các đánh giá tại Davos, những đảng có thái độ thù ghét EU tại các nước như Hà Lan, Pháp và Đức sẽ nhiều khả năng không thể thắng cử được. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều nhận thấy rằng các dự đoán về Brexit và cơ hội trở thành tổng thống Mỹ của ông Trump, được nêu ra tại Diễn đàn Davos hồi đầu năm 2016, đều sai hết. Bởi vậy, mặc dù dự đoán tại Davos năm nay là vậy, nhưng cảm giác lo lắng về tương lai của EU vẫn đang treo lơ lửng trong năm 2017 này.

Đằng sau tất cả những lời nói và những tuyên bố đó là một cảm nhận rằng thời kỳ phê phán lẫn nhau giữa hai bờ Đại Tây Dương đã bắt đầu. Trong bối cảnh hiện nay, các quan chức EU đang nghiêng về Trung Quốc. Trong bài phát biểu của mình tại Davos, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ bảo vệ toàn cầu hóa. Một quan chức cấp cao của EU cho biết, với việc ông Trump đe dọa sẽ xóa bỏ hiệp định biến đổi khí hậu Paris, "EU và Trung Quốc sẽ dẫn dắt thế giới về vấn đề này". Vị quan chức này cũng cho rằng, EU cần phải có thái độ tích cực để hợp tác với Trung Quốc về một số vấn đề, trong đó có thương mại quốc tế và đầu tư.

Đối với vấn đề an ninh, nhiều quan chức EU nhận thấy ông Trump đã đúng khi nói rằng các nước châu Âu không dành đủ ngân sách cho quốc phòng. Thủ tướng Đức Angela Merkel, người không tham dự diễn đàn Davos năm nay, gần đây đã đưa ra nhận xét rằng"châu Âu cần tự mình chăm lo cho an ninh của mình". Nước Mỹ đã thay đổi một cách không thể nhận ra.

(theo Financial Times)