Nga-EU: Moscow chưa phản đòn, châu Âu đã ‘trọng thương’? Trong ảnh: Nhà máy nhiệt điện than ở Peitz, Đức. Nước này đang chuẩn bị mở lại nhiều nhà máy điện than nếu Nga thực hiện lời đe dọa cắt nguồn cung cấp khí đốt cho EU. (Nguồn: Bloomberg) |
Cuộc khảo sát mới nhất của S&P Global cho thấy, tăng trưởng kinh tế ở Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) đã giảm mạnh vào tháng 6, do giá cả hàng hóa quá cao đã thổi bay sự phục hồi mạnh mẽ từ mức thấp sâu sau đại dịch Covid-19.
Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) được theo dõi chặt chẽ hàng tháng của S&P Global đã giảm từ 54,8 trong tháng 5 xuống 51,9 (con số trên 50 thể hiện sự tăng trưởng). Khảo sát cho thấy, sự chậm lại này, gây ra bởi "cú sốc chi phí sinh hoạt" - đột ngột nhất kể từ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào tháng 11/2008 ”, không bao gồm đại dịch Covid-19, theo Chris Williamson, Giám đốc Kinh tế kinh doanh tại S&P Global.
Kể từ đầu năm, nền kinh tế châu Âu đã phục hồi mạnh mẽ sau khi dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19, làm hồi sinh ngành du lịch ở các nước như Tây Ban Nha và Hy Lạp cũng như giao thông. Nó cũng được hưởng lợi từ chi tiêu hộ gia đình, khi người tiêu dùng "mở két" tiêu hết số tiền tiết kiệm được tích lũy trong nhiều tháng bị cách ly, bù đắp phần nào tác động tiêu cực do xung đột Nga-Ukraine.
Nhưng bắt đầu từ tháng 6, "luồng gió" của nhu cầu bị dồn nén này đã tan dần, Williamson cảnh báo. Dữ liệu mới nhất "hiện phù hợp với tăng trưởng GDP chỉ là 0,2% cho quý II/2022, so với mức tăng trưởng hàng quý là 0,6% vào đầu năm", chuyên gia của S&P Global cho biết. "Tình hình có thể sẽ xấu đi trong nửa cuối năm", bóng ma của tăng trưởng tiêu cực và suy thoái đã hiện hữu.
Ngoại thương rơi vào ‘báo động đỏ”
Phân tích lý do hoạt động ngoại thương của Khu vực Eurozone đang chìm trong sắc đỏ, nhật báo Les Echos (Pháp) cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến điều này là do cuộc khủng hoảng năng lượng đã khiến tình trạng thâm hụt thương mại của Eurozone liên tục tăng trong một năm trở lại đây.
Trong năm qua, Eurozone đã ghi nhận thâm hụt thương mại liên tục gia tăng. Nếu như trong năm 2019, thời điểm trước đại dịch Covid-19, thặng dư thương mại trung bình của Eurozone đạt 18,6 tỷ Euro/tháng (19,6 tỷ USD/tháng) thì trong giai đoan từ tháng 1-4/2022, khu vực này lại ghi nhận thâm hụt trung bình lên tới 21 tỷ Euro/ tháng.
Nhập khẩu từ Nga tăng 63% so với năm 2019. Tháng Tư vừa qua, mức thâm hụt đã đạt đỉnh là 32 tỷ Euro. Đây là một thay đổi quan trọng đối với nền kinh tế của các quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu.
Eurozone dường như đã rời khỏi giai đoạn hơn một thập kỷ ghi nhận thặng dư thương mại đáng kể. Charles-Henri Colombier, chuyên gia kinh tế tại Rexecode, giải thích: "Đó là giai đoạn có liên quan mật thiết đến sự sụt giảm giá hàng hóa từ năm 2012 đến năm 2014. Giai đoạn này cũng trùng với thời điểm cỗ máy xuất khẩu của Đức hoạt động hết công suất".
Trong 4 tháng đầu năm, nhập khẩu từ Eurozone đã tăng 37% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi xuất khẩu chỉ tăng 16%. Rõ ràng, việc nhập khẩu năng lượng ngày càng đắt đỏ là một trong những nguyên nhân đẩy hoạt động ngoại thương của châu Âu vào tình trạng báo động đỏ.
Với những căng thẳng do sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế sau đại dịch và sau đó là cuộc xung đột ở Ukraine, giá năng lượng đã tăng vọt. Hóa đơn năng lượng ở Eurozone đã gần như tăng gấp đôi trong bốn tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2019.
Châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng thực sự và thị trường giá cả được cho là sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao hơn trong một thời gian dài nữa, vì Nga vẫn là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho EU.
Nỗi buồn của châu Âu, nỗi buồn của thế giới
Ngoài năng lượng, hoạt động ngoại thương của Eurozone cũng chịu ảnh hưởng bởi các lĩnh vực khác.
"Một trong những thế mạnh của châu Âu, là ngành công nghiệp ô tô, ngày nay đang trải qua sự thay đổi sâu sắc với việc chuyển sang xe điện. Tuy nhiên, một phần lớn giá trị gia tăng của xe điện lại được tạo ra ở châu Á", chuyên gia Charles-Henri Colombier giải thích và bổ sung: "Đó là chưa kể đến việc thiếu linh kiện đã khiến sản lượng xe hơi của châu Âu sụt giảm".
Thâm hụt thương mại của châu Âu cũng trở nên tồi tệ khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực hóa chất, một trong những ngành sản xuất tiêu thụ nhiều khí đốt nhất, mà giá của nhiên liệu này lại bùng nổ kể từ mùa Hè năm ngoái.
Chính điều này đã khiến năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp châu Âu sụt giảm, trong khi Trung Quốc trợ giá năng lượng và Mỹ được hưởng lợi từ hoạt động sản xuất dầu khí đá phiến sản xuất trên lãnh thổ của họ.
Cùng lúc đó, việc nhập khẩu hàng hóa mà phần nhiều được sản xuất ở châu Á cũng tăng rất nhanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chẳng hạn, đối với hàng điện tử tiêu dùng, thiết bị giải trí hoặc đồ gia dụng. Trong 4 tháng đầu năm, nhập khẩu của châu Âu từ Trung Quốc đã tăng 65% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi xuất khẩu của Eurozone sang Trung Quốc chỉ tăng 10%. Tương tự, nhập khẩu từ Nga, do giá khí đốt tăng vọt, đã tăng 63% so với năm 2019.
“Thế giới đang chuyển sang một trạng thái cân bằng mới. Thâm hụt thương mại ở mức vừa phải không phải là một thảm họa đối với khả năng tài chính của Eurozone. Tuy nhiên, những thay đổi hiện nay đã phản ánh sự chuyển dịch của cải đang diễn ra trong kinh tế toàn cầu", chuyên gia kinh tế học của Rexecode nhấn mạnh.
Với sự gia tăng giá năng lượng, một phần thu nhập của các nước châu Âu sẽ được chuyển sang các nước sản xuất nguyên liệu thô.
Tuy nhiên, người châu Âu thường hay tiêu dùng và ít tiết kiệm, trong khi ở các nước Trung Đông hay Nga, người dân thích tiết kiệm hơn là tiêu dùng. Thu nhập do vậy sẽ mang lại lợi ích cho những người giàu, lại là những người sẽ bỏ phần lớn thu nhập đó vào việc tiết kiệm.
Chính điều này khiến việc tăng giá năng lượng sẽ mang lại ảnh hưởng tiêu cực đối với tăng trưởng toàn cầu vì thu nhập có thể sẽ không được tiêu thụ, không tạo điều kiện để kích cầu kinh tế thế giới.