Xung đột Nga-Ukraine vẫn diến biến phức tạp. (Nguồn: Twitter) |
Ai "vững" hơn trên thực địa?
Gần 5 tháng sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine, các lực lượng Nga và Ukraine đang bị sa vào một cuộc xung đột tiêu hao kinh phí và nhân lực. Các lực lượng Nga đang đạt được nhiều bước tiến trong giành quyền kiểm soát hoàn toàn Donbass, nhưng đang “loạng choạng” trước sự kháng cự của Ukraine.
Động lực và sự bền bỉ của các lực lượng Ukraine rất ấn tượng vì họ đang chiến đấu vì sự sống còn của quốc gia.
Tuy nhiên, Kiev phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn về nguồn lực, cả quân sự và tài chính. Trước sự lấn át của Nga, Ukraine đã tập trung vào việc kìm chân Nga, chờ đợi thêm các trang thiết bị của phương Tây, đặc biệt là pháo binh.
Ukraine đã bị thiệt hại đáng kể. Các loại vũ khí tiên tiến do phương Tây cung cấp đang tạo ra sự khác biệt, đặc biệt là Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), tấn công các mục tiêu quan trọng ở các vị trí hậu phương của Nga, nhưng hiện cũng có những phàn nàn rằng sự hỗ trợ quân sự của phương Tây đến quá chậm và không đủ số lượng.
Ngân sách của Ukraine đang chịu áp lực nghiêm trọng, với sự sụp đổ trong hoạt động kinh tế - dự kiến sẽ giảm 45% trong năm 2022 - và mất khoản thu nhập từ xuất khẩu ngũ cốc và thép. Ukraine cần ít nhất 5 tỷ USD/tháng để bù đắp sự thiếu hụt ngân sách và nguồn tài trợ từ các nhà tài trợ bên ngoài cũng không đủ.
Nga cũng phải gánh chịu thiệt hại nặng nề về người và thiết bị. Quân đội đang phải sử dụng các thiết bị lỗi thời để thay thế những thiết bị đã bị phá hủy trên chiến trường. Tuy nhiên, điều này chưa ảnh hưởng đến năng lực của Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Bên cạnh đó, doanh thu từ dầu của Nga tiếp tục cao, nền kinh tế đã chứng tỏ khả năng phục hồi và thích ứng - mặc dù tác động của các lệnh trừng phạt, giảm đầu tư và mất lao động có tay nghề cao sẽ rõ ràng theo thời gian. Nga tin rằng thời gian đang đứng về phía mình và thể hiện rõ sự tự tin và tính toán rằng sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine sẽ suy yếu khi xung đột kéo dài, buộc Kiev phải yêu cầu hòa bình.
Ukraine phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ tài chính và quân sự đáng kể của phương Tây. Mặc dù các nước phương Tây cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine tại các hội nghị thượng đỉnh G7 và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gần đây, nhưng hoàn cảnh kinh tế và chính trị sẽ là phép thử với quyết tâm của các chính phủ phương Tây trong những tháng tới.
Tin liên quan |
Nga khai thác được gì qua 'chiến lợi phẩm' vũ khí phương Tây ở Ukraine? |
Lạm phát gia tăng, tình trạng tăng giá năng lượng và lương thực (một phần do xung đột tại Ukraine), đang gây ra những khó khăn về kinh tế đối với chính phủ Mỹ và các nước châu Âu.
Do đó, các nước châu Âu có thể cần tập trung đối phó với những vấn đề trong nước và mối quan tâm đến Ukraine dần không còn là ưu tiên của họ.
Nga có thể tận dụng lợi thế
Tổng thống Putin tin rằng sự phụ thuộc nhiều của châu Âu vào khí đốt của Nga mang lại cho Moscow đòn bẩy đáng kể, đặc biệt là khi mùa Đông đến gần.
Nga đã giảm tốc độ và hiện đã ngừng (để “bảo trì”) dòng khí qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1.
Châu Âu đang cố gắng giảm nhu cầu và đa dạng hóa nguồn cung. Tuy nhiên, đối với một số nước, bao gồm cả Đức và Italy, sẽ rất khó để lấp khoảng trống do khí đốt của Nga để lại nếu nguồn cung bị cắt giảm trong mùa Đông.
Hiện vẫn còn nhiều hoài nghi về mức độ ủng hộ sâu sắc dành cho Ukraine từ một số quốc gia châu Âu (bao gồm Pháp, Đức và Italy) và các quốc gia này không muốn cắt đứt hoàn toàn cầu nối với Nga.
Nga có thể sẽ gây sức ép trong những tháng tới để đảm bảo toàn quyền kiểm soát Donbass, sau đó đề xuất ngừng bắn và đàm phán với Kiev.
Bất chấp những cam kết hỗ trợ của dành cho Kiev, điều này có thể khiến một số nước phương Tây cảm thấy mệt mỏi với cuộc xung đột kéo dài và vật lộn với những khó khăn kinh tế và chính trị nghiêm trọng.
Một hướng đi như vậy sẽ kéo theo lợi ích lãnh thổ của Nga ở miền Đông và miền Nam Ukraine, cho phép Tổng thống Putin tuyên bố chiến thắng trong nước. Điều này cũng giúp Nga có thời gian để xây dựng lại quân đội và tìm kiếm sự giảm nhẹ từ các lệnh trừng phạt của phương Tây (đổi lại là đảm bảo cung cấp khí đốt cho Tây Âu).
Trong bất kỳ trường hợp nào, Nga chắc chắn sẽ tìm mọi cách để làm suy yếu quyết tâm và thúc đẩy sự chia rẽ trong và giữa các chính phủ phương Tây.
Do đó, giữ vững lập trường và đi đúng hướng đối với vấn đề Ukraine là điều quan trọng, đòi hỏi phương Tây phải có quyết tâm mạnh mẽ.
*Bài viết theo quan điểm riêng của tác giả
| Nga khai thác được gì qua 'chiến lợi phẩm' vũ khí phương Tây ở Ukraine? Trong xung đột tại Ukraine, nhiều vũ khí mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) viện trợ cho Kiev đã bị Nga ... |
| Hội nghị thượng đỉnh NATO: phương Tây 'nắn gân' Nga, an ủi Ukraine, Mỹ thiết kế vòng vây chiến lược Hội nghị thượng đỉnh vừa qua đã chứng minh sức mạnh tập thể của NATO và quyết tâm của phương Tây trước Nga trong cuộc ... |