Hình ảnh Hoàng tử Anh Louis trong bộ đồ phong cách thời trang hàng hải là một trong những khoảnh khắc nổi bật của Đại lễ Bạch Kim gần đây. Mọi con mắt đều đổ dồn vào người thừa kế Hoàng gia chỉ mới 4 tuổi khi cậu đang ôm chặt hai tai hét lên khi thấy đoàn máy bay chiến đấu lao vút trên ban công Cung điện Buckingham.
Hoàng tử Anh Louis trong bộ đồ thủy thủ. (Nguồn: Birmingham Live) |
Trong khi phản ứng đáng yêu của cậu chiếm sóng hàng loạt tờ báo lớn, trang phục của cậu cũng được mặc bởi cha cậu khi còn nhỏ là một biểu tượng khó quên trong sự kiện này.
Nhưng không chỉ các trang phục Hoàng gia mới có những sọc màu xanh, trắng mang tính biểu tượng. Thời trang lấy cảm hứng từ các thủy thủ đã xuất hiện từ lâu, có một lịch sử lâu dài, đa dạng, đã vượt qua thử thách của thời gian và tồn tại cho tới tận ngày nay. Phong cách này như là một xu hướng được các nhà thiết kế thời trang đường phố cao cấp cực kì yêu thích trong nhiều thập kỉ.
Bà Hannah Lyons, Trợ lí phụ trách nghệ thuật tại Bảo tàng Hàng hải Quốc gia London, cho biết thời trang thủy thủ mang tới thông điệp về những cuộc phiêu lưu trên biển và sự lãng mạn của biển cả. Nó mang một sức hấp dẫn bền bỉ, mãi trường tồn theo thời gian và phù hợp với tất cả mọi người.
Bà Lyons nói thêm: “Phong cách thủy thủ vừa “thực tế nhưng cũng hấp dẫn về mặt thị giác. Tôi nghĩ điều này cùng với tính thẩm mỹ cao của nó đã làm mê hoặc các nhà thiết kế”.
Một người mẫu đang sải bước trên sàn diễn Chanel Cruise vào ngày 3/5/2015 tại Paris (Pháp) trong bộ đồ lấy cảm hứng từ thủy thủ. (Nguồn: Getty Images) |
Khởi nguồn Hoàng gia: Từ Nữ hoàng Victoria đến Hoàng hậu Alexandra
Khi thời trang hàng hải lần đầu lên ngôi, Nữ hoàng Victoria là một trong những người đầu tiên “lăng xê” xu hướng này. Ban đầu, phong cách này chỉ đơn thuần là những bộ quần áo trẻ em bình thường, bởi Quốc vương Anh đã tặng cho con trai bà một bộ đồ thủy thủ cỡ nhỏ năm 1846.
Công chúng đã có dịp chiêm ngưỡng bức chân dung của vị Hoàng tử 4 tuổi trong bộ trang phục ấy, người mà sau này trở thành Vua Edward VII tại Cung điện STt. James. Royal Collection Trust nhận định sẽ có thêm khoảng hơn 100.000 người đến chiêm ngưỡng.
Bà Lyons nói rằng bức ảnh ấy sau đó được chuyển thành bức tiểu họa, bức ảnh trên men, bức ảnh in, rồi sau đó là ảnh chụp để nó có thể tiếp cận tới một lượng khán giả lớn hơn nữa.
Phần mô tả bức chân dung trên trang web của Royal Collection Trust có đoạn: “Việc trưng bày bức ảnh đó đã khơi gợi nguồn cảm hứng cho phong cách thời trang thủy thủ mà tồn tại trong phần lớn thế kỉ".
Công chúa Mary, Hoàng tử Edward (Vua Edward VIII sau này) và Hoàng tử Albert khi còn nhỏ, hai người sau mặc đồ thủy thủ. (Nguồn: Getty Images) |
Tại thời điểm đó, bộ trang phục không chỉ là một tuyên bố thời trang mà còn là ví dụ cho quyền lực mềm: Một sự ủng hộ phong cách dành cho cộng đồng Hải quân Anh.
