Diễn đàn do báo Người Hà Nội phối hợp với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội tổ chức với chủ đề “Doanh nhân, doanh nghiệp tiên phong đổi mới vì sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước”, nhằm ưởng ứng Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (10/11).
Văn hóa doanh nhân là tài sản vô hình của doanh nghiệp
Phát triển văn hóa doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản và cấp thiết để doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng lực hội nhập và khả năng cạnh tranh. Trên thế giới, có rất nhiều doanh nghiệp thành công nhờ phát huy vai trò của văn hóa doanh nghiệp. Ở nước ta không ít doanh nghiệp đã có những thay đổi nhất định từ nhận thức đến hành động trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân. Nhiều doanh nghiệp luôn chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích cộng đồng và đã khẳng định được bản sắc cũng như uy tín của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng xây dựng văn hóa doanh nhân, chưa phát huy được sức mạnh nội lực tổng hợp của doanh nghiệp.
Nhà báo Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập báo Người Hà Nội, Trưởng ban tổ chức diễn đàn cho hay, văn hóa vừa là mục tiêu cũng vừa là động lực để doanh nghiệp phát triển. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân gắn với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc sẽ tạo cho doanh nghiệp nền tảng để phát triển bền vững, góp phần đẩy lùi tiêu cực trong sản xuất kinh doanh.
Ông Lê Như Tiến, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu. (Ảnh: NH) |
“Chúng tôi mong muốn qua diễn đàn bồi đắp thêm khái niệm về văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân. Đồng thời, làm rõ hơn vai trò của doanh nhân, bản lĩnh của doanh nhân, vai trò văn hóa doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước. Diễn đàn cũng là nhịp cầu nối để doanh nhân, doanh nghiệp giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, kết nối cơ hội giao thương”, Nhà báo Đào Xuân Hưng nhấn mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Xô, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Hà Nội nhận định, trong một doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô lớn, là một tập hợp những con người khác nhau về trình độ chuyên môn, vùng miền địa lý, tư tưởng văn hóa… Chính sự khác nhau này tạo ra một môi trường làm việc đa dạng và phức tạp. Bên cạnh đó, với sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa, buộc các doanh nghiệp để tồn tại và phát triển phải liên tục tìm tòi những cái mới, sáng tạo và thay đổi cho phù hợp thực tế.
“Vậy làm thế nào để doanh nghiệp trở thành nơi tập hợp, phát huy mọi nguồn lực con người, làm gia tăng nhiều giá trị của từng nguồn lực con người đơn lẻ, góp phần vào sự phát triển bền vững? Mặt khác, xây dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp còn là một yêu cầu tất yếu của chính sách phát triển thương hiệu vì thông qua hình ảnh văn hóa doanh nghiệp sẽ góp phần quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp chính là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiêp”, ông Nguyễn Việt Xô đặt vấn đề.
Doanh nhân phải là sản phẩm của văn hóa!
Bày tỏ quan điểm của mình, GS. TSKH. Vũ Minh Giang (Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, nói tới văn hóa là không có cao thấp. Đồng thời, phải hiểu kinh doanh nằm trong văn hóa chứ không phải là kinh doanh và văn hóa.
"Rõ ràng, văn hóa mỗi nước có sự khác biệt để phát huy đến mức cao nhất. Điều đó thể hiện đặc trưng văn hóa của mỗi nước trong hoạt động kinh doanh. Đó là mấu chốt và phải biến tất cả những gì người Việt Nam mình có thành lợi thế trong cạnh tranh quốc tế mới là cái đích đạt tới chứ không phải lúc nào cũng nói hoạt động kinh doanh cho lịch sự, văn hóa", GS. Vũ Minh Giang nói.
Theo ông Lê Như Tiến, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, văn hóa doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của mỗi loại hình doanh nghiệp. Nếu thiếu yếu tố văn hóa thì doanh nghiệp khó có thể đứng vững và tồn tại được trên thị trường ở bất kỳ thời điểm hay hình thái kinh tế xã hội nào.
Diễn đàn nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. (Ảnh: NH) |
Văn hóa doanh nghiệp luôn được xem là nền tảng tinh thần tạo nên giá trị của doanh nghiệp, là nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển. Vì vậy, vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp đang trở thành một nhu cầu quan trọng và cấp thiết để doanh nghiệp phát triển bền vững.
"Văn hóa doanh nghiệp trước hết là dấu ấn cá nhân của người đứng đầu doanh nghiệp. Vì thế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời hội nhập, doanh nhân phải là người tiên phong. Họ là vị nhạc trưởng quyết định sự thành công hay thất bại của một doanh nghiệp. Họ là người trực tiếp xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, tuyển chọn và sử dụng nguồn nhân lực, xây dựng quy trình, tổ chức, điều hành hoạt động, tạo uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp", ông Lê Như Tiến cho biết.
Đồng thời, theo ông Lê Như Tiến, cốt cách văn hóa doanh nghiệp Việt Nam phải bắt nguồn từ văn hóa dân tộc. Nói cách khách, văn hóa doanh nghiệp không thể tách rời văn hóa dân tộc. Doanh nghiệp, doanh nhân bao giờ cũng là sản phẩm của văn hóa, đồng thời văn hóa là điều kiện tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân.
Bất kỳ một doanh nghiệp nào nếu thiếu đi yếu tố văn hóa, tri thức thì khó đứng vững. Bởi vậy, văn hóa doanh nghiệp được xem là yếu tố quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp. Vì thế, đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng và duy trì hệ văn hóa đặc thù của doanh nghiệp mình để phát huy năng lực và thúc đẩy, đóng góp của tất cả mọi người vào việc đạt mục tiêu chung.
"Thông qua hình ảnh có văn hóa cả doanh nghiệp sẽ góp phần quảng bá thương hiệu và tín nhiệm của doanh nghiệp đó với thị trường. Do đó, văn hóa doanh nghiệp chính là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp", ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, ông Vũ Văn Thuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Vinsmile Travel nhận định, xây dựng văn hóa doanh nghiệp là cả một quá trình chứ không phải chỉ trong một thời gian ngắn, với sự đóng góp của nhiều người chứ không riêng gì ai.
"Đối với doanh nhân, để phát triển văn hóa doanh nghiệp cần phải duy trì và phát huy những phẩm chất tốt và những tư tưởng đúng đắn. Mỗi doanh nhân cần có ý thức xây dựng những mô hình hiệu quả góp phần thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế và tạo nên tính cân đối trong đời sống xã hội", ông Vũ Văn Thuấn cho hay.
Trong bối cảnh hiện nay, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp không chỉ là sản phẩm, doanh thu, thương hiệu mà đầu tiên và cốt lõi nhất chính là văn hóa doanh nghiệp. Khi làm việc, hợp tác trong môi trường có văn hóa sẽ tạo lòng tin với đối tác, nhất là với những doanh nghiệp nước ngoài.
"Thử tưởng tượng bạn có sẵn sàng làm việc với một doanh nghiệp không có văn hóa không? Chính vì vậy, có thể thấy vai trò và tầm quan trọng của văn hóa doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay là rất quan trọng", ông Vũ Văn Thuấn khẳng định.