Kết quả cuộc đàm phán an ninh Nga-Mỹ về vấn đề Ukraine sắp tới rất khó đoán. (Nguồn: WSJ) |
Tình hình Ukraine vẫn tiếp tục nóng lên, mặc dù Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga đã thống nhất tiến hành đàm phán về bảo đảm an ninh châu Âu.
Toan tính của các bên
Mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố: “NATO và Mỹ muốn gây ra một cuộc chiến tranh quy mô nhỏ tại Ukraine, sau đó đổ lỗi cho phía Nga để áp đặt các lệnh trừng phạt mới. Một số lãnh đạo thiếu sáng suốt của chính quyền Kiev cũng có thể châm ngòi cho cuộc xung đột”.
Nhiều chính trị gia của Nga cũng đồng tình với quan điểm này của ông Lavrov. Theo Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko, kịch bản chiến tranh ở Ukraine do một thế lực thứ 3 chuẩn bị và tiến hành để sát hại dân thường và sau đó rút lui về lãnh thổ của mình.
Thượng nghị sĩ Nga Konstatin Kosachev nhận định: “Mục đích của Kiev là tách rời khỏi khu vực đang hỗn loạn, sau đó liên kết toàn phần với NATO và châu Âu”.
Trong khi đó, quân đội Mỹ tiến hành tập trận ngay sát Ukraine.
Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin quyết định để tàu sân bay Harry Truman ở Địa Trung Hải mà không di chuyển đến Trung Đông vì lo ngại tình hình căng thẳng tại Ukraine.
Nhóm tàu sân bay tấn công của Mỹ hiện đang nằm giữa Italy và Hy Lạp thay vì đi qua kênh đào Suez vào vùng ảnh hưởng của Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM).
Hiện nay, Ukraine đang bị bao trùm bởi tâm lý chiến tranh ở khắp nơi. Tại Kiev, sở chỉ huy phòng thủ quốc gia được thành lập.
Ngày 27/12/2021, Thị trưởng Kiev Vitali Klichko nói: “Những tuyên bố, những lời đe dọa từ phía Nga, cùng với việc Nga tập trung quân đội sát biên giới Ukraine, buộc chúng ta phải sẵn sàng chuẩn bị cho tất cả tình huống, kể cả những kịch bản xấu nhất”.
Mặt khác, Anh đang lên kế hoạch di chuyển binh lính của mình ra khỏi lãnh thổ Ukraine, đề phòng xảy ra chiến tranh. Tờ Daily Express đưa tin, Bộ Quốc phòng Anh đang đánh giá toàn diện đối với lực lượng huấn luyện của Vương quốc Anh, bảo đảm rút lui an toàn cho toàn bộ nhân viên của những đơn vị này.
Đa phần lực lượng Anh đóng ở thành phố Yavorov, tỉnh Lvov của Ukraine. Một nhóm nhỏ các sĩ quan tham mưu của Anh đóng ở Kiev. Theo một số nguồn tin, lực lượng này sẽ được rút về biên giới Ba Lan.
Kết quả đàm phán khó đoán
Trong bối cảnh đó, Nga và Mỹ đã thống nhất tiến hành đàm phán về những đề xuất đảm bảo an ninh.
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, các cuộc đàm phán này sẽ diễn ra từ 10-13/1 với 3 cuộc họp chính.
Cụ thể, ngày 10/1 đàm phán về an ninh chiến lược Nga-Mỹ, ngày 12/1 diễn ra hội nghị giữa Hội đồng NATO-Nga, và ngày 13/1 là hội nghị của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Tại đây, các bên sẽ thảo luận những lo ngại của mỗi bên. Đặc biệt, Washington sẽ thảo luận về những đề xuất an ninh của Moscow vì rất nhiều điểm trong đề xuất này không được Mỹ và châu Âu chấp nhận.
Tuy nhiên, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell tỏ ra không hài lòng về hình thức tổ chức đàm phán Nga-Mỹ.
Ông Borrell nhấn mạnh: "Cuộc đàm phán về đảm bảo an ninh mà không có sự tham gia của EU sẽ là vô nghĩa”.
Trong khi đó, Ukraine dường như cũng bị "gạt sang một bên" trong tiến trình đàm phán an ninh này.
Lý giải về lý do Kiev không được mời tham gia, Phó Giám đốc Viện các nước thuộc Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG) Vladimir Zharikhin cho rằng, tình hình Ukraine là quan trọng, nhưng đó chỉ là một phần của các vấn đề.
Ông Zharikhin đánh giá, cuộc đối thoại sắp tới sẽ rất phức tạp, cần phải có thời gian để phương Tây nhận thức được lập trường nhất quán của Nga về lằn ranh đỏ không thể vượt qua.
Phó Giám đốc Viện các nước thuộc SNG nhấn mạnh: "Nga từ lâu đã giải thích và thuyết phục, nhưng không được lắng nghe. Hiện tại Nga không còn sự lựa chọn nào khác, để bảo vệ lợi ích sống còn của mình, chỉ còn một cách là ngăn chặn sự mở rộng về phía Đông của NATO”.
Theo nhận định của vị chuyên gia này, tại Mỹ đang hình thành hai luồng tư tưởng. Luồng tư tưởng thứ nhất cho rằng phải tiếp tục gây sức ép đến cùng đối với Nga.
Luồng tư tưởng thứ hai cho rằng trước cuộc đối đầu với Trung Quốc, Nga không phải là yếu tố giữ vị trí số một. Hiện tại, tư tưởng thứ hai đang chiếm ưu thế.
Dự báo về cuộc đàm phán an ninh Nga-Mỹ sắp tới, ông Zharikhin cho rằng rất khó đoán.
Lãnh đạo Viện các nước thuộc SNG kết luận."Bất kỳ sự nhượng bộ nào của NATO và Mỹ đối với Nga sẽ là thất bại rất lớn về địa chính trị của phương Tây đối với Nga, chính vì vậy, đây sẽ là vật cản lớn của họ trên con đường đi đến sự thỏa hiệp”,
| Mỹ nêu điều kiện tăng cường hiện diện của NATO ở châu Âu Ngày 5/1, Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby tuyên bố, việc tăng cường hiện diện quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc ... |
| Nga đặt mục tiêu rõ ràng trong đối thoại với NATO, từ chối đàm phán suông Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết Moscow mong đợi kết quả cụ thể từ cuộc đối thoại sắp tới với Tổ chức ... |