Bà Lyons nói: “Phong cách hải quân trong thời trang Anh được sử dụng để gợi lên niềm tự hào dân tộc và tình đoàn kết với Hải quân Hoàng gia trong thời chiến, đặc biệt là trong Thế chiến I và II”.
Phong cách này không chỉ phổ biến tại Anh. Hoàng hậu Alexandra Feodorovna của Nga đã mặc cho cậu con trai nhỏ Tsesarevich Alexei của mình theo phong cách này trong một bức ảnh được chụp năm 1913.
Đồng phục nữ tại các trường học ở Nhật cũng được lấy cảm hứng từ những bộ quần áo thủy thủ châu Âu với tên gọi “seifuku” vào khoảng những năm 1920.
Trong khi đồng phục học sinh nam được lấy cảm hứng từ trang phục hải quân Nhật Bản đã có từ năm 1879, đồng phục nữ thời Minh Trị phần lớn được lấy cảm hứng từ trang phục hakama truyền thống – quần ống rộng xếp ly, cạp cap trên thắt lưng.
Ông Namba Tomoko, Phó Giáo sư tại Đại học Ochanomizu, Tokyo, trong một bài báo trên Nippon năm 2018, cho biết: “Đồng phục học sinh nữ bắt đầu thay đổi vào những năm 1920, với chuẩn mực là trang phục kiểu phương Tây. Nhiều sinh viên thời đó đã nhiệt liệt hưởng ứng phong cách thời trang thủy thủ và coi đó là đồng phục tiêu chuẩn”.
Theo thời gian, mối liên hệ giữa thời trang hàng hải với lực lượng hải quân đã bắt đầu thay đổi khi có sự tham gia của nhiều nhà thiết kế.
Học sinh cấp ba trong bộ đồng phục đang chụp ảnh với tấm bằng tốt nghiệp tại trung tâm Tokyo. (Nguồn: Getty Images) |
Áo kẻ sọc trở thành đặc trưng của Hải quân Pháp và Coco Chanel
Ngoài sức ảnh hưởng của Hải quân Anh, quân phục sọc của Hải quân Pháp cũng bắt đầu có ảnh hưởng trên phạm vi quốc tế. Năm 1958, Hải quân Pháp giới thiệu mẫu áo ba kẻ sọc còn được gọi là “mariniere” hoặc “áo Breton” như một phần của quân phục tiêu chuẩn.
Theo thương hiệu Saint James của Pháp, công ty đã tạo ra mẫu áo này từ năm 1889, một sắc lệnh Hải quân quy định phần trên cùng sẽ có 21 sọc trắng và 20 đến 21 sọc xanh chàm.
Mặc dù chưa có lời giải thích cho số lượng chuẩn xác của các sọc trên áo, Saint James tuyên bố một lý thuyết nổi tiếng là “21 sọc" tương ứng với số chiến thắng của Napoléon, trong khi một lý thuyết khác nói rằng đó là dấu hiệu dễ nhận biết nếu có ai đó ngã xuống.
Ngoài các sĩ quan Hải quân Pháp, việc các ngư dân mặc áo kẻ sọc ngày càng trở nên phổ biến ở Normandy và Brittany. Khi họ đi thuyền từ Pháp sang Anh để bán đồ gia dụng, chiếc áo này ngày càng được nhiều người ưa chuộng khi những người du lịch Pháp dọc theo Riviera bắt đầu sử dụng kiểu áo này như một phần trong tủ quần áo của họ.
Nữ diễn viên Audrey Hepburn năm 1955. (Nguồn: Getty Images) |
Theo Bảo tàng Hoàng gia Greenwich, chiếc áo kẻ sọc trở nên nổi tiếng toàn cầu nhờ vào sự ảnh hưởng của vài người Mỹ xa xứ có tên Gerald và Sara Murphy.
