Nga tiếp tục gia hạn lệnh cấm bay tới Thổ Nhĩ Kỳ, vốn sẽ hết hạn vào ngày 1/6, tới tận giữa mùa du lịch. (Nguồn: Getty) |
Lệnh cấm du khách Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, có hiệu lực từ giữa tháng Tư, được Moscow áp dụng do tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 gia tăng ở Ankara khiến Moscow lo ngại.
Việc tiếp tục gia hạn lệnh cấm du khách Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến kéo dài ba tuần và thậm chí hơn thế, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch khách sạn của Ankara, nơi du khách Nga chiếm khoảng một nửa tổng số du khách nước ngoài.
Trong năm 2020, khoảng 2,1 triệu người Nga đã du lịch Thổ Nhĩ Kỳ. Dòng tiền thu được từ du lịch chủ yếu để chi trả các khoản nợ nước ngoài của Ankara.
Đòn trừng phạt của Nga
Ngoài lý do lo ngại về dịch bệnh, quyết định này được coi là một động thái chính trị ăn miếng trả miếng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn Ukraine trong căng thẳng biên giới với Nga gần đây. Thêm vào đó, chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tới Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng Tư cũng khiến Điện Kremlin không hài lòng.
Ông Emre Ersen, chuyên gia về quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ tại Đại học Marmara ở Istanbul đánh giá: “Xét việc số ca nhiễm Covid-19 hằng ngày ở Nga còn cao hơn ở Thổ Nhĩ Kỳ, thật khó tin rằng không có động cơ chính trị đằng sau quyết định của Moscow”.
Đây không phải là lần đầu tiên Nga sử dụng du lịch làm “quân bài” đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Sau vụ bắn rơi máy bay chiến đấu Nga của lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới Syria vào tháng 11/2015, Điện Kremlin đã công bố gói trừng phạt kinh tế, trong đó có cấm các chuyến bay giữa hai nước, cấm du khách Nga thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Các lệnh cấm này kéo dài khoảng 7 tháng và kết thúc sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gửi thư xin lỗi về vụ việc.
Theo chuyên gia Emre Ersen, mặc dù hai nước đang phát triển quan hệ trong lĩnh vực thương mại và năng lượng, nhưng Nga vẫn luôn lo ngại về vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bởi lẽ đó, Moscow luôn “phòng hờ” trong tay “quân bài du lịch” với Ankara.
Tin liên quan |
Trước thềm cuộc gặp Biden-Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo Mỹ nguy cơ 'mất người bạn quý' |
Gần đây, một số chính trị gia Nga cũng bày tỏ lo ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có những động thái vượt tầm kiểm soát, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách sử dụng “quân bài du lịch” với Ankara.
Chỉ trích việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ủng hộ Ukraine, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev viết trên trang cá nhân Facebook rằng: “Không du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là phản ứng mạnh mẽ của chúng ta đối với những tuyên bố vô trách nhiệm của một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc, người từng mời người Nga đi nghỉ mát với hy vọng về tình yêu vô điều kiện của người Nga dành cho biển ấm”.
Thể hiện sự "không hài lòng"
Theo chuyên gia Ersen, mối quan hệ quân sự chiến lược ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ với Ukraine, những bất đồng giữa Ankara với Moscow về Syria và Libya, cũng như quyết định của Ba Lan mua máy bay không người lái từ Thổ Nhĩ Kỳ, là những nguyên nhân chính dẫn tới quyết định mới đây của Điện Kremlin.
Trước đó, ngày 24/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo Ankara về mối quan hệ hợp tác với Ukraine, nói rằng việc khuyến khích các hành động “hung hăng” của Ukraine đối với Crimea và ủng hộ chủ nghĩa quân phiệt của Kiev có nghĩa là xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Nga.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ gần đây cũng thực hiện các bước tiến tới hợp tác quốc phòng với Ba Lan qua vụ bán 24 máy bay chiến đấu dòng Bayraktar TB2 (hệ thống UAV chiến thuật tầm trung và tầm xa) cho nước này. Hợp đồng này đưa Ba Lan trở thành quốc gia thành viên NATO thứ hai vận hành UAV, hiện mới được sử dụng bởi lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bán máy bay không người lái cho Ukraine vào năm 2019. Các giao dịch máy bay không người lái với hai quốc gia này được xem là một tín hiệu gửi tới NATO rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang tham gia liên minh chống Nga.
Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) gần đây thông báo tăng cường tần suất sử dụng máy bay không người lái gần biên giới với Ukraine, mặc dù Ankara đã nhiều lần giải thích rằng thỏa thuận máy bay không người lái với Ukraine không nhằm vào Nga.
Nhà phân tích Karol Wasilewski tại Viện các vấn đề quốc tế Ba Lan có trụ sở tại Warsaw đánh giá rằng việc kéo dài lệnh cấm đi lại rõ ràng là một công cụ chính trị nhằm thể hiện sự không hài lòng của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ về những gì mà Moscow cho là đi ngược lại lợi ích của mình, cũng như một lời cảnh báo tới Ankara nếu tiếp tục đi theo chiều hướng này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Theo ông Wasilewski, Nga đã quan sát các thông điệp mà Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng gửi tới các đồng minh phương Tây kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức và đưa ra hành động kiên quyết.
Nga đã quan sát các thông điệp mà Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng gửi tới các đồng minh phương Tây kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. (Nguồn: M2T) |
Đã đến lúc Thổ Nhĩ Kỳ phải lựa chọn
Nhà phân tích Wasilewski chỉ ra rằng câu chuyện này càng trở nên thú vị khi xét đến bối cảnh. Ông Wasilewski lưu ý rằng Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp diễn ra vào ngày 14/6 tại Brussels (Bỉ), nơi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sẽ có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với người đồng cấp Mỹ Joe Biden.
Tại cuộc gặp bên lề hội nghị, hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận về việc đưa Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại chương trình phát triển chiến đấu cơ tàng hình F-35. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang bị Mỹ áp dụng Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) vì mua hệ thống phòng không S-400 của Nga hồi cuối năm ngoái.
Ngày 31/5, Ankara thêm một động thái thể hiện sự sẵn sàng giải quyết những lo ngại của Mỹ về Nga thông qua việc đưa các chuyên gia Nga giám sát hệ thống phòng thủ S-400 trở về quê nhà.
Ông Wasilewski cho rằng đã đến lúc Thổ Nhĩ Kỳ phải đưa ra lựa chọn cuối cùng về S-400 và định hướng chiến lược: “Với các động thái của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải cân nhắc cẩn trọng lựa chọn của mình. Đây sẽ là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến biểu hiện của Ankara tại Hội nghị thượng đỉnh NATO và cách tiếp cận với Mỹ”.
Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã thuyết phục các đồng minh NATO không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Belarus, đồng minh thân cận của Điện Kremlin, sau khi nước này buộc một máy bay Ryanair hạ cánh để bắt giữ một nhà báo bất đồng chính kiến.
Động thái này của Thổ Nhĩ Kỳ được coi là chiến thuật chìa “cành ô liu” cho Điện Kremlin nhằm bảo đảm lượng khách du lịch Nga khi mùa hè đến, ngăn ngừa sự sụt giảm kinh tế, đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Và câu trả lời của Moscow cho thấy dường như những thiện chí ngoại giao của Ankara đã thất bại.