📞

Nếu dòng khí đốt từ Nga ngừng chảy, không chỉ châu Âu, Ukraine cũng 'gặp nạn', Slovakia đối đầu Tổng thống Zelensky

Việt An 08:11 | 30/12/2024
Bloomberg cho hay, Thủ tướng Slovakia Robert Fico và các công ty năng lượng ở Trung Âu đang gây áp lực lên Ukraine để tiếp tục duy trì luồng khí đốt từ Nga qua hệ thống đường ống dài 38.600km của nước này.
Ukraine tuyên bố sẽ không cho phép khí đốt Nga tiếp tục trung chuyển qua Ukraine. (Nguồn: Reuters)

Trong khi đó, Slovakia và Hungary, hai quốc gia vẫn phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ từ Gazprom của Nga, đang đối đầu với lập trường cứng rắn của Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Hạn chót để đạt được thỏa thuận về việc tiếp tục trung chuyển khí đốt từ Nga qua Ukraina đến châu Âu đang đến gần. Thỏa thuận hiện tại giữa Moscow và Kiev sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2024.

Nếu không có giải pháp, hàng tỷ mét khối khí đốt có thể bị chặn lại, đẩy khu vực này vào nguy cơ thiếu hụt năng lượng trong mùa Đông.

Ông Zelensky đã tuyên bố sẽ không cho phép khí đốt Nga tiếp tục trung chuyển qua lãnh thổ đất nước. Tuy nhiên, ông sẵn sàng xem xét vận chuyển khí đốt từ các quốc gia khác nếu có đề nghị từ Liên minh châu Âu (EU).

Trong khi đó, Slovakia đã đe dọa cắt nguồn cung cấp điện cho Ukraine nếu tuyến khí đốt bị chặn.

Thủ tướng Fico còn tuyên bố rằng, việc dừng trung chuyển khí đốt qua Kiev sẽ khiến Liên minh châu Âu (EU) chịu thêm chi phí năng lượng khoảng 120 tỷ EUR trong hai năm tới.

Dừng trung chuyển khí đốt không chỉ ảnh hưởng đến châu Âu mà còn đe dọa trực tiếp tới Kiev.

Theo ông Christian Egenhofer, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Âu (CEPS), việc tiếp tục trung chuyển khí đốt qua Ukraine có thể là "phao cứu sinh" cho ông Zelensky. Điều này giúp bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của đất nước và tránh những tổn thất lớn hơn trong ngắn hạn.

Trước nguy cơ không đạt được thỏa thuận, các quốc gia châu Âu đang tìm kiếm các giải pháp thay thế.

Cụ thể, Slovakia đã đàm phán với công ty dầu khí quốc gia Azerbaijan - Socar - để nhập khẩu khí đốt từ Azerbaijan thông qua thỏa thuận hoán đổi với Gazprom.

Hungary đề xuất chuyển địa điểm giao dịch khí đốt sang biên giới giữa Nga và Ukraine, nơi khí đốt sẽ được bán trực tiếp cho các công ty châu Âu.

(theo Bloomberg)