Trong chuyến ghé thăm nhà soạn nhạc người Mỹ Cole Porter ở French Riviera năm 1922, họ đã mua những chiếc áo kẻ sọc cho những người bạn nổi tiếng của họ là Ernest Hemingway, F. Scott and Zelda Fitzgerald. Chính việc này đã tạo ra xu hướng khi họ giới thiệu mẫu áo này với công chúng Mỹ.
Ở Pháp, nhà thiết kế Coco Chanel đã đi đầu giới thời trang những năm 1930 đúng với cách tiếp cận đột phá của bà với thời trang nữ, kết hợp với các yếu tốc thời trang nam giới và sự vượt qua ranh giới.
Bà Lyons cho biết: “Chanel đã biến những chiếc áo kẻ sọc thành phong cách Bohemian – phong cách thời trang phóng túng, thiên về sự lãng mạn của biển cả hơn là sự liên kết của nó với Hải quân.
Những ngôi sao như James Dean và Audrey Hepburn sử dụng áo kẻ sọc đã giúp nó ngày càng phổ biến hơn nữa và gắn nó với sự hào quang của Hollywood”.
Phong cách hiện đại: Từ những năm 1960 đến nay
Thế kỉ XX, nhiều nhà thiết kế sang trọng đã bắt đầu sáng tạo ra các bộ trang phục hàng hải cho bộ sưu tập của họ. Yves Saint Laurent đã biến chiếc áo kẻ sọc trở nên quyến rũ hơn vào năm 1966, biến nó thành một chiếc váy dạ hội lộng lẫy với những đường sọc mang tính biểu tượng được dệt bằng sợi sequins rực rỡ.
Gigi Hadid trong show diễn thời trang Xuân Hè 2020 của Jean-Paul Gaultier Haute Couture. (Nguồn: Getty Images) |
Jean Paul-Gaultier đã mặc chiếc áo kẻ sọc tại Paris khi ông còn trẻ. Ông đã sử dụng những đường sọc vào bộ sưu tập “Boy Toy” năm 1984 của mình, khơi gợi lên mối tình trọn đời với “mariniere”.
Phong cách hàng hải tiếp tục trở lại trong bộ sưu tập "Pin-Up Boys" năm 1996 của ông ấy, các bộ sưu tập "Russia" và "Salon Atmosphere" của năm sau và tiếp tục cho đến ngày nay với Gigi Hadid diện chiếc áo thủy thủ và phiên bản xếp ly táo bạo trong show diễn thời trang Xuân/Hè 2020 Haute Couture.
Trong danh mục triển lãm “Thế giới thời trang của Jean Paul-Gaultier", Gaultier nói về một chiếc áo hở lưng thiết kế năm 1984: "Tôi đã làm mới chiếc áo len sọc thủy thủ bằng cách cho nó hở lưng, nhưng điều này lại bị coi là thiếu tôn trọng!".
Một người mẫu đang sải bước trong show diễn thời trang K-Way Fashion trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang nam Milan vào 17/1/2021 ở Milan, Italy. (Nguồn: Getty Images) |
Trong những năm gần đây, sự cổ điển của thời trang hàng hải cũng được đổi mới với các thương hiệu như Zimmermann và Ghost đã đưa kiểu cổ áo thủy thủ vào các thiết kế của họ.
Năm ngoái, cottagecore – phong cách thời trang lấy cảm hứng từ cuộc sống nông thôn bình dị, cũng đã lên ngôi với kiểu cổ áo này cùng với kiểu áo choàng hoa và áo tay phồng.
Phong cách thời trang hàng hải vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong tủ quần áo của gia đình hoàng gia, từ Hoàng tử William thời trẻ đến người vợ tương lai Catherine, Nữ công tước xứ Cambridge và người mẹ quá cố là Công nương Diana.
Đặc biệt, Công nương Diana rất ưa chuộng những thiết kể với kiểu cổ áo thủy thủ và bà đã mặc nó trong chuyến thăm trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia vào năm 1989.
Công nương Diana mặc váy của Catherine Walker và đội mũ của Philip Somerville trong chuyến thăm trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia vào tháng 4/1989. (Nguồn: Getty Images